Mở cửa cho doanh nghiệp ngoại tham gia bán lẻ xăng dầu

Theo Linh Nga/enternews.vn

Bộ Công thương vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP năm 2014 về kinh doanh xăng dầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong đó, nội dung mới đáng chú ý là quy định tạo thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia phân phối xăng dầu.

Theo đó, điều 1 của dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung điều 1 của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP quy định ngoài các thương nhân kinh doanh xăng dầu được Thủ tướng phê duyệt chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thương nhân kinh doanh xăng dầu được quyền chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%.

Lý giải đề xuất này, trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công thương - đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo nghị định, cho hay do xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến dân sinh, an ninh năng lượng, nên khi mở cửa lĩnh vực này, Bộ đã tính toán rất kỹ thời điểm phù hợp.

Mở cửa cho doanh nghiệp ngoại tham gia bán lẻ xăng dầu - Ảnh 1

Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tác động tốt đến các nhà kinh doanh Việt Nam về cách làm dịch vụ và thái độ phục vụ, văn hóa phục vụ khách hàng.

Khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, xăng dầu là lĩnh vực Việt Nam không cam kết mở cửa để doanh nghiệp trong nước có cơ hội lớn mạnh, xây dựng cơ sở vật chất và trấn giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống phân phối xăng dầu trong nước. Đến nay, sau 13 năm, Việt Nam đã mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực quan trọng như điện, dầu khí, hàng không…

Theo Bộ Công thương, sự tham gia của nhà đầu tư ngoại vào một số doanh nghiệp nhà nước lớn được Thủ tướng cho phép (như vào Tổng công ty dầu Việt Nam - PVOil, là 35%, Tổng công ty dầu Bình Sơn là 49%, Tập đoàn xăng dầu 20% đã góp phần cải thiện đáng kể quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là giúp giá trị doanh nghiệp tăng thông qua giá trị cổ phiếu.

Trên thực tế, Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới WTO và hơn 10 hiệp định thương mại tự do, trừ các doanh nghiệp đầu tư vào nhà máy lọc dầu tại Việt Nam để phân phối sản phẩm mình làm ra. Trên thị trường xăng dầu, hiện Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn có hai đối tác nước ngoài tham gia với phần vốn nắm giữ 35,1%. Ngoài ra, ngay tại Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), một nhà đầu tư đến từ Nhật Bản là JX Nippon Oil & Energy cũng đã là cổ đông chiến lược nắm 8% cổ phần tại Petrolimex từ năm 2016.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tác động tốt đến các nhà kinh doanh Việt Nam về cách làm dịch vụ và thái độ phục vụ, văn hóa phục vụ khách hàng. Dẫn chứng câu chuyện đại gia Nhật Bản mở trạm bán xăng tại Việt Nam, ông Hiếu đánh giá các công ty nước ngoài với cách bán hàng mới mẻ, thân thiện sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh về chất lượng, dịch vụ của thị trường kinh doanh xăng dầu Việt Nam.

Ví dụ hình ảnh vị tổng giám đốc người Nhật cúi chào khách đến đổ xăng trong ngày khai trương cây xăng Idemitsu Q8 tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) đã làm nhiều người tiêu dùng trong nước ngạc nhiên, thích thú. 

GS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, chúng ta không mở cửa với kinh doanh xăng dầu nói chung trong các hiệp định thương mại tự do, nhưng chúng ta mở với lĩnh vực sản xuất chế biến lọc dầu. Khi chế biến được rồi, nhà đầu tư có quyền mở tiếp các cửa hàng bán lẻ để phân phối xăng dầu đã được sản xuất. Dù vậy, theo ông Long, mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu không đơn giản, bởi các địa phương đều có quy hoạch tại vùng mở bao nhiêu điểm là hợp lý, mà những điểm đó đã được doanh nghiệp phân phối xăng dầu trong nước “án ngữ”. Tuy nhiên, việc có nhà đầu tư ngoại tham gia tạo sức ép cho doanh nghiệp trong nước nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng phục vụ hơn.

Theo đại diện Bộ Công Thương, việc sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP sẽ bám sát mục tiêu cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân... Từ đó sẽ tạo sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa công ty nhà nước và tư nhân. Các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường sẽ tăng thêm sức cạnh tranh, thậm chí có khả năng giá bán lẻ cạnh tranh nhất định thay vì giá thống nhất như hiện nay. Chênh lệch giá có thể không nhiều nhưng sẽ có.