Đà Nẵng tìm cách mở rộng các hoạt động kinh tế đêm nhằm thu hút du khách

Theo Thành Vân/nhadautu.vn

Đà Nẵng xác định kinh tế đêm là lĩnh vực mũi nhọn để phát triển, phục hồi sau dịch COVID-19, song địa phương này vẫn chưa có được những sản phẩm, dịch vụ cần thiết để phục vụ khách du lịch khi đến đây.

 Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng khai trương mùa du lịch biển 2022 vào tối 30/4.
Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng khai trương mùa du lịch biển 2022 vào tối 30/4.

Phát triển nhiều sản phẩm mới

Cuối tháng 4 vừa qua, UBND quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng đã khai trương tuyến phố du lịch An Thượng. Tại đây, người dân và du khách sẽ được khám phá, trải nghiệm các điểm vui chơi, giải trí, mua sắm cả ngày và đêm tại các tuyến đường đẹp, hiện đại.

Kết nối với Phố du lịch An Thượng là khu phố biển đêm Danabeach cũng đang dần trở thành điểm đến của đông đảo người dân địa phương, du khách, nhất là các bạn trẻ.

Đặc biệt, khu vực có nhiều dịch vụ như ăn uống, karaoke, khu vực check-in với ghế nệm và dù nhiều màu sắc cũng như các chương trình ca nhạc ngoài trời tạo thành tổ hợp các hoạt động vui chơi, khám phá sôi động. 

Đề án Khu phố du lịch An Thượng được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt ngày 31/1/2018, đưa vào khai thác lần này gồm các tuyến đường Ngô Thì Sĩ, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Kế Viêm, Trần Bạch Đằng, An Thượng 2.

Đề án với lộ trình thực hiện từ năm 2019 đến 2025, gồm 3 giai đoạn với các hoạt động đầu tư nâng cấp hạ tầng dịch vụ, hạ tầng đô thị phục vụ du lịch.

Giai đoạn 1 gồm tuyến đường An Thượng 1 và An Thượng 4 đã thi công xong, tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng. Các tuyến đường còn lại gồm tuyến đường An Thượng 2, An Thượng 3, Hoàng Kế Viêm, Lê Quang Đạo, Trần Bạch Đằng, Ngô Thì Sĩ và Võ Nguyên Giáp với tổng kinh phí hơn 48 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.

Giai đoạn 2 dự án sẽ đầu tư triển khai từ tuyến đường Lê Quang Đạo đến đường Châu Thị Vĩnh Tế và giai đoạn 3 sẽ hoàn thiện từ tuyến đường Lê Quang Đạo ra đến Nguyễn Văn Thoại.

Ngay sau khi khai trương tuyến phố du lịch An Thượng, tại bãi biển Mỹ An (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng (Ban quản lý) cũng đã khai trương mùa du lịch biển 2022. 

Theo đó, tại bãi biển Mỹ An sẽ tổ chức các hoạt động, dịch vụ lưu động như bán thức ăn nhanh, nước giải khát, massage trị liệu, chiếu phim bãi biển… trong khung thời gian từ 8h đến 24h.

Việc chọn khu vực bãi biển Mỹ An để phát triển du lịch đêm sẽ tạo sự thuận lợi cho du khách vì có vị trí ngay kề khu "phố Tây" An Thượng, nơi tập trung du khách nước ngoài đến lưu trú và vui chơi.  

Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, bãi biển đêm Mỹ An sau khi được khai trương sẽ kết nối với phố du lịch An Thượng tạo thành một không gian mở, hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm mới. Sau khi vui chơi ở biển đêm Mỹ An, du khách có thể về phố An Thượng thưởng thức các sản phẩm văn hóa, ẩm thực và ngược lại. 

Làm gì để phát triển kinh tế đêm?

Có thể thấy, trong thời gian vừa qua, TP. Đà Nẵng đã nỗ lực tạo ra những sản phẩm du lịch để đánh thức kinh tế đêm, tránh tình trạng du khách phải đi ngủ sớm vì thiếu sản phẩm vui chơi, giải trí vào ban đêm ở khu vực ven biển. Song nhiều chuyên gia nhận định, vào ban đêm Đà Nẵng vẫn thiếu các điểm đến, sản phẩm nổi bật để tăng sức hút với khách du lịch.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vân tải & Du lịch Vitraco nhìn nhận việc phát triển kinh tế đêm tại Đà Nẵng vẫn đang gặp nhiều khó khăn về nguồn khách sau 2 năm đại dịch. Muốn có kinh tế đêm thì phải có doanh nghiệp tham gia, tuy nhiên hiện tại doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, loay hoay trong việc tái khởi động các sản phẩm, dịch vụ.

“Đà Nẵng đã có quy hoạch khu du lịch đêm, chỉ cần số lượng khách tăng lên thì doanh nghiệp sẽ tự động hoạt động sôi nổi trở lại. Hiện nay lượng khách tự túc khá đông cũng là một tín hiệu tốt, thành phố nên tạo cơ chế “kéo” khách đến để doanh nghiệp tham gia nhiều hơn. Bởi lẽ, Đà Nẵng đã có nhiều kế hoạch trong việc phát triển kinh tế đêm song doanh nghiệp hưởng ứng là không nhiều vì không có khách”, ông Lê Tấn Thanh Tùng nói.

Theo ông Tùng, trong thời gian tới Đà Nẵng cần tập trung xây dựng các sản phẩm phục vụ khách nội địa để khôi phục ngành nghề. Sau đó tận dụng các sự kiện lớn được tổ chức tại Đà Nẵng để xúc tiến các thị trường quốc tế trọng điểm.

Tương tự, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, thành phố xác định kinh tế đêm là mũi nhọn cho việc phát triển bền vững lâu dài. Tuy nhiên hiện nay việc phát triển kinh tế đêm mới chỉ ở giai đoạn ban đầu.

“Hiệp hội sẽ cũng với cộng đồng doanh nghiệp đăng ký triển khai với Sở Du lịch, UBND TP. Đà Nẵng trong đề án phát triển kinh tế đêm. Những lĩnh vực nào, dịch vụ nào được khuyến khích thì các doanh nghiệp trong Hiệp hội sẽ tham gia tích cực. Làm sao chúng ta giới thiệu dần những hoạt động đêm của Đà Nẵng phục vụ bước đầu cho du khách và sau đó mới có những dự án lớn thực sự để có thể phát triển kinh tế đêm”, ông Cao Trí Dũng nói.

Theo ông Dũng, hiện nay đơn vị vẫn đang tập trung vào những hoạt động liên quan đến phố đi bộ, ẩm thực, vui chơi giải trí, biểu diễn... để du khách có thêm những trải nghiệm hoạt động về đêm. Đồng thời, với việc Năm du lịch Quốc gia 2022 được tổ chức tại Quảng Nam cũng sẽ là một cơ hội lơn để tận dụng. Với lợi thế là cửa ngõ và điểm rơi của sản phẩm, những thị trường trong nước và khu vực thì Đà Nẵng có đủ tài nguyên điểm đến và hệ thống dịch vụ đủ yêu cầu.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, ngành du lịch sẽ thực hiện Kế hoạch tổ chức thí điểm chương trình “Đà Nẵng về đêm - Danang By Night”; thí điểm tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí tại bãi biển đêm Mỹ An. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang triển khai giai đoạn 2 Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo và dự án Khu phố du lịch An Thượng cùng với việc cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi thành cầu đi bộ, tổ chức dịch vụ 2 đầu cầu.

Thông qua các phương án mới, ngành du lịch Đà Nẵng đặt nhiều kỳ vọng vào các khu phố đêm này sẽ trở thành một điểm đến ấn tượng ở Đà Nẵng. Sở Du lịch Đà Nẵng đã cũng vận động các doanh nghiệp du lịch đầu tư, cũng như kéo dài thời gian hoạt động phục vụ du khách. Trong đó, địa phương tập trung kêu gọi đầu tư trên 4 nhóm sản phẩm chính là mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí nghệ thuật và thăm quan nghỉ dưỡng.