Thói quen của người Việt tác động tích cực đến nền kinh tế số

Theo Mai Ca/congthuong.vn

Việc nhiều người Việt thay đổi thói quen dùng các dịch vụ kỹ thuật số trong thời gian qua đang tác động tích cực đến nền kinh tế số, thể hiện rõ nhất qua thương mại điện tử, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Theo Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 được thực hiện bởi Google, Temasek và Bain & Company, trong năm 2020, hơn một phần ba người dùng kỹ thuật số bắt đầu sử dụng dịch vụ trực tuyến lần đầu tiên vì Covid-19, và trong số đó, 95% có ý định tiếp tục dùng các dịch vụ trực tuyến ngay cả sau đại dịch.

Tại Việt Nam, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, người Việt Nam nói riêng thường dành 3,1 giờ/ngày để truy cập Internet cho mục đích cá nhân. Trong khoảng thời gian thực thi giãn cách xã hội trên diện rộng, con số này đã tăng vọt lên 4,2 giờ/ngày và hiện ở mức 3,5 giờ/ngày.

Cứ 10 người dùng thì có tới 8 người cho rằng công nghệ là công cụ rất hữu ích trong thời gian diễn ra đại dịch, công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người.

Đáng chú ý, việc áp dụng và sử dụng thương mại điện tử, giao đồ ăn và truyền thông trực tuyến đã tăng mạnh. Người tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trở nên cởi mở hơn và quen với các giao dịch trực tuyến nên dịch vụ tài chính kỹ thuật số có nhiều thuận lợi, tạo đà cho phát triển về lâu dài.

Theo Google, với sự gia tăng thói quen sử dụng các dịch vụ trực tuyến của người dùng cá nhân và doanh nghiệp, thanh toán kỹ thuật số Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng từ 600 tỷ USD vào năm 2019 lên 620 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch, các lĩnh vực công nghệ non trẻ như sức khỏe (HealthTech) và giáo dục (EdTech) nhờ vậy tăng trưởng mạnh hơn. Các ứng dụng kỹ thuật số y tế hàng đầu đã được sử dụng nhiều hơn bốn lần so với trước đại dịch, còn các ứng dụng giáo dục hàng đầu được sử dụng nhiều hơn ba lần. Điều này đã thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực HealthTech và EdTech.

Bà Trâm Nguyễn - Giám đốc điều hành thị trường Việt Nam, Lào và Campuchia- Google châu Á Thái Bình Dương đánh giá: Covid-19 đã thay đổi thói quen cuộc sống hàng ngày của mọi người, thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sang kỹ thuật số nhanh và mạnh mẽ hơn ở rất nhiều ngành và lĩnh vực, đáng chú ý là việc ứng dụng công nghệ cho y tế và giáo dục mở đường cho HealthTech và EdTech.

Điển hình ở lĩnh vực giáo dục trực tuyến, nhận thấy tiềm năng lớn từ thị trường này, cuối tháng 10 vừa qua một tân binh mới là TopClass đã gia nhập thị trường. Đây là nền tảng giáo dục trực tuyến cho phép người dùng có cơ hội tiếp cận để học hỏi từ những nhân vật xuất sắc trong lĩnh vực của họ ở các ngành nghề phổ biến.

Chia sẻ từ đại diện của TopClass, nhận thấy tiềm năng của giáo dục trực tuyến tại Việt Nam có thể đạt con số 3 tỷ USD trong vài năm tới đã thúc đẩy đơn vị này đầu tư cho EdTech. Thực tế trước TopClass, Việt Nam đã có Violet.vn, Hocmai.vn, Topica… và khá thành công - cho thấy người Việt Nam đón nhận hình thức này rất nhanh.

Ngoài tăng trưởng trong lĩnh vực HealthTech và EdTech, Báo cáo cũng chỉ ra, giá trị thương vụ trong lĩnh vực tài chính Kỹ thuật số (FinTech) đã nhảy vọt lên 835 triệu USD trong nửa đầu năm 2020, so với 475 triệu USD cùng kỳ năm 2019.

Nhìn chung, số lượng giao dịch trong giai đoạn này đã tăng 24%. Bên cạnh đó, cũng theo báo cáo, du lịch trực tuyến và vận tải sẽ mất thời gian để phục hồi sau đại dịch. Trong đó, lĩnh vực du lịch trực tuyến đang có những dấu hiệu phục hồi với du lịch nội địa, đặc biệt là đối với các khách sạn và địa điểm nghỉ dưỡng không quá xa thành phố.