Hàng hiệu giả ngập chợ mạng

Theo Anh Minh/vnexpress.net

Bộ Công Thương cho rằng quy định xử phạt ban hành 6 năm trước đang lỗi thời so với sự phát triển của thương mại điện tử.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại hội thảo "Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử" ngày 18/4, Thứ trưởng Đặng Hoàng An kể, ông vừa thử tìm từ khoá "Gucci fake 1" trên Google và được trả lại nhiều địa chỉ bán hàng công khai với giá khác nhau. Ngay cả những nơi cam đoan bán hàng thật thì giá cũng rất rẻ, và không có gì chắc chắn đó là thật...

"Những vi phạm liên quan tới hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường Internet. Số vụ phát hiện càng nhiều thì diễn biến càng phức tạp", ông An nhận xét. 

Thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình 25-30% một năm. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đạt mức 30% với tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử hơn 8 tỷ USD. Trong nền kinh tế số, doanh thu bán hàng qua các kênh thương mại điện tử gấp 5 lần so với mức tăng GDP bình quân.

Do tính chất đặc thù của thương mại điện tử, hiện tượng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. Thậm chí, ngay chính người bán, người mua chưa ý thức được việc mua - bán hàng "fake" như vậy là hành vi tiếp tay cho tiêu thụ hàng giả, vi phạm pháp luật.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thừa nhận, thương mại điện tử đang trở thành "nơi tiêu thụ hàng giả mạnh hơn cả thị trường kinh doanh truyền thống".

Đây cũng là lĩnh vực kinh doanh khá mới nên khó kiểm soát. So với hoạt động kinh doanh truyền thống, chống hàng giả trên chợ mạng, website thương mại điện tử khó hơn nhiều bởi thủ đoạn, hành vi gian lận tinh vi hơn, người bán đăng ký địa chỉ ma, không có kho hàng vật lý...

Các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội chỉ là trung gian kết nối giữa người mua - bán, có thể diễn ra bất kỳ lúc nào từ một dòng trạng thái đăng tải quảng cáo sản phẩm của người bán. Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, thậm chí các mặt hàng cấm, hạn chế kinh doanh như rượu, thuốc lá, xì gà hay cả vũ khí... cũng được rao bán công khai.

"Việc kiểm tra hoạt động thương mại điện tử, giám sát gặp khó khăn. Thông tin trên mạng nhiều trường hợp không rõ ràng, tìm ra được manh mối tới địa chỉ người bán thì lại là địa chỉ ma, hoặc là nhà ở chứ không có sản phẩm cụ thể... Nếu vẫn chống theo kiểu truyền thống thì không thể làm được", ông Linh thừa nhận. Chưa kể, theo ông, trình độ, công cụ chống gian lận thương mại trên không gian mạng của lực lượng quản lý thị trường "thiếu, yếu và khá thô sơ".

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, hoạt động kiểm tra giám sát các chợ điện tử cần sự phối hợp của nhiều cơ quan như công nghệ thông tin, hải quan, thuế.

Trong khi đó, ông Đặng Hoàng An cho rằng, ngoài yếu tố con người thì bất cập hiện nay nằm ở khung pháp lý. Quy định xử phạt hành chính trong thương mại điện tử (Nghị định 52) đã ban hành 6 năm, chưa cập nhật loại hình kinh doanh mới này, nên thiếu chế tài xử lý. Quy định hiện nay buộc nhà chức trách phải xác định được hành vi giao dịch, chuyển tiền vật lý thì mới có căn cứ xử lý, trong khi hàng hoá bán trên chợ điện tử đa dạng, thời gian giao dịch vật lý khó kiểm soát; ngay định danh người bán - mua cũng khó khăn khi họ sử dụng địa chỉ giả, tên giả... 

"Nếu không cập nhật khung pháp lý, có chế tài mạnh thì cuộc chiến cam go chống hàng giả trên chợ mạng khó có hồi kết, và hậu quả khôn lường là hành vi này làm méo mó thị trường, thất thu ngân sách, người tiêu dùng bị phương hại", ông An cảnh báo.

Từ thực tế xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử, bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó chánh thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ lưu ý, phải thay đổi nhận thức của doanh nghiệp. "Họ phải hiểu rằng việc kinh doanh hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên website là vi phạm pháp luật và sẽ phải chịu trách nhiệm, bị thu tên miền nếu cơ quan chức năng xác định được hành vi", bà Quỳnh nói. 

Đồng tình, ông Đặng Hoàng An đặt vấn đề, các sàn thương mại điện tử, người cung cấp dịch vụ Internet, máy chủ... đều là các doanh nghiệp có đăng ký cụ thể, nên họ cũng phải có trách nhiệm trong chống hành vi bán hàng giả trên mạng. Chẳng hạn, với website bán hàng nếu vi phạm về bán hàng giả, hàng cấm có thể bị thu hồi tên miền; buộc các sàn thương mại điện tử phải có công cụ sàng lọc người bán, sản phẩm giao dịch trên sàn. 

"Anh là người mở chợ, không thể đổ cho việc không kiểm soát được người đưa hàng vào chợ của mình, hàng hoá muốn bán thế nào cũng được. Phải gắn trách nhiệm của những đối tượng này trong việc chống hành vi kinh doanh hàng giả trên sàn thương mại điện tử", ông An nhấn mạnh.

Cùng đó phải xác lập lại nguyên tắc "có cầu ắt có cung" thành "có cầu cũng không có cung" với hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, mới có thể kiểm soát, ngăn chặn hành vi này. 

"Phải có chế tài mạnh, không để môi trường Internet làm "môi giới, trung gian" cho kinh doanh bán hàng giả. Chế tài xử lý không kịp thời, không mạnh tay thì không phải hàng giả trên thị trường, mà chính hàng giả trên chợ mạng, các trang thương mại điện tử sẽ bóp chết hàng thật, doanh nghiệp", vị này nói.

Hội thảo sáng 18/4 cũng chứng kiến lễ ký kết "nói không với hàng giả" của 5 sàn thương mại điện tử lớn gồm: Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn.