Tái cấu trúc nền kinh tế: Ưu tiên hơn cho nông nghiệp và kinh tế biển

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Tái cấu trúc trong thời gian tới cần có sự gắn kết giữa ba khu vực đầu tư công, Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và ngân hàng trong một tổng thể. Đặc biệt, cần tập trung nhiều hơn cho tái cấu trúc trong lĩnh vực liên quan tới nông nghiệp và kinh tế biển.

 Tái cấu trúc nền kinh tế: Ưu tiên hơn cho nông nghiệp và kinh tế biển - Ảnh 1
TS. Nguyễn Minh Phong
Đây là nhận định của Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khi trao đổi với phóng viên.

Phóng viên: Công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế đã thực hiện được 3 năm (từ 2011), ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được hiện nay?

TS. Nguyễn Minh Phong: Tái cấu trúc nền kinh tế là một quá trình, đồng thời cả hai khía cạnh: Thứ nhất là tái cơ cấu các lĩnh vực, các ngành nghề, kể cả các thị trường... Thứ hai quan trọng hơn là định vị phát triển các thể chế để tích hợp cho cơ cấu mới, vận hành mới.

Hiện nay, chúng ta mới đang ở giai đoạn đầu, sắp xếp điều chỉnh, giảm bớt tiêu cực để tránh đổ vỡ nhất thời.

Tuy nhiên, chúng ta đã có một vài bổ sung liên quan đến tái cấu trúc trong nông nghiệp, phát triển kinh tế biển, xem xét lại các quy hoạch,…đây là hướng đi đúng và mới triển khai bước đầu nên chưa thể nói gì lúc này.

Ông có thể nói cụ thể hơn về những gì đã làm được, chưa làm được trong việc tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng tâm là đầu tư công, DNNN và ngân hàng?

Về đầu tư công, tuy đã có sự nhìn nhận, đánh giá và giảm bớt những việc lạm dụng đầu tư công, nhưng nhìn chung vẫn chưa có nhiều sự đổi mới. Đặc biệt trong việc đánh giá vai trò của đầu tư công, tiêu chí đánh giá hiệu quả cũng như các hoạt động bổ trợ.

Về DNNN, bước đầu DNNN đã có cái nhìn đúng đắn hơn, trực diện hơn về vai trò của mình. Đồng thời, chúng ta đã bước đầu không coi DNNN là yếu tố chủ đạo tuyệt đối của nền kinh tế.

Tuy nhiên, cơ chế vận hành của khu vực này vẫn chưa rõ cho nên vẫn đang “nợ” rất nhiều yếu tố từ đại diện sở hữu, quy trình quản lý, đánh giá hiệu quả, đặc biệt đánh giá hiệu quả giữa hai nhóm DN với nhau (vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận).

Chính vì vậy, đối với mục tiêu tái cấu trúc DNNN là sử dụng nguồn lực của Nhà nước để thực hiện chức năng đầu tư và dẫn dắt nền kinh tế thì đến nay chưa thực sự đạt được.

Đối với ngân hàng, có thể nói chúng ta đã “nín thở” trải qua giai đoạn khó khăn nhất của năm 2011-2012, khi rất căng thẳng về nợ xấu và những ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô. Đến nay, chúng ta đang thực hiện tốt giai đoạn 2 là lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại và chuẩn bị để bước vào giai đoạn 3 là tiêu chuẩn hóa theo quốc tế. Rõ ràng đây là những định hướng đúng và cần thiết.

Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất của khu vực này là sở hữu chéo, nợ xấu và mua bán sáp nhập để tạo ra những thực thể lành mạnh. Về các vấn đề này, cho đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để.

Theo ông, trong bối cảnh như vậy, thời gian tới chúng ta nên thực hiện tái cấu trúc theo hướng nào để đạt được kết quả tốt nhất?

Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh ba lĩnh vực chủ chốt là tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và các tổ chức tín dụng. Muốn thực hiện hiệu quả thì buộc phải thể chế hóa bằng luật pháp. Chúng ta cần hoàn chỉnh một hệ thống pháp luật để khai thông thị trường như: Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi,…

Đồng thời, một yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới là sự gắn kết giữa ba khu vực tái cấu trúc trong một tổng thể. Đặc biệt, cần tập trung nhiều hơn cho tái cấu trúc về nông nghiệp và kinh tế biển - hai lĩnh vực mà chúng ta mới bổ sung.

Thế còn đối với lĩnh vực công nghiệp, thưa ông?

Trong công nghiệp, chúng ta đã có cái nhìn chuyển biến đó là phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, không còn bị ám ảnh bởi tư duy của thời kỳ công nghiệp cũ, đó là phát triển hoàn thiện một sản phẩm trong nước. Chúng ta không coi việc sản xuất một sản phẩm 100% “made in Việt Nam” là mục tiêu mà chỉ tập trung sản xuất một số bộ phận, để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là một hướng đi đúng đắn.

Ngoài ra, cần lưu ý, trong công nghiệp hỗ trợ cần coi trọng hai hướng: thứ nhất là công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho nông nghiệp, hai là phục vụ cho kinh tế biển.

Cuối cùng, ứng dụng phát triển công nghệ cao là điểm cần đột phá trong thời gian tới để rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực.

Xin cảm ơn ông!