Bất chấp Covid-19, doanh nghiệp châu Âu vẫn muốn đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam
Theo khảo sát của EuroCham, 80% doanh nghiệp châu Âu có kế hoạch duy trì hoặc tăng nhân viên và các khoản đầu tư của họ tại Việt Nam, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo dữ liệu khảo sát mới nhất Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của EuroCham, làn sóng COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam đã phần nào tác động tới niềm tin của lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, BCI đã gần như phục hồi trở lại mức trước đại dịch, đạt 73,9 điểm phần trăm trong quý đầu tiên của năm 2021.
Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch và sự lây lan của các đột biến mới đã khiến chỉ số này giảm gần 30 điểm xuống còn 45,8% trong quý II/2021. Đây là một mức giảm đáng kể, mặc dù không nghiêm trọng như khi đại dịch đầu tiên bùng phát vào năm 2020.
Đợt dịch thứ tư cũng làm gia tăng sự bi quan về triển vọng ngắn hạn của môi trường kinh doanh Việt Nam. Chỉ 1/5 thành viên EuroCham (19%) tin rằng nền kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong quý tới. Con số này thấp hơn gần 2/3 (61%) so với quý đầu tiên của năm 2021.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn tự tin vào triển vọng tương lai của công ty mình.
Hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi (56%) kỳ vọng năng suất lao động sẽ giữ nguyên hoặc tăng lên trong quý III/2021. Trong khi đó, 80% công ty có kế hoạch duy trì hoặc tăng nhân viên và các khoản đầu tư của họ tại Việt Nam.
Điều này cho thấy, bất chấp những thách thức ngắn hạn, các công ty châu Âu vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn của Việt Nam.
BCI cũng cho biết Việt Nam cần khẩn trương triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19 trên quy mô lớn. Hơn một nửa (58%) các nhà lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát dự đoán rằng nếu nhân viên của họ không được tiêm phòng vào năm 2021, công ty của họ sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực.
Đồng thời, gần một nửa số công ty được khảo sát (44%) vẫn chưa tiếp cận được chương trình tiêm chủng.
EuroCham và 9 hiệp hội kinh doanh trực thuộc cũng đã khảo sát xem các thành viên có sẵn sàng trả tiền tiêm chủng cho nhân viên của họ hay không.
Trong số 430 thành viên đã trả lời (đại diện cho khoảng một phần ba tổng số thành viên của hiệp hội và khoảng 95.000 nhân viên), 399 cho biết họ sẽ sẵn sàng làm như vậy.
Theo yêu cầu tiêm chủng đầy đủ hai mũi, sẽ cần ít nhất 190.000 liều chỉ để tiêm chủng cho nhân viên trực tiếp của các công ty này. Tuy nhiên, số liều thực sự cần thiết có thể lên tới hơn nửa triệu nếu tính đến tất cả doanh nghiệp châu Âu và nhân viên của họ.
Đồng thời, 259 người được phỏng vấn bày tỏ họ sẵn sàng chi trả chi phí tiêm chủng cho cả gia đình nhân viên của họ. Khi tính đến những yếu tố phụ thuộc này, số lượng vaccine cần thiết sẽ nhiều hơn.
Nhận xét về kết quả khảo sát, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh: "Kết quả BCI của EuroCham tái khẳng định nhu cầu cấp thiết của Việt Nam trong việc tăng tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19. Phong tỏa các tỉnh thành, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại không phải là giải pháp căn bản và sẽ gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể về lâu dài, như dữ liệu của chúng tôi đã chỉ ra".
Chủ tịch EuroCham cũng lưu ý rằng: "Không có con đường nào thoát khỏi đợt dịch thứ 4 này nếu không có một chương trình tiêm chủng mở rộng tích cực và nhanh chóng để giúp cuộc sống bình thường quay trở lại. Các công ty châu Âu sẵn sàng chi trả chi phí nhằm bảo vệ nhân viên của họ. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng đồng thời giảm gánh nặng tài chính và hành chính cho Nhà nước".
Tuy nhiên, ông Alain Cany cũng cho hay, cần tiếp cận đủ nguồn cung vaccine. Phía EuroCham đang cố gắng dưới mọi hình thức để hỗ trợ Việt Nam mua đủ lượng vaccine.
Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam, cho biết thêm: "Bất chấp cú sốc ngắn hạn của làn sóng dịch thứ 4, dữ liệu BCI cho thấy triển vọng dài hạn của Việt Nam vẫn ở mức tích cực. Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu vẫn tính tới việc duy trì hoặc tăng số lượng nhân viên cũng như kế hoạch đầu tư của họ, điều này thể hiện niềm tin vào môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam vẫn được duy trì".