Mập mờ nguồn gốc trái cây

Theo Nguyễn Mai/congthuong.vn

Hiện nay người tiêu dùng đã nâng cao mối quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của mặt hàng trái cây, tuy nhiên trên thực tế, người mua rất khó phân biệt đâu là nguồn gốc thực sự của các loại trái cây.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Gần đây, trên vỉa hè, lề đường Hà Nội xuất hiện nhiều sạp trái cây di động được gắn mác đặc sản địa phương như: Sầu riêng Đăk Lăk, vải Bắc Giang… với giá rẻ bất ngờ. Sầu riêng được người bán giới thiệu là chín rụng tự nhiên, có giá khoảng 60.000 đồng/kg, khách hàng chịu khó mặc cả còn có thể mua với mức giá thấp hơn. Vải thiều cũng được giới thiệu là vải cắt tại vườn, giá bán từ 25.000 – 35.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại siêu thị, sầu riêng có giá dao động trong khoảng 100.000 - 120.000 đồng/kg, vải thiều có giá khoảng 50.000 đồng/kg. Trả lời thắc mắc của khách hàng về giá rẻ, người bán giải thích là do năm nay được mùa. Tuy nhiên, mức chênh lệch khá nhiều cũng khiến người tiêu dùng đặt ra câu hỏi về nguồn gốc thực sự của các loại trái cây này.

Người tiêu dùng rất khó phân biệt nguồn gốc thực sự của các loại trái cây
Người tiêu dùng rất khó phân biệt nguồn gốc thực sự của các loại trái cây
 

Theo Chị Nguyễn Thùy Trang (Cầu Giấy, Hà Nội), người tiêu dùng chỉ lo mua phải hàng Trung Quốc gắn mác hàng nội, vì hoa quả Trung Quốc rẻ, đẹp nhưng thường có hóa chất độc hại để bảo quản.

Nỗi lo về vấn đề trái cây Trung Quốc chất lượng kém “đội lốt” trái cây Việt đã có từ lâu, nhưng thời gian gần đây người tiêu dùng phải bối rối với tình trạng hàng Việt lại gắn mác hàng ngoại. Cụ thể là khắpcác chợ truyền thống đang bán tràn ngập măng cụt, xoài, bòn bon… được tiểu thương giới thiệu là trái cây nhập khẩu từ Thái Lan.

Từ trước đến nay, hàng Thái Lan được đánh giá có hương vị ngon, hình thức đồng đều nên rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Là hàng nhập khẩu lại có chất lượng tốt nên giá bán hàng Thái cũng cao hơn nhiều so với hàng nội địa. Cụ thể, măng cụt Thái có giá dao động trong khoảng 50.000 - 70.000 đồng/kg, cao hơn hàng Việt 10.000 - 15.000 đồng/kg; bòn bon Thái loại 1 có giá khoảng 100.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với hàng trong nước…

Một chủ hàng trái cây tại chợ Mai Dịch (Hà Nội) cho biết, mỗi ngày chị tiêu thụ khoảng 50kg măng cụt Thái. Nhìnchung, tuy hàng Thái Lan đắt hơn nhưng bán chạy hơn so với trái cây trong nước do có vị ngọt và quả to hơn.

Trong khi đó, một tiểu thương ở chợ Nghĩa Tân (Hà Nội) cho hay, hiện đang là thời điểm đầu mùa của nhiều loại trái cây, Việt Nam có nhiều nên không có chuyện nhập nhiều hàng Thái như vậy. Số liệu của cơ quan chức năng cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái thì trong quý I/2020, trái cây Thái Lan sang Việt Nam ít hơn, ngược lại trái cây Việt sang Thái nhiều hơn.

Theo nhận định của đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Việt Nam và Thái Lan có nhiều mặt hàng trái cây giống nhau như: Măng cụt, bòn bon, sầu riêng, xoài, chôm chôm…, thương hiệu trái cây Thái Lan lại nổi tiếng về chất lượng tốt nên nhiều thương lái muốn bán được hàng với giá cao, thu hút được nhiều người mua đã “đổi nguồn gốc” của hàng Việt thành hàng Thái.

Trái cây là loại thực phẩm tươi, thời hạn sử dụng ngắn, nhưng trên thị trường hiện nay các mặt hàng này được bày bán một cách dễ dãi. Nhiều nơi bán trái cây không có thông tin, tem nhãn, mập mờ về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm khiến người tiêu dùng “đau đầu”. Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng, giá cả các loại trái cây là một vấn đề không dễ dàng đối với các ngành chức năng.

Trong vấn đề này, người tiêu dùng cần cẩn trọng để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của chính mình. Để đảm bảo chọn đúng sản phẩm sạch, an toàn, người tiêu dùng nên đến các cửa hàng, siêu thị có uy tín, chất lượng và được nhiều khách hàng tin tưởng.

Việc người tiêu dùng mua phải trái cây “đội lốt” xuất xứ là hoàn toàn có thể xảy ra. Một bộ phận người tiêu dùng cần bỏ tâm lý ham rẻ, bộ phận khác thay đổi tâm lý sính ngoại để tỉnh táo hơn trong mua bán.