DNNN nộp NSNN hơn 200.000 tỷ năm 2011

Theo Báo Hải quan

Trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước năm 2011 cho thấy doanh thu năm 2011 là 1.577.311 tỷ đồng, tăng 25,1% so với năm 2010. Riêng công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty năm 2011 doanh thu đạt 779.059 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2010.

DNNN nộp NSNN hơn 200.000 tỷ năm 2011

Báo cáo trên cơ sở căn cứ báo cáo của 91 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, trong đó có 65 tập đoàn, tổng công ty đã kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất, 73 công ty mẹ đã được kiểm toán báo cáo tài chính.

Lợi nhuận đạt khá nhưng vẫn thua lỗ lớn

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, tỷ lệ doanh thu/tổng tài sản bình quân là 0,75 lần, và doanh thu/vốn chủ sở hữu bình quân là 2,16 lần. Trong đó, nhiều tập đoàn, tổng công ty có tốc độ tăng doanh thu cao so với năm 2010 như Tổng công ty Becamex Bình Dương (tăng 49%); Tổng công ty Cà phê (46%); Tập đoàn Cao su (42%), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia – PVN (39%); Tổng công ty Thép (32%). Những tập đoàn, tổng công ty có mức doanh thu lớn là: Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel); Tập đoàn Bưu chính viễn

Năm 2011, các tập đoàn, tổng công ty nộp NSNN đạt 212.990 tỷ đồng, tăng 10,1% so với thực hiện năm 2010. Trong đó, thuế GTGT chiếm 24,2%, thuế TNDN chiếm 22,4% tổng số thu nộp NSNN. Những tập đoàn, tổng công ty hàng năm đóng góp số thu lớn vào NSNN đó là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (98.570 tỷ đồng), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (25.213 tỷ đồng)…
thông (VNPT); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tập đoàn Cao su Việt Nam.

Xét về giá trị, các tập đoàn, tổng công ty có lợi nhuận đạt cao là: PVN(53.833 tỷ đồng); Tập đoàn Viễn thông quân đội (19.793 tỷ đồng); Tập đoàn Cao su Việt Nam (11.773 tỷ đồng)…

Lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty là 135.111 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2010. Tỷ suất lợi nhuận bình quân/vốn chủ sở hữu năm 2011 của các tập đoàn, tổng công ty là 18,57%. Lợi nhuận của các công ty mẹ đạt 75.031 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2010.

Tuy nhiên, bên cạnh doanh thu và lợi nhuận đạt khá, con số thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty trong năm 2011 cũng khá cao. Báo cáo cho thấy, 5 tập đoàn, tổng công ty có số lỗ hợp nhất lên tới 5.823 tỷ đồng trong năm 2011. EVN tiếp tục đứng đầu bảng thua lỗ này khi lỗ hợp nhất 2.589 tỷ đồng, đó là chưa kể lỗ do chênh lệch tỷ giá 11.208 tỷ đồng. Tiếp sau là Petrolimex lỗ hợp nhất 2.390 tỷ đồng. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng lỗ hợp nhất 791 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2011, tổng các khoản lỗ lũy kế của 13 tập đoàn, tổng công ty là 48.988 tỷ đồng. Trong đó riêng EVN lỗ lũy kế tới 38.104 tỷ đồng. Theo báo cáo, EVN lỗ do sản xuất kinh doanh điện là 11.437 tỷ đồng và lỗ 26.667 tỷ đồng vì chênh lệch tỷ giá. Vinalines lỗ 5.738 tỷ đồng, Petrolimex lỗ 2.390 tỷ đồng. Tổng công ty Xăng dầu Quân đội cũng lỗ 566 tỷ đồng, Tập đoàn Sông Đà lỗ 625 tỷ đồng, Tổng công ty Dâu tằm tơ lỗ 321 tỷ đồng… trong năm 2011.

Trong đó, cũng có một số tổng công ty Nhà nước có lỗ từ thời gian trước để lại đến nay chưa được xử lý và một số tập đoàn, tổng công ty lỗ do chính sách giá, lỗ do điều chỉnh chênh lệch tỷ giá do biến động lớn đầu năm 2011 như EVN, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu quân đội.

30 DNNN nợ phải trả gấp 3 lần vốn chủ sở hữu

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số nợ phải trả của 91 tập đoàn, tổng công ty trong năm 2011 lên tới 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2010. Hệ số nợ phải trả trên vốn sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần. Nếu xét từng tập đoàn, tổng công ty, có 30 đơn vị tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, trong đó có 8 đơn vị trên 10 lần, 10 đơn vị trên từ 5-10 lần, có 12 đơn vị từ 3-5 lần.

Hệ số nợ tổng quát (tổng nợ phải trả/tổng nguồn vốn) bình quân là 0,62 lần. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát (tổng tài sản/tổng nợ phải trả) bình quân năm 2011 là 1,62 lần. Chính phủ nhận định, điều đó cho thấy các tập đoàn, tổng công ty đang hoạt động phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay, dẫn đến chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp.

Về tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty, Chính phủ cho biết, năm 2011 tổng tài sản là 2.093.907 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm 2010. Vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty năm 2011 là 727.277 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2010. Nếu so với năm 2006, thời điểm khi mới hình thành một số tập đoàn kinh tế, vốn chủ sở hữu tăng tới 226%. Xét tổng thể, các tập đoàn, tổng công ty bảo toàn được vốn chủ sở hữu, với hệ số bảo toàn vốn bình quân 1,14 lần, nhưng cũng có tổng công ty không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều rủi ro, không tự chủ được tài chính.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, năm 2011 theo báo cáo hợp nhất, các tập đoàn, tổng công ty có nợ phải thu là 296.541 tỷ đồng (bằng 14,1% tổng tài sản) tăng 13,8% so với 2010, trong đó nợ phải thu khó đòi là 3.753 tỷ đồng, chiếm 1,26% so với tổng nợ phải thu. Báo cáo của công ty mẹ, tỷ lệ nêu trên lần lượt là 17% và 26%. Các tập đoàn, tổng công ty đã trích lập 5.179 tỷ đồng dự phòng nợ phải thu khó đòi để xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định.

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty , Chính phủ cho biết, do tình hình kinh tế thế giới suy thoái, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ suy thoái kinh tế nói chung cũng như của thị trường tài chính, chứng khoán nói riêng nên việc thoái vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Đáng chú ý tính đến hết năm 2011, các công ty mẹ đã đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản là 23.744 tỷ đồng. So với năm 2010, số vốn đầu tư ngoài ngành này đã tăng 3.056 tỷ đồng (15% ), trong đó chiếm phần lớn là vào bất động sản với 2.840 tỷ đồng, ngân hàng 187 tỷ đồng, bảo hiểm 31 tỷ đồng…, riêng chứng khoán giảm 14 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng giá trị các khoản đầu tư nêu trên nếu xét trên báo cáo hợp nhất chỉ chiếm 3,3% vốn chủ sở hữu (1,1% tổng tài sản), nhưng xét trên báo cáo của công ty mẹ chiếm 3,5% vốn chủ sở hữu (1,8% tổng tài sản).

Mặc dù khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn kiên quyết yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện tái cơ cấu DN của mình, trong đó việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành phải hoàn thành trước ngày 31/12/2015.