Tài chính-kinh tế quốc tế tuần từ 6-11/3/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Thế giới: Tăng trưởng GDP toàn cầu đạt lần lượt 3,3% và 3,5% trong 2 năm 2017 và 2018, bằng mức dự báo đưa ra hồi tháng 11/2016 và cao hơn mức tăng 3% của năm 2016 - mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009. Trong đó, Hoa Kỳ 2,4% và 2,8%; Trung Quốc là 6,5% và 6,3%; Nhật Bản là 1,2% và 0,8%. (Theo Báo cáo triển vọng kinh tế của OECD ngày 07/3)

- Eurozone: Tăng trưởng GDP trong quý IV/2016 là 1,7%, thấp hơn mức tăng 1,8% trong quý III; GDP cả năm 2016 tăng trưởng 1,7%, thấp hơn mức tăng 2% của năm 2015. (Theo Văn phòng Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 07/3)

- Nhật Bản: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 0,3% trong quý IV/2016 - quý tăng thứ 4 liên tiếp, cao hơn mức dự báo tăng 0,2%, nhờ đà tăng trưởng của xuất khẩu, chi tiêu Chính phủ và đầu tư tư nhân phi nhà ở, trong khi chi tiêu hộ gia đình không thay đổi. (Theo Nội các Nhật Bản ngày 08/3)

- Anh:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 sẽ đạt 1,6%, cao hơn so với mức tăng 1,2% (dự báo tháng 11/2016), nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng 1,8% của năm 2016, do lạm phát tăng trong bối cảnh đồng bảng giảm giá khiến người tiêu dùng tại Anh hạn chế chi tiêu. Trong năm 2018, kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 1%. (Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD ngày 07/3)

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 sẽ đạt 2%, cao hơn mức tăng 1,4% (dự báo tháng 11/2016), cho thấy triển vọng tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Anh.Tuy nhiên, Anh vẫn phải đối mặt với các thách thức là các khoản nợ lớn, năng suất và hiệu quả làm việc còn thấp. (Theo Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond ngày 08/3)

- Hy Lạp: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2016 giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2015 và giảm 1,2% so với quý III/2016,đánh dấu sự suy thoái kinh tế năm thứ 8 liên tiếp.(Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Hy Lạp - Elstat ngày 06/3)

- Indonesia: Tăng trưởng kinh tế trong quý I/2017 dự báo đạt 5%, cận dưới của mức dự báo 5 - 5,4% tăng trưởng cả năm 2017, do nền kinh tế Indonesia trong quý I vẫn bị ảnh hưởng lớn từ việc cắt giảm ngân sách và chi tiêu chính phủ từ quý IV/2016. (Theo Ngân hàng Trung ương Indonesia - BI)

- Trung Quốc: Trong tháng 02/2017, CPI tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 2,5% của tháng 01/2017 và là mức thấp nhất kể từ tháng 01/2015, do chi phí vận tải và truyền thông giảm tốc trong khi giá thực phẩm giảm. (Theo Văn phòng Thống kê Trung Quốc ngày 09/3)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Tính chung cả tuần (06 - 10/3/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,5%; 0,4% và 0,2% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (03/3/2017). Trong phiên giao dịch cuối tuần (10/3/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones tăng 2,46 điểm (0,01%) lên 20.858,19 điểm.

+ S&P 500 tăng 1,89 điểm (0,08%) lên 2.364,87 điểm.

+ Nasdaq Composite tăng 1,25 điểm (0,02%) lên 5.838,81 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán chính giảm điểm. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,56 điểm (-0,75%). Chốt phiên giao dịch cuối tuần (10/3/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số chứng khoán tại một số thị trường chính của châu Á như sau:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 64,55 điểm (0,34%) lên 19.318,58 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 23,92 điểm (-0,74%) xuống 3.216,74 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 6,29 điểm (0,3%) lên 2.097,35 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 280,71 điểm (-1,18%) xuống 23.501,56 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 34,75 điểm (0,6%) lên 5.775,6 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ 06 - 10/3/2017, giá dầu WTI và Brent giảm tương ứng 5,59 USD/thùng và 5,58 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (10/3/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 4/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1 USD (-2,03%) xuống 49,28 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,92 USD (-1,76%) xuống 52,19 USD/thùng.

Châu Âu

- Đức: Trong tháng 01/2017, số lượng đơn đặt hàng từ các nhà máy của Đức giảm 7,4% so với tháng 12/2016, giảm sâu hơn so với mức dự báo giảm 2,5%, do nhu cầu tiêu dùng trong nước và thị trường Eurozone sụt giảm mạnh xuống tương ứng các mức 10,5% và 7,8%. (Theo Reuters ngày 07/3)

- Pháp: Trong tháng 01/2017, thâm hụt thương mại của Pháp tăng cao kỷ lục, đạt 7,9 tỷ EUR (tương ứng 8,3 tỷ USD). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 7,7% so với tháng 12/2016, chủ yếu do doanh số bán máy bay Airbus giảm sút; trái lại, nhập khẩu tăng 2,9% do giá dầu tăng và kim ngạch nhập khẩu dược phẩm tăng cao. Số liệu về thâm hụt thương mại được coi là tín hiệu xấu đối với Chính phủ Pháp, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực cải thiện cán cân thương mại nhằm tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2016, thâm hụt thương mại của Pháp tăng hơn 3 tỷ EUR so với năm 2015, lên 48,1 tỷ EUR. (Theo Cơ quan Hải quan Pháp ngày 08/3)

Châu Á

Singapore

Chính phủ Singapore dự kiến chi khoảng 75,07 tỷ SGD (tương đương 53,6 tỷ USD) trong tài khóa 2017, tăng 3,68 tỷ SGD so với tài khóa 2016, cho các kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế trong trung hạn, giải quyết những thách thức ngắn hạn và hỗ trợ xã hội trước tình trạng già hóa dân số. Để đảm bảo chi tiêu bền vững, Chính phủ Singapore quyết định điều chỉnh giảm giới hạn chi tiêu của các bộ xuống 2% trong tài khóa 2017. Ngân sách năm 2017 của Singapore dự kiến sẽ thặng dư 1,9 tỷ SGD, tương đương 0,4% GDP. (Theo Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat ngày 01/3)

Hàn Quốc

Trong tháng 01/2017, giá trị công trình xây dựng được hoàn thành tăng 14% và đơn đặt hàng trong lĩnh vực xây dựng tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2016; chỉ số thiết bị tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016 do lĩnh vực máy móc thiết bị tăng mạnh; tiêu dùng cá nhân sụt giảm do niềm tin của người tiêu dùng bị ảnh hưởng trước tình trạng thị trường việc làm bị thu hẹp và vấn đề bất ổn chính trị tại nước này.(Theo báo cáo hằng tháng đánh giá tình hình kinh tế Hàn Quốc của Viện Phát triển Hàn Quốc - KDI ngày 07/3)

Thái Lan

Thái Lan sẽ đánh thuế đối với các khoản giao dịch thương mại điện tử xuyên quốc gia bắt đầu từ tháng 4/2017. Quy định pháp luật hiện hành chỉ cho phép áp dụng thuế đối với các công ty có trụ sở ở Thái Lan, các công ty nước ngoài không phải chịu bất cứ khoản thuế nào. Giá trị thương mại điện tử của Thái Lan trong năm 2016 đạt khoảng 2.500 tỷ THB (tương đương 71,3 tỷ USD), tăng so với 2.200 tỷ THB (tương đương 62,7 tỷ USD) của năm 2015. Tại Thái Lan hiện có khoảng 300 nghìn công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử nhưng chỉ 2 nghìn công ty đăng ký trong hệ thống thu thuế với tổng lượng thuế thu được hằng năm đạt khoảng 300 triệu THB (tương đương 8,6 triệu USD). (Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Thái Lan Prasong Poontanear ngày 07/3)

Indonesia

Trong tháng 01/2017, doanh số bán lẻ của nước này tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2016 - mức tăng thấp nhất từ tháng 7/2016, thấp hơn mức tăng 10,5% của tháng 12/2016, do doanh số bán các mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm đều giảm tốc. (Theo Ngân hàng Trung ương Indonesia ngày 09/3)

Philippines

Trong tháng 01/2017, thâm hụt thương mại đạt 2,31 tỷ USD, thấp hơn mức thâm hụt 2,64 tỷ USD cùng kỳ năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 22,5% lên 5,13 tỷ USD - mức tăng cao nhất trong 3 năm, kim ngạch nhập khẩu tăng 9,1% lên 7,44 tỷ USD - mức tăng thấp nhất từ tháng 10/2016. (Theo Văn phòng Thống kê Philippines ngày 10/3)

Hoa Kỳ

Năng suất lao động tại Hoa Kỳ tăng 1,3% trong quý IV/2016 so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn so với mức tăng 3,3% của quý III/2016. Năng suất lao động cả năm 2016 tăng 0,2%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2011. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 08/3)

Trong tháng 01/2017, thâm hụt thương mại tại Hoa Kỳ ở mức 48,5 tỷ USD - mức thâm hụt cao nhất kể từ tháng 3/2012. Trong đó, so với tháng 12/2016, kim ngạch xuất khẩu tăng 2,3% lên 192,1 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu tăng 1,6% lên 240,6 tỷ USD. (Theo Văn phòng Thống kê Hoa Kỳ ngày 07/3)

Trong tháng 02/2017, khu vực tư nhân tại Hoa Kỳ đã tạo thêm 298 nghìn việc làm, tăng so với 261 nghìn việc làm của tháng 1, do ngành dịch vụ, thường chiếm ưu thế trong việc tuyển dụng lao động, phát triển mạnh. (Theo báo cáo việc làm quốc gia của Công ty Dịch vụ tính lương ADP Hoa Kỳ ngày 08/3)

Trong tháng 02/2017:

- Chỉ số giá xuất khẩu của Hoa Kỳ tăng 0,3% (so theo tháng), cao hơn mức tăng 0,2% của tháng 1 và dự báo tăng 0,2%. Trong đó, giá xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp tăng 1,4%; giá xuất khẩu các mặt hàng phi nông nghiệp tăng 0,3%. So với cùng kỳ năm 2016, giá xuất khẩu tăng 3,1% - mức tăng cao nhất từ tháng 12/2011.

- Chỉ số giá nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng 0,2% (so theo tháng), thấp hơn mức tăng 0,6% của tháng 1 nhưng cao hơn mức dự báo tăng 0,1%. Trong đó, giá nhập khẩu phi dầu khí tăng 0,3% - lần tăng đầu tiên kể từ tháng 7/2016; giá nhập khẩu dầu giảm 0,7%. So với cùng kỳ năm 2016, giá nhập khẩu tăng 4,6% - mức tăng cao nhất từ tháng 02/2012.

(Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 09/3)

Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc ngày 05/3 đã công bố các mục tiêu kinh tế của nước này trong năm 2017 như sau:

- Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5% - mức thấp nhất trong 25 năm qua, thấp hơn mức tăng trưởng thực tế 6,7% của năm 2016. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn đủ để đạt mục tiêu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2020 so với năm 2010.

- Lạm phát 3%.

- Số việc làm mới ở khu vực đô thị đạt 11 triệu việc làm, tăng 1 triệu việc làm so với năm 2016.

- Thâm hụt ngân sách duy trì ở mức 3% GDP (khoảng 2.380 tỷ NDT, tương đương 345 tỷ USD) nhằm tạo điều kiện tiếp tục giảm thuế và phí cho các doanh nghiệp.

- Thực hiện chính sách tài chính chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng, sử dụng các công cụ chính sách để duy trì sự ổn định trong lưu thông, tiếp tục cải cách tỷ giá hối đoái đồng NDT và duy trì vị trí ổn định của đồng NDT trong hệ thống tiền tệ toàn cầu.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với khó khăn ngày càng nghiêm trọng và phức tạp ở cả trong nước và quốc tế, trong bối cảnh xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng; đường hướng chính sách kinh tế của các nước lớn và tác động của các chính sách đó tới nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa rõ ràng.

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong tháng 02/2017 tăng 6,92 tỷ USD lên 3.005 tỷ USD, lần tăng đầu tiên kể từ tháng 6/2016, ngược lại với dự báo giảm 25 tỷ USD xuống 2.973 tỷ USD của Reuters. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã siết chặt các quy định chuyển vốn ra nước ngoài nhằm hỗ trợ đồng NDT và ngăn sự sụt giảm dự trữ ngoại tệ. Trong tháng 02/2017, đồng NDT tăng 0,2% so với đồng USD. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 07/3)

Trong tháng 02/2017, Trung Quốc thâm hụt thương mại lần đầu tiên trong 3 năm, ở mức 60,63 tỷ NDT (tương đương 8,79 tỷ USD). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu (tính theo đồng NDT) tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2016, còn kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 4,2%. (Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 08/3)

Trong tháng 02/2017, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016 - mức tăng cao nhất trong gần 9 năm trở lại đây, cao hơn mức tăng 6,9% của tháng 01/2017 và tăng chủ yếu trong lĩnh vực khai mỏ và công nghiệp nặng. (Theo Văn phòng Thống kê Trung Quốc ngày 09/3)

Nhật Bản

Trong tháng 01/2017, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản đạt 65,5 tỷ JPY (tương đương 575 triệu USD), giảm 88,9% so với cùng kỳ năm 2016 - lần giảm đầu tiên trong 8 tháng qua. Nguyên nhân là do cán cân thương mại thâm hụt lần đầu tiên trong 1 năm, ở mức 853,4 tỷ USD, khi kim ngạch xuất khẩu tăng 2,9% lên 5,52 nghìn tỷ USD, còn kim ngạch nhập khẩu tăng 10% lên 6,37 nghìn tỷ USD. (Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 08/3)

Australia

Thặng dư thương mại của Australia trong tháng 01/2017 đạt 1,3 tỷ AUD (995,8 tỷ USD), thấp hơn mức thặng dư kỷ lục 3,5 tỷ AUD của tháng 12/2016 và mức dự báo 3,8 tỷ AUD. (Theo Cục Thống kê Australia - ABS ngày 02/3)

Paul Dales - nhà kinh tế trưởng của Capital Economics, cho rằng số liệu trên báo hiệu tăng trưởng kinh tế Australia sẽ suy giảm mạnh trong quý I/2017, so với mức tăng 1,1% trong quý IV/2016.

Đàm phán - Ký kết

Ngân hàng Standard Chartered và Tập đoàn Tài chính Quốc tế - IFC

Ngân hàng Standard Chartered và Tập đoàn Tài chính Quốc tế - IFC đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác tài trợ thương mại theo chương trình Hỗ trợ thanh khoản thương mại toàn cầu, với khoản đầu tư tăng thêm là 1 tỷ USD (IFC tham gia 500 triệu USD).

Theo đó, Standard Chartered sẽ triển khai một danh mục các giao dịch tài trợ thương mại thông qua các ngân hàng phát hành tại các thị trường mới nổi để cung cấp vốn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy thương mại quốc tế và kỳ vọng sẽ cung cấp hơn 5 tỷ USD để hỗ trợ hoạt động thương mại trong 3 năm tới. (Theo TTXVN ngày 06/3)

Chính sách

- ECB: Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB ngày 09/3 quyết định giữ nguyên lãi suất tiền gửi qua đêm ở mức -0,4%, lãi suất tái cấp vốn 0%, lãi suất cho vay qua đêm 0,25%; chương trình mua tài sản được giữ nguyên ở mức 80 tỷ EUR/tháng cho đến hết tháng 3/2017 và giảm còn 60 tỷ EUR/tháng (bắt đầu từ tháng 4/2017), trong bối cảnh lạm phát cơ bản của Eurozone vẫn ở mức thấp và dự báo sẽ tăng dần trong trung hạn.

- Hoa Kỳ: Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ tăng lãi suất cơ bản vào giữa tháng 3/2017 (dự kiến ngày 14 - 15/3) khi kinh tế Hoa Kỳ có những dấu hiệu lạc quan. Ngoài ra, FED vẫn dự kiến tăng lãi suất 2 lần trong năm 2017, đưa lãi suất lên mức trung lập, kết thúc chiến dịch kích thích kinh tế sau khủng hoảng của FED. (Theo Chủ tịch FED Janet Yellen ngày 03/3)

- Australia: Ngân hàng Dự trữ Australia ngày 07/3 quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 1,5% do lo ngại giá nhà tăng cao gây bất ổn đến nền kinh tế, trong khi giá hàng hóa phục hồi và xuất khẩu cao hơn làm tăng nguồn thu của quốc gia.