Cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê: Ranh giới mong manh phạm tội

Theo Minh Sơn/lsvn.vn

Ở Việt Nam trong thời gian qua, dịch vụ đòi nợ thuê là dịch vụ đang có chiều hướng phát triển mạnh. Thế nhưng, ngoài những công ty làm việc với phương pháp bài bản, vừa đòi được tiền cho chủ nợ vừa giữ uy tín cho “con nợ” thì lại có không ít nhóm đòi nợ hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, gây mất trật tự xã hội.

Thủ đoạn phạm tội trong huy động vốn và cho vay. Nguồn: internet
Thủ đoạn phạm tội trong huy động vốn và cho vay. Nguồn: internet

Việc đòi nợ thuê gần như là một dịch vụ tất yếu của xã hội khi mà nhu cầu giao dịch cũng như việc vay tiền vẫn tồn tại. Dưới góc độ pháp lý, nhiều luật sư và các chuyên gia luật cho rằng, những người đi đòi tiền nếu như không thượng tôn pháp luật thì cũng rất dễ bị vướng vào lao lý.

Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, nhiều trường hợp rõ ràng là có dấu hiệu tội phạm như: Bỏ trốn, có điều kiện trả nợ nhưng cố tình không trả, tránh giao tiếp bằng cách khóa điện thoại, thay số điện thoại để người cho vay không liên lạc được; Có nơi cơ quan điều tra cũng triệu tập, cũng ra lệnh “truy tìm” người bị tố cáo nhưng vẫn không có kết quả; Có trường hợp người vay nợ là ông chủ doanh nghiệp dùng “chiêu” điều khiển công ty từ xa chứ không đến trụ sở để tránh gặp chủ nợ; Có công ty gỡ bỏ biển hiệu để lừa dối người cho vay…

Không đòi được nợ, người am hiểu pháp luật thì kiên trì đề nghị, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý, nhưng cũng có nhiều người bức xúc đã thuê “xã hội đen” đòi nợ và hậu quả là phải đi tù do vi phạm pháp luật. Có quá nhiều các thủ đoạn phạm tội trong đòi nợ tín dụng đen. Theo điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra, khi con nợ chưa có tiền trả, chủ nợ thường gây áp lực, đe dọa, khủng bố tinh thần, thậm chí truy sát, khiến con nợ hoảng sợ, phải lánh mặt. Chỉ chờ con nợ trốn khỏi nơi cư trú là chủ nợ có cớ “mượn tay” cơ quan tố tụng hình sự để hình sự hóa quan hệ dân sự, truy cứu trách nhiệm con nợ về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, các công ty làm dịch vụ thu nợ ở Việt Nam ngày một nhiều, thời kỳ đầu tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Những năm gần đây được thành lập rải rác ở khắp các tỉnh thành khác nhau trên toàn quốc như Đồng Nai, Khánh Hòa, Hải Dương, Hải Phòng... 

Những vụ vỡ nợ do “tín dụng đen” xảy ra trong thời gian vừa qua đã đẩy nhiều gia đình rơi vào thảm cảnh “màn trời, chiếu đất”, kinh tế kiệt quệ, mất hết tài sản, thậm chí nhiều con nợ chỉ mong… chết cho hết nợ. Cùng với đó qua hoạt động của thị trường “tín dụng đen” hiện nay, có thể thấy đáng lo ngại nhất chính là mảng đòi nợ. Đây là nguyên nhân phát sinh tình hình tội phạm gây mất an ninh trật tự. Để hạn chế được tình trạng này, một bài toán khó được đặt ra là làm cách nào quản lý được “tín dụng đen” và dịch vụ đòi nợ. 

Theo Luật sư Nguyễn Xuân Hoàng - Trưởng văn phòng luật sư Xuân Hoàng, cho biết căn cứ theo từng nội dung cụ thể trong giấy vay nợ giữa hai bên đã giao kèo những điều khoản như thế nào để từ đó có những hướng đòi tiền đúng theo quy định. Nhìn chung, với những giao dịch dân sự, không đúng theo các quy định cho vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì sẽ luôn làm nảy sinh những vấn đề khúc mắc khó giải quyết. Thực tiễn đời sống thường xuyên diễn ra các hoạt động vay mượn tiền với nhau.

“Nếu người vay tiền có hành vi gian dối ngay từ khi thực hiện giao dịch hoặc có hành vi tẩu tán tài sản, bỏ trốn... nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng khoản tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả thì hành vi của người đó có dấu hiệu phạm tội (tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” - PV)”, Luật sư Hoàng chia sẻ thêm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân thuê “xã hội đen” đòi nợ, nhưng chủ yếu là do người dân không am hiểu pháp luật, cho rằng việc thuê người khác đòi nợ là loại hình dịch vụ. Để ngăn ngừa tình trạng người dân thuê “xã hội đen” đòi nợ, thiết nghĩ các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương cần sớm hướng dẫn áp dụng Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 để các cơ quan tố tụng địa phương thực hiện, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người cho vay, tránh được tình trạng phải xử lý “ngược”, bị hại trở thành bị cáo! Mặt khác, cái được lớn hơn là làm cho người dân tin vào pháp luật, tin vào các cơ quan tiến hành tố tụng khi có yêu cầu xử lý những kẻ chây ỳ không chịu trả nợ đã vay.