An toàn giao thông đường sắt

Hiểm họa đường ngang tự phát

Theo Quang Vũ/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Từ đầu năm đến nay, trên các tuyến đường sắt đã xảy ra gần 100 vụ tai nạn, làm chết và bị thương hàng chục người, hư hỏng hàng chục đầu máy, toa xe gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt kể từ khi Luật Đường sắt năm 2005 có hiệu lực đến nay số vụ tai nạn giao thông đường sắt luôn tăng ở mức cao làm nhiều người chết và bị thương. Nguyên nhân chính là do người và phương tiệån tham gia giao thông đường bộ băng cắt đường sắt vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

 Tai nạn giao thông đường sắt ở Quảng Trị. Nguồn: daibieunhandan.vn
Tai nạn giao thông đường sắt ở Quảng Trị. Nguồn: daibieunhandan.vn

90% số vụ tai nạn do đường ngang tự phát

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đoàn Duy Hoạch cho biết, nhiều vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây là rất đáng báo động. Trong 3 tháng đầu năm 2015, trên các tuyến đường sắt đã xảy ra 86 vụ tai nạn, làm chết 37 người và 48 người bị thương; thiệt hại về tài sản đầu máy, toa xe và đường ước hàng trăm tỷ đồng. Trong đó phần lớn nguyên nhân là do người và phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ vi phạm an toàn giao thông đường sắt.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trên toàn hệ thống đường sắt hiện có gần 6.000 điểm giao cắt với đường bộ, trong đó chỉ khoảng 20% đường ngang là hợp pháp, bảo đảm kỹ thuật an toàn, còn lại 80% đường ngang tự phát, hay còn được gọi là đường dân sinh. Đây chính là nguyên nhân của hơn 90% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra hàng năm.

Đáng lo ngại là với số lượng đường ngang, lối cắt đường sắt dân sinh tự phát tăng nhanh cùng với sự phát triển đô thị, khu dân cư ven trục quốc lộ, giao thông những năm gần đây gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt; ngay cả số hơn 1.500 đường ngang giao cắt đường bộ và đường sắt hợp pháp vẫn có đến 80% điểm giao cắt không bảo đảm an toàn như xuống cấp mặt đường, hỏng biển báo, chưa có rào chắn và người gác, các khu dân cư đã dần vây quanh các tuyến đường.

Thực tế cho thấy hầu hết các vụ tai nạn vẫn do lỗi người tham gia giao thông đường bộ vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn kém dù trong thời gian qua ngành đường sắt cũng như chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Đường sắt và các quy định của Nhà nước về bảo đảm ATGT đường sắt.

Có luật nhưng làm chưa nghiêm

Để hạn chế tai nạn do đường ngang, lối cắt dân sinh tự phát, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đoàn Duy Hoạch cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền ý thức cho người tham gia giao thông thì cần giải pháp đồng bộ quản lý chặt mạng lưới đường ngang. Trong đó ưu tiên là làm đường gom tạo lối đi cho người dân đến điểm vượt đường sắt có gác chắn kết hợp làm rào ngăn. Tuy nhiên, với kinh phí hiện nay không thể làm đường gom tại tất cả các đường ngang, và việc các địa phương cử người cảnh giới tại các điểm giao cắt đường sắt, đường bộ theo chỉ đạo của Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm túc.

Từ khi có Luật Đường sắt, Chính phủ có Nghị quyết 88 về tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT, đối với bảo đảm ATGT đường sắt, thời gian đầu chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua đã vào cuộc cùng với Tổng công ty Đường sắt đẩy mạnh việc lập lại trật tự hành lang ATGT đường sắt; không để phát sinh đường ngang trái phép, nhiều nơi trong thời gian chờ xóa bỏ đường ngang trái phép, chính quyền còn bố trí người cảnh giới tại các vị trí đường ngang có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

Thế nhưng lâu dần, do thiếu nguồn lực, việc duy trì kỷ cương trật tự an toàn giao thông bị thả lỏng. Những đường ngang đã đóng bị mở lại và phát sinh nhiều đường ngang khác theo sự phát triển các khu kinh tế, dân cư mới. Trong khi đó, để xóa được 1 đường ngang dân sinh rất khó do vấp phải sự phản đối quyết liệt từ người dân sống bên đường sắt; các công ty quản lý đường sắt nhiều lần tổ chức đóng đường ngang nhưng chỉ được vài hôm là bị phá để làm lối đi, gây lãng phí và mất ATGT nghiêm trọng.

Tại buổi làm việc với Tổng công ty Đường sắt vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, trong thời gian tới, đối với các đường ngang dân sinh trái phép hiện hữu, cần phải có giải pháp quản lý, kiên quyết không để phát sinh. Vì vậy, các địa phương, đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn, loại trừ nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, để giảm thiểu tai nạn, bảo đảm ATGT đường sắt, hạ tầng đường sắt cần được đầu tư kiên cố, hiện đại. Những tai nạn đường sắt gần đây có thêm nguyên nhân của hệ thống cơ sở hạ tầng ngành đường sắt. Hiện tuyến đường sắt Bắc - Nam sử dụng khổ đường hẹp còn nhiều khu gian xung yếu có kết cấu đường ray, thanh tà vẹt, nền đường được làm hơn trăm năm trước không còn bảo đảm an toàn. Hệ thống thông tin tín hiệu cảnh báo vẫn là thủ công và lạc hậu, trong khi các điểm đường bộ, đường dân sinh giao cắt phần lớn  không có người gác chắn.