Cao ốc bị siết nợ, số phận khách hàng mua chung cư ai lo?

Theo Nam Hải/Vietnamnet.vn

Hàng loạt dự án thế chấp ngân hàng đang được đưa ra xử lý như đấu giá quyền sử dụng, thu giữ tài sản, tìm đơn vị định giá dự án khiến nhiều khách hàng lo lắng liệu quyền lợi của mình có được đảm bảo.

Giữa năm 2016, Ngân hàng BIDV chi nhánh bắc Sài Gòn phát đi thông báo về việc thu hồi tài sản là dự án The Harmona. Theo văn bản của đơn vị này, Công ty Cổ phần Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình đã cầm cố quyền sử dụng đất và tài sản trên đất vào ngày 29/11/2011 cho ngân hàng để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của Công ty Cổ phần Thanh Niên. Khoản nợ vay của công ty này đã quá hạn nhưng vẫn chưa trả.

Dù phía ngân hàng đã tạo điều kiện nhưng Công ty Cổ phần Thanh Niên vẫn chưa thanh toán nợ như cam kết. Vì vậy, BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn sẽ thu hồi và xử lý tài sản bảo đảm là dự án The Harmona. Văn bản này khiến cho khoảng 600 hộ dân bên trong dự án bất ngờ và hoang mang.

Cao ốc bị siết nợ, số phận khách hàng mua chung cư ai lo? - Ảnh 1

Tương tự, BIDV cũng thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá toàn bộ dư nợ gốc, lãi phát sinh của Công ty cổ phần Đầu tư Y tế Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 (NTB) lên đến gần 1.091 tỷ đồng.

Tài sản thế chấp kèm theo khoản nợ này là Dự án Khu dân cư 584 Tân Kiên tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, gồm một nền đất 174,5 m2 và quyền sử dụng khu đất 41.242,1 m2 cùng tài sản gắn liền với đất là hai khối chung cư với tổng số 712 căn hộ.

Dự án chung cư 584 Tân Kiên được triển khai xây dựng từ năm 2005. Đến năm 2011, Công ty 584 xin chuyển đổi công năng một block thuộc dự án thành bệnh viện, nhưng sau đó buộc phải dừng do không thống nhất được với người mua nhà. Hiện tại, Block B chung cư đã hoàn thiện và có khoảng 40 hộ đang sinh sống. Các cư dân đều không nắm được thông tin về việc thế chấp dự án, xử lý nợ từ phía ngân hàng.

Mới đây nhất, PVcomBank thu giữ dự án Tokyo Tower để xử lý nợ. Dự án Tokyo Tower là tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp với chiều cao 51 tầng nổi, trong đó có 5 tầng dành cho trung tâm thương mại, dịch vụ.

Dự án này đã nhiều lần đổi tên, trước đó có tên là chung cư Vinafor hay Landmark 51, được chủ đầu tư giới thiệu là tòa nhà cao nhất quận Hà Đông và là tòa nhà cao thứ 3 tại Hà Nội. Chủ đầu tư Tokyo Tower là Liên danh Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01. Tháng 12/2015, Sông Đà 1.01 và PVcomBank đã ký hợp đồng bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai của dự án này.

Vụ việc tại dự án The Harmona được giải quyết khi chủ đầu tư và ngân hàng đã làm việc với nhau và thống nhất sẽ trả nợ để lấy sổ đỏ dự án về làm sổ hồng cho cư dân. Toàn bộ hồ sơ làm sổ hồng đã làm xong, chỉ cần lấy sổ đỏ ra Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ cấp sổ hồng cho từng căn hộ.

Cao ốc bị siết nợ, số phận khách hàng mua chung cư ai lo? - Ảnh 2
Tìm cách giải cứu dự án

Còn dự án Tokyo Tower, sau khi thu hồi tài sản, PVcomBank cần sự hợp tác từ các cá nhân và tổ chức đã mua tài sản đến PVcomBank làm việc để ngân hàng tiếp nhận thông tin đối chiếu công nợ; ngân hàng sẽ xử lý để thu hồi nợ đúng quy định của pháp luật. PVcomBank sẽ tiến hành lựa chọn đơn vị đủ năng lực triển khai dự án và đề nghị chủ đầu tư mới đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người mua nhà theo các hợp đồng đã ký. Khi chủ đầu tư mới chính thức tiếp quản và vận hành tiếp dự án, PVcomBank sẽ có thông báo cụ thể tới khách hàng tiến độ triển khai và thời điểm bàn giao.

Với mục tiêu cuối cùng là hoàn thiện Dự án để thu nợ đồng thời giao nhà cho các cá nhân/tổ chức đã ký hợp đồng mua tài sản, ngân hàng này cam kết đảm bảo quyền lợi cuối cùng là người mua nhà nhận được căn hộ theo hợp đồng đã ký. PVcomBank cũng đề nghị người mua nhà bình tĩnh và phối hợp với ngân hàng để cùng đưa ra phương án hợp lý và nhận nhà sớm nhất có thể.

Đối với các khách hàng có khoản vay mua căn hộ Dự án Tokyo Tower tại PVcomBank, ngân hàng sẽ có chính sách hỗ trợ tốt nhất phù hợp với quy định pháp luật như miễn giảm lãi phạt và miễn phí phạt chậm trả cho khách hàng.

Sau sự cố tại nhiều dự án, cơ quan chức năng cũng đã có những biện pháp phòng ngừa việc lặp lại các sự cố tương tự như công bố các dự án, sản phẩm bất động sản bị thế chấp để người mua biết và thận trọng.