Chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì: Cưỡng chế hay truy tố?

Theo Minh Sơn/thoibaokinhdoanh.vn

Tranh chấp quỹ bảo trì chung cư, theo Bộ Xây dựng thống kê, lên tới 36% trong tổng số các nội dung tranh chấp. Vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu để hóa giải các mâu thuẫn trên. Theo quy định, cơ quan chức năng có quyền cưỡng chế chủ đầu tư nhưng Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Chính phủ, chỉ đạo Bộ Công an điều tra, khởi tố, truy tố trách nhiệm đối với chủ thể.

 Tranh chấp chung cư với mức độ ngày càng gay gắt. Nguồn: Internet
Tranh chấp chung cư với mức độ ngày càng gay gắt. Nguồn: Internet

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện có đến 215 dự án bất động sản đang xảy ra tranh chấp, trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án, với nội dung tranh chấp nhiều nhất là về phí bảo trì chung cư, lên tới 36% tổng số vụ. Thực tế, đây là những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết nhất thời gian qua tại nhiều dự án ở Hà Nội.

Tranh chấp chung cư với mức độ ngày càng gay gắt. Theo nhiều chuyên gia, vấn đề mấu chốt là liên quan tới phí bảo trì 2% cho phần sử dụng chung, bởi nhiều tòa nhà, phí bảo trì lên tới gần 100 tỷ đồng.

Hàng ngàn tỷ đồng bị chiếm dụng?

Có thể kể đến các tranh chấp tại dự án Star City (81 Lê Văn Lương, Hà Nội, do công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội làm chủ đầu tư) được hoàn thành và bàn giao từ năm 2014.

Tới nay, phần quỹ bảo trì mà chủ đầu tư mới bàn giao cho cư dân chỉ khoảng 2,4 tỷ đồng/30 tỷ đồng. Hiện nhiều hạng mục trong tòa nhà bị hỏng, xuống cấp nhưng cư dân chưa đòi được số tiền nói trên để tiến hành việc sửa chữa.

Ở chung cư Thăng Long Garden (250 Minh Khai, Hà Nội), Ban quản trị cho biết từ cuối tháng 8/2016 đến giữa năm 2017, Ban quản trị đã nhiều lần có văn bản yêu cầu chủ đầu tư là công ty cổ phần May Thăng Long bàn giao quỹ bảo trì mà theo ước tính của cư dân vào khoảng 14,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị này phớt lờ những kiến nghị đó.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, cư dân Hồ Gươm Plaza ở Mỗ Lao (Hà Đông) đã căng băng rôn, kiến nghị cơ quan quản lý để gây sức ép yêu cầu chủ đầu tư là công ty cổ phần May Hồ Gươm bàn giao gần 20 tỷ đồng tiền phí bảo trì của tòa nhà.

Ban quản trị toà nhà CT3 - ĐN1&ĐN3 khu đô thị Trung Văn cũng vừa gửi kiến nghị lên Sở Xây dựng "tố" chủ đầu tư - công ty cổ phần xây dựng số 1 Sông Hồng mới chỉ bàn giao 1,5 tỷ đồng/5,7 tỷ đồng quỹ bảo trì cho cư dân.

Gần đây nhất, cư dân tại dự án chung cư The Pride (quận Hà Đông, Hà Nội) do công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư bức xúc về việc chủ đầu tư cố tình trì hoãn việc thành lập Ban quản trị. Cư dân cho rằng hành động này của chủ đầu tư là để cố tình "chiếm dụng" hàng chục tỷ đồng phí bảo trì của gần 2.000 căn hộ chung cư tại dự án.

Thống kê chưa đầy đủ, với mức độ vi phạm và tranh chấp với cư dân về quỹ bảo trì, có lẽ số tiền lên tới vài trăm tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Khi tranh chấp, mâu thuẫn được hoá giải, chủ đầu tư mới bàn giao lại cho Ban quản trị quỹ bảo trì mà không tính lãi kèm theo. Khoản thiệt thòi, bảo trì cho phần nhà bị hư hỏng trước đó thuộc về cư dân.

Hình phạt nào?
Một số luật sư cho rằng một trong những nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư chây ì thực hiện chuyển Quỹ bảo trì cho Ban quản trị chung cư là do hiện chưa có quy định, chế tài xử phạt những chủ đầu tư vi phạm.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, ông Nguyễn Mai Bộ, đại biểu Quốc hội đoàn An Giang, cho rằng nhiều khu chung cư, chủ đầu tư chây ỳ không nộp 2% quỹ bảo trì đối với phần diện tích chung, số tiền đó không biết đi về đâu.

"Hành vi này cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà hiện nay chưa bị xử lý. Cần thiết xem xét khởi tố một số vụ việc để chấn chỉnh hành vi này" – ông Bộ đề xuất.

Vụ việc mới đây nhất, trả lời kiến nghị Ban quản trị toà nhà CT3 - ĐN1&ĐN3, khu đô thị Trung Văn, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết Sở vừa có công văn đề xuất UBND TP. Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu chủ đầu tư - công ty cổ phần xây dựng số 1 Sông Hồng thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị toà nhà này.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, căn cứ Điểm a, b, c, Khoản 1, Điều 37 Nghị định số 99/2015/NĐ- CP ngày 20/1/2015 của Chính phủ, trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định tại Điều 36 của Nghị định 99, hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn theo quy định, Ban quản trị có văn bản đề nghị UBND tỉnh, thành phố nơi có nhà chung cư, yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì.

Trường hợp quá thời hạn 15 ngày UBND cấp tỉnh, thành phố quy định mà chủ đầu tư không thực hiện bàn giao thì cơ quan này có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị.

Sau đó, UBND thành phố cũng giao Sở Xây dựng có trách nhiệm tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Chính phủ về tình trạng cư dân khiếu nại, phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản, trong đó Bộ đã kiến nghị với hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì, Bộ Công an cần chủ trì tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể vi phạm.