Tiêu thụ trái cây cần giải pháp bền vững

Theo Thanh Nga/Báo Đắk Nông

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các sản phẩm trái cây đều gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá xuống thấp, ảnh hưởng nhiều đến thu nhập người dân. Từ thực tế này, cần giải pháp bền vững để khai thác hiệu quả và ổn định đầu ra đối với các sản phẩm trái cây.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sầu riêng đang gặp khó trong khâu tiêu thụ. Ảnh: Thanh Nga
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sầu riêng đang gặp khó trong khâu tiêu thụ. Ảnh: Thanh Nga

Theo ông Nguyễn Ngọc Trung - Chủ trang trại Gia Trung (Gia Nghĩa, Đắk Nông), những năm trước, vào mùa thu hoạch sầu riêng, thương lái đến vườn thu mua khá nhiều với giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg.

Thế nhưng, năm nay ông phải tổ chức kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ mới bán được sầu riêng với giá 20.000 đồng/kg, giảm từ 50-60% so với năm ngoái.

Vụ mùa này, gia đình ông thu khoảng 200 tấn sầu riêng ghép. Với mức giá xuống thấp như vậy, nguồn thu của gia đình ông bị giảm rất nhiều.

Sầu riêng của gia đình ông Trung chủ yếu xuất khẩu, chỉ một số lượng nhỏ tiêu thụ trong nước. Đặc điểm của sầu riêng sau khi chín là phải ăn ngay hoặc bóc tách múi để cấp đông mới bảo quản được lâu.

Cũng theo ông Trung, có những thời điểm sầu riêng giảm giá, ông đã tách múi để cấp đông, chờ giá lên rồi bán. Thế nhưng, lượng sầu riêng năm nay quá nhiều, không thể cấp đông hết được.

"Giá như, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có các kho đông lạnh cho người dân thuê để cấp đông trái cây thì nông dân sẽ giữ được giá sản phẩm, không bị thiệt hại về kinh tế", ông Trung chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thiện Châu, tổ 4, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa, Đắk Nông), có gần 100 cây sầu riêng. Chị Châu cho biết, vài tuần trước, vườn sầu riêng của gia đình chín rộ, nhưng không tiêu thụ được. Chị rất tiếc khi không có nhà máy chế biến trái cây hoặc kho cấp đông để người dân có thể tiêu thụ, bảo quản sản phẩm tốt hơn.

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 3.000 ha sầu riêng đang thời kỳ kinh doanh, sản lượng khoảng 18.000 tấn/năm. Vụ sầu riêng năm nay, nhiều vườn sầu riêng chín đúng vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nên rất khó tiêu thụ.

Cuối tháng 5 vừa qua, sản phẩm xoài ở xã Đắk Gằn (Đắk Mil) cũng rơi vào cảnh rớt giá thê thảm. Thương lái vào vườn chọn những trái đẹp nhất mua, nhưng giá cũng chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ hơn 1.000 đồng/kg.

Ông Hoàng Văn Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Gằn, kiêm chủ tịch Hội xoài VietGAP Đắk Gằn cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 700 ha xoài các loại.

Mỗi năm, người dân thu hoạch xoài 2 vụ, năng suất bình quân đạt khoảng 18 tấn/ha. Trước tình hình dịch COVID-19, sản phẩm xoài gặp nhiều khó khăn về đầu ra, người trồng xoài lỗ nặng. Ông Lâm tiếc nuối vì trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy thu mua, chế biến xoài để giúp nông dân tiêu thu sản phẩm tốt hơn.

Không chỉ sầu riêng, xoài mà các loại trái cây như bơ, mít, chuối… thời gian qua đều gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá xuống thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. "Đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến, bảo quản trái cây được xem là chìa khóa để giải quyết được tình trạng nói trên", ông Lâm đề xuất giải pháp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nônghầu như chưa có các cơ sở, nhà máy chế biến, bảo quản trái cây, nên bị động trong khâu tiêu thụ. Từ thực trạng trên, bà con nông dân mong muốn các cấp, ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến, bảo quản trái cây trên địa bàn tỉnh. Từ đó, bà con chủ động hơn trong khâu tiêu thụ và khai thác được tiềm năng trong phát triển kinh tế.