“Chiêu” huy động vốn bằng Hợp đồng hợp tác kinh doanh

Theo Nguyễn Giang/diendandoanhnghiep.vn

Với miếng mồi là lời hứa lợi nhuận, lãi suất béo bở, hàng loạt doanh nghiệp núp mác kinh doanh bất động sản đã đánh vào "tử huyệt" lòng tham nhà đầu tư, khiến không ít người mắc bẫy...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các chuyên gia cho rằng, nếu các cơ quan quản lý không khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm, số người bị “sập bẫy” loại hình kinh doanh này sẽ tiếp tục kéo dài.

“Giăng bẫy” lãi suất cao, lợi nhuận “khủng”

Đầu tháng 3 vừa qua, TAND tỉnh Hậu Giang đã xét xử Võ Thanh Long - cựu tổng giám đốc khu du lịch sinh thái Phú Hữu (huyện Châu Thành, Hậu Giang) cùng các đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này có tới 816 bị hại ở 39 tỉnh, thành trên cả nước đã bị lừa tổng số tiền gần 160 tỉ đồng. Gần 1.000 người là các bị hại, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến phiên tòa.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang, từ tháng 4/2017 đến tháng 10/2019, bị cáo Võ Thanh Long không thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để triển khai dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu. Dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động nhưng Long đã cùng các đồng phạm lợi dụng dự án để huy động vốn theo phương thức đa cấp qua các hình thức như hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng đại lý bán vé du lịch...

Hay như trước đó, TAND TP. Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm Nguyễn Hữu Tiến và đồng phạm. Theo cáo trạng, Nguyễn Hữu Tiến thành lập các công ty, nhưng không hoạt động kinh doanh mà lôi kéo, huy động vốn đa cấp, chiếm đoạt 460 tỉ đồng của 10.059 người.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 12/2015 đến tháng 7/2018, để tạo lòng tin, Tiến thành lập công ty CP đầu tư Thiên Rồng Việt và Công ty CP OCT Max. Hai công ty này không hoạt động sản xuất kinh doanh, Tiến lấy danh nghĩa của công ty đưa ra các thông tin gian dối như: Công ty đang đầu tư, liên kết với nhiều công ty khác để thực hiện dự án “Hệ sinh thái” để làm dịch vụ nhà hàng, mua sắm…

Thông qua mạng internet, các bị cáo lập các trang web “thienrongviet.com”, “otcmax.vn”, “vncoins.vn” quảng bá hình ảnh, in tạp chí, ấn phẩm, tổ chức buổi hội thảo; đưa ra thông tin không đúng sự thật về dự án đầu tư, số người góp vốn, số tiền hoa hồng hấp dẫn. Ngoài ra, công ty này còn hứa hẹn nếu khách hàng góp vốn từ 5 - 250 triệu đồng, mỗi ngày sẽ nhận được 1,8% số tiền đầu tư trong vòng 100 ngày.

Thực chất, người nộp tiền chỉ được nhận gốc và lãi trong thời gian đầu, do công ty chuyển khoản vào tài khoản của họ. Sau đó, các bị cáo không trả lãi và hoa hồng nữa, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

“Bắt bài” huy động vốn

Trao đổi với DĐDN, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, nhìn từ các vụ việc vừa qua cho thấy các đối tượng thường hứa hẹn phân chia lợi nhuận cao, thủ tục đơn giản, nhà đầu tư không cần tham gia kinh doanh, đến hẹn là giải ngân, đầu tư một khoảng thời gian nào đó mà không muốn tiếp tục đầu tư có thể được chuyển nhượng hoặc rút vốn đầu tư. Các đối tượng thường yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ người tham gia góp vốn đầu tư liên tục và sụp đổ khi có một lượng lớn các nhà đầu tư đã tham gia đột nhiên rút vốn hoặc không thể kêu gọi thêm nhà đầu tư mới.

Phân tích về “hợp đồng hợp tác kinh doanh” của một số công ty kinh doanh mô hình này gần đây, luật sư Bình cho biết nhà đầu tư bị rất nhiều điều khoản bất lợi, rủi ro. Điển hình như mẫu hợp đồng của Công ty CP Bất động sản Nhật Nam dù được ghi là “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” nhưng theo các điều khoản hợp, nhà đầu tư sẽ không can thiệp và/hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động quản lý, điều hành, giám sát công việc kinh doanh của Công ty. Số vốn đó sẽ được Công ty toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm quản lý”. Bên cạnh đó, hợp đồng cũng không nêu rõ trách nhiệm của công ty khi trong trường hợp việc đầu tư kinh doanh tiêu cực hay các tài sản đảm bảo của công ty cho những nhà đầu tư góp vốn.

Bởi vậy, luật sư Bình cho rằng, đây không phải là một hợp đồng hợp tác kinh doanh đơn thuần mà nội dung hướng đến việc huy động vốn bằng hình thức vay không có thế chấp. Chính vì vậy, những người tham gia ký kết hợp đồng này sẽ không được nắm giữ tài sản đảm bảo, sẽ không được quản lý việc sử dụng tiền, thậm chí phạm vi đầu tư kinh doanh rất rộng, chỉ biết đưa tiền nhưng không biết đồng tiền của mình sẽ sử dụng như thế nào. Trong trường hợp nếu doanh nghiệp này nhận tiền sau đó phá sản hoặc không đầu tư đúng mục đích dẫn đến mất vốn thì rủi ro hoàn toàn thuộc về các tổ chức cá nhân góp tiền.

“Các nhà đầu tư đừng chỉ quan tâm đến lợi nhuận cao mà các đối tượng hứa hẹn. Ngược lại, phải tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, dự án được huy động vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh có điều khoản bất lợi hay không,... từ đó đưa ra được lựa chọn chính xác, tránh nguy cơ mất vốn đầu tư”, luật sư Diệp Năng Bình nói.