Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Cuộc chiến còn nhiều cam go

Theo hanoimoi.com.vn

(Tài chính) Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay trong cuộc chiến chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại (GLTM) là sự thiếu đồng nhất về phương pháp thực thi giữa các lực lượng chức năng. Hệ thống pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và GLTM còn chồng chéo, không đồng bộ…

 Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Cuộc chiến còn nhiều cam go
Đội 4 - Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra lô hàng vải lậu bị thu giữ. Nguồn: internet
Nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp

Từ năm 2011 đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã kiểm tra, xử lý 644.456 vụ vi phạm với tổng số thu hơn 20.082 tỷ đồng. Nhưng không vì thế mà tình hình buôn lậu, gian lận thương mại giảm đi mà còn phức tạp hơn cả về số lượng và mức độ tinh vi. Theo lực lượng QLTT, hầu hết các loại hàng hóa có sức tiêu thụ lớn, hàng có thương hiệu đều bị làm giả. Cũng có tình trạng các cá nhân và doanh nghiệp trong nước móc nối với các tổ chức nước ngoài sản xuất hàng giả mạo các thương hiệu có uy tín trên thế giới để tiêu thụ trong nước.

Tình trạng sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả có xu hướng tăng, thậm chí tem chống giả cũng bị làm giả, khiến cho cuộc chiến chống GLTM càng thêm khó khăn. Nhiều sản phẩm, linh kiện đã được nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam chế tác, gia công lại để trở thành sản phẩm của Việt Nam, thậm chí là làm nhái hàng xuất xứ EU, Mỹ, Nhật…

Báo cáo của Cục QLTT cho thấy, các vụ buôn lậu với quy mô, số lượng lớn vẫn sẽ tập trung chủ yếu ở vùng biển các tỉnh, với các mặt hàng xuất lậu có giá trị cao như quặng, khoáng sản, than, gỗ, động vật hoang dã… Ở các tuyến biên giới đất liền, các đầu nậu sẽ tập trung vào những mặt hàng có lợi nhuận lớn như thuốc lá, rượu, dược phẩm, thép, gỗ, đồ điện tử dân dụng, mỹ phẩm…

Đặc biệt, tình hình vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Trong 9 tháng năm 2013, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 17.428 vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm, xử lý 8.477 vụ, phạt gần 9,5 tỷ đồng. Trong số này, có rất nhiều gia cầm mang dịch bệnh, nội tạng gia súc đã bị phân hủy hoặc được bảo quản bởi các loại hóa chất độc hại.

Trên địa bàn Hà Nội, có tình trạng nhập hàng thực phẩm từ nước ngoài đã hết hạn sử dụng hoặc gần hết hạn rồi gỡ bỏ nhãn gốc và thay nhãn ghi hạn sử dụng mới. Lực lượng QLTT đã phát hiện được những cơ sở có máy móc hiện đại chuyên làm mới các loại nhãn mác, hạn sử dụng hàng hóa…

Chưa tạo được bước đột phá

Các lực lượng chức năng nhận định, hiện nay, nhiều chủ trương, chính sách về thương mại đang bị lợi dụng. Cụ thể là nhiều mặt hàng tạm nhập tái xuất và kho ngoại quan bị người nước ngoài và đầu nậu lợi dụng để đưa hàng cấm nhập, hàng hóa nguy hại tới người tiêu dùng. Đối tượng buôn lậu lợi dụng chính sách miễn giảm thuế đối với cư dân biên giới và một số quy định quản lý hóa đơn, chứng từ chưa chặt chẽ để thu gom, hợp thức hóa hàng nhập lậu, vận chuyển vào nội địa để tiêu thụ.

Các hành vi GLTM ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn như quay vòng hóa đơn, chứng từ, gian lận kê khai giá trên hóa đơn bán hàng để giảm thuế giá trị gia tăng, không xuất hóa đơn chứng từ…

Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gia tăng ở nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát còn chậm, thiếu chủ động, kiên quyết, chưa tạo được bước đột phá; nhiều đường dây, ổ nhóm vẫn hoạt động, nhiều đối tượng cầm đầu chưa bị xử lý nghiêm. Việc xử lý các vi phạm chủ yếu ở khâu lưu thông; ngành chức năng chưa đề xuất được các giải pháp xử lý bài bản, mang tính chiến lược. Sự phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ, vẫn mang tính cục bộ, còn chồng chéo.

Trong khi phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày một tinh vi, sử dụng phương tiện hiện đại thì lực lượng kiểm tra, kiểm soát lại "mỏng" cả về số lượng lẫn kinh phí, phương tiện nghiệp vụ nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Hệ thống pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và GLTM chưa hoàn thiện, nhiều lĩnh vực còn chồng chéo, không đồng bộ, thiếu cụ thể…

Xử lý nghiêm những người thiếu trách nhiệm

Tại cuộc họp về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và GLTM do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vừa qua, Phó Thủ tướng đã yêu cầu các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, GLTM.

Các bộ, ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi ngay những sơ hở, bất cập của văn bản pháp luật có liên quan; tránh việc lợi dụng để buôn lậu, GLTM; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về công tác buôn lậu, hàng giả, GLTM; vận động quần chúng không tham gia tiếp tay cho buôn lậu, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới.

Ban Chỉ đạo 127 từ trung ương đến địa phương cần tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, GLTM; tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, trốn thuế…; đồng thời kiểm tra nội bộ để phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, có biểu hiện bao che, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, GLTM và các hành vi vi phạm pháp luật khác.