Gian nan gõ cửa pháp luật

Thái Hằng

(Tài chính) Tình hình nợ xấu gia tăng khiến nhiều ngân hàng, doanh nghiệp (DN) đã phải lôi nhau đến vòng tố tụng. Điều đáng nói là công cụ pháp luật lại chưa thể hữu hiệu đối với các khoản nợ. Tài chính & Đầu tư đã có cuộc trò chuyện cùng Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng) xoay quanh chủ đề này.

Phóng viên: Khởi kiện ra Tòa và thu hồi nợ qua cơ quan Thi hành án được xem là “cách đòi nợ” hữu hiệu đối với các khoản nợ khó đòi. Nhưng thực tế việc triển khai lại hoàn toàn ngược lại, ông lý giải ra sao về điều này?

Gian nan gõ cửa pháp luật - Ảnh 1
Luật sư Trương Thanh Đức
Luật sư Trương Thanh Đức: Kết quả khảo sát thực tiễn hoạt động thi hành án dân sự của Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tại 15 doanh nghiệp (DN) cho thấy, DN thực sự thất vọng với cơ quan thi hành án và họ cho rằng mời xã hội đen thi hành án là tốt nhất; kiện ra Tòa và thi hành án là giải pháp có khả năng thu hồi kém nhất.

Thông thường mỗi doanh nghiệp phải mất tới trên 6 tháng mới được tiến hành thi hành án; trong khi, thái độ của các chấp hành viên, cơ quan thi hành án lại gây khó khăn lớn cho DN. Thậm chí, nhiều DN cho biết nếu gặp vụ việc tương tự họ sẽ không cần biện tới giải pháp này nữa (!?).

Thưa ông, để xử lý nợ xấu, ngành Ngân hàng rất cần sự hỗ trợ của cơ quan Thi hành án, thế nhưng dường như hai vẫn chưa tìm được tiếng nói chung?

Số lượng án trong lĩnh vực ngân hàng chuyển cho cơ quan Thi hành án đang ngày càng nhiều, áp lực đối với chấp hành viên ngày càng lớn nhưng khi thi hành án lại rất vướng, do thời gian kéo dài ở hầu khắp các địa phương. Đơn cử như tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa, trung bình mỗi năm, cơ quan này tổ chức cưỡng chế, đấu giá tài sản theo quyết định của Tòa án đạt khoảng 10.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 500 tỷ đồng liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Tuy nhiên, theo phản ánh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thì hiện vẫn còn tới 264 hồ sơ đã có bản án nhưng chưa thể thi hành án với tổng trị giá hơn 500 tỷ đồng.

Luật Thi hành án dân sự quy định “ngân hàng và các TCTD khác… đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho Chấp hành viên trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu…”. Việc quy định trên chỉ phù hợp với trường hợp cung cấp thông tin về tài sản khó thay đổi, di dời, không phù hợp với các tài sản dễ đàng thay đổi. Đặc biệt là, đối với tài sản là tiền gửi, tài sản gửi tại các TCTD vì hai lý do sau:

Thứ nhất, nếu Luật này không quy định cụ thể, thì sẽ bị vướng bởi xung đột với quy định tại Khoản 2 và 3, Điều 14 về “Bảo mật thông tin”, Luật Các TCTD năm 2010;

Dù khách nợ có thừa khả năng trả nợ, tài sản bảo đảm thừa giá trị, nhưng người được thi hành án cũng không thu đủ số tiền nợ (luôn bị thiếu từ 3% trở lên, tức từ 1 – 200 triệu đồng, do phải trả phí thi hành án). Đã đến lúc cần tới biện pháp mạnh và thật cụ thể, khi đó mới có thể cắt được “căn bệnh chây ỳ”.

Thứ hai, việc chuyển tiền khỏi tài khoản theo phương thức chuyển tiền điện tử hiện nay chỉ tính bằng giây, do đó việc cung cấp thông tin tính bằng ngày thì quá dễ dàng, dẫn đến tình trạng tài sản được “tẩu tán” một cách hợp pháp.

Giống như một số Luật khác, nguy cơ Luật thi hành án dân sự cũng sẽ khó đi vào cuộc sống bởi mấu chốt, nền tảng cơ bản là thời hạn của thi hành án không bao giờ xác định. Luật sửa đổi cần quy định cơ chế, điều kiện tạm thời phong toả tài khoản hoặc truy thu tài sản trong các trường hợp này để bảo đảm khả năng thi hành án và hiệu lực pháp lý của bản án, quyết định.

Mức lãi suất trong thời gian chậm thi hành án cũng là lực cản không nhỏ đến tiến độ thi hành án, quan điểm của ông thì sao?

Bộ luật Dân sự quy định: “Mức lãi suất chậm thi hành án được áp dụng theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán”, hiện đã không còn hợp lý (từ năm 2010 đến nay là 9%/năm), thấp hơn cả mức lãi suất vay mượn và chậm trả mà các bên có thể thoả thuận theo quy định hoặc theo mức giới hạn của Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại. Điều này đồng nghĩa với việc khuyến khích tình trạng chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ theo bản án, coi thường pháp luật.

Đây là một trong những quy định quan trọng nhất để bảo đảm nguyên tắc công bằng và khả năng thi hành án dân sự, cho nên, cần một quan điểm xử lý rõ ràng, cụ thể, với mức độ hợp lý. Có như vậy, mới hy vọng thúc đẩy nhanh việc thi hành án, tránh gây thiệt hại cho người được thi hành án.

Vậy để đặc trị “căn bệnh chây ỳ” trong thi hành án theo ông Luật sửa đổi lần này cần phải chỉnh sửa, bổ sung như thế nào?

Điều 60 về “Phí thi hành án dân sự” của Luật Thi hành án chỉ quy định một cách chung chung “người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự”. Điều này đang khuyến khích bên phải thi hành án chây ỳ, kéo dài, không tự nguyện thi hành án. Nội dung này cần được xem xét sửa đổi, vì thời gian xét xử quá dài; trong khi cách tính lãi suất chậm trả và lãi suất chậm thi hành án lại bất hợp lý.

Dù khách nợ có thừa khả năng trả nợ, tài sản bảo đảm thừa giá trị, nhưng người được thi hành án cũng không bao giờ thu đủ số tiền nợ (luôn bị thiếu từ 3% trở lên, tức từ 1 – 200 triệu đồng, do phải trả phí thi hành án). Đã đến lúc cần tới biện pháp mạnh và thật cụ thể, khi đó mới có thể cắt được “căn bệnh chây ỳ”.

Chính vì vậy, Luật Thi hành án nên sửa đổi theo hướng, yêu cầu bên phải thi hành án chịu toàn bộ phí thi hành án, đồng thời nên áp dụng thêm những chế tài đối với các trường hợp cố tình kéo dài thời gian thi hành án như buộc phải trả lãi suất trả chậm bằng 150% lãi suất vay vốn, đồng thời phạt thêm một khoản tiền phí thi hành án.

Xin cảm ơn ông!

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 3 - 2014