Nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Để nâng cao giá trị sản phẩm khi tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần tham gia sản xuất các sản phẩm chính trong chuỗi giá trị.

Nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Toàn cảnh Hội thảo “Hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” ngày 22/4 tại TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: FinancePlus.vn

Tại Hội thảo “Hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” ngày 22/4 tại TP. Hồ Chí Minh, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện nay, xu hướng thuê dịch vụ bên ngoài của các tập đoàn đa quốc gia, cộng với xu thế hội nhập khu vực và các hiệp định thương mại tự do, cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện nhiều DN vừa và nhỏ của Việt Nam mới chỉ có sản phẩm qua khâu sơ chế rồi xuất khẩu, thường phụ thuộc vào các nhà môi giới, công ty phân phối tại nước xuất khẩu nên đã làm giảm lợi nhuận của DN.

Theo các chuyên gia kinh tế, các sản phẩm của DN vừa và nhỏ Việt Nam bước đầu thâm nhập thị trường cần phải thông qua các nhà môi giới hay các nhà phân phối tại nước xuất khẩu là điều cần thiết bởi mặc dù các DN vừa và nhỏ đang tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên do trình độ của chúng ta còn hạn chế, nên các DN Việt Nam khi tham gia chuỗi đang ở khâu thấp hơn.

Theo quan điểm của TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, để các DN tham gia được vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN phải chấp nhận chuyển dần từ cách thức cạnh tranh bằng giá sang chú trọng cạnh tranh “phi giá”. Sản phẩm hàng hóa phải gắn với tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã, giao dịch.

Bên cạnh đó, để nâng cao được giá trị sản phẩm khi tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, các DN Việt Nam cần tham gia sản xuất các sản phẩm chính trong chuỗi giá trị, hướng đến là các DN chi phối các DN khác khi tham gia vào các cụm, chuỗi giá trị đó.

Bà Trương Hà, chuyên gia phân tích của Google tại khu vực Thái Bình Dương, cho rằng, DN nên sử dụng sức mạnh của internet để tiếp cận thị trường toàn cầu bởi hiện nay, xu hướng tìm kiếm thông tin về sản phẩm rất phổ biến, đặc biệt là các điện thoại thông minh.

“Trang web của DN cũng chính là “ gian hàng” của DN trên mạng, chính vì vậy trang web của DN phải thân thiện trên di động và mang tính quốc tế hóa cao”, bà Hà cho biết.

Chia sẻ về kinh nghiệm thành công khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Lê Triều Bảo Lộc, Tổng Giám đốc công ty An Việt Long, cho rằng khi DN vừa và nhỏ Việt Nam muốn xâm nhập vào thị trường xuất khẩu nào đó, chúng ta phải có bước chuẩn bị kỹ và đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị trường, bên cạnh đó, tìm hiểu, chọn lọc đối tác tin cậy làm nhà phân phối sản phẩm.

Khi các sản phẩm của DN đã có thương hiệu và thâm nhập sâu vào các thị trường xuất khẩu, lúc đó cần xây dựng đội ngũ tiếp thị, thuê kho bãi để có thể trực tiếp phân phối hàng hóa của mình trên thị trường đó mà không cần qua các khâu trung gian.