Ngăn chặn hợp thức hóa hàng lậu bằng hóa đơn tài chính

Theo daibieunhandan

Tiếp tục thực hiện công tác giám sát một số tỉnh vùng biên giới về tình hình phòng chống buôn lậu qua biên giới, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã đến làm việc với tỉnh Lạng Sơn. Thực tế cho thấy, các cơ quan chức năng cần xem xét lại các cơ chế, chính sách nhằm tránh tình trạng các đối tượng buôn lậu hợp thức hóa hàng nhập lậu thông qua việc sử dụng hóa đơn tài chính.

Ngăn chặn hợp thức hóa hàng lậu bằng hóa đơn tài chính
Hàng lậu sau khi qua biên giới được xuất hóa đơn để hợp thức hóa. Nguồn: internet

Là tỉnh miền núi có đường biên giới dài với nhiều cửa khẩu quốc gia và quốc tế, đời sống của cư dân hiện rất khó khăn do thiếu việc làm, Lạng Sơn là địa bàn rất thuận lợi cho các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu hoạt động.

Các chủ đầu nậu thường đặt mua hàng từ nước bạn, sau đó giao khoán cho các đối tượng vận chuyển từ biên giới về tận kho hàng trong nội địa bằng nhiều phương thức, như đi bộ theo các đường mòn, vận chuyển bằng xe tải, xe khách... Đặc biệt, một số đối tượng còn lợi dụng sự kiểm soát của các lực lượng chức năng đối với hàng hóa nhập khẩu theo hình thức chuyển cảng qua tuyến đường sắt quốc tế Hà Nội - Nam Ninh (Trung Quốc).

Tính từ năm 2008 đến hết tháng 6/2013, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, xử lý được 31.630 vụ, với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính gần 60 tỷ đồng và trị giá hàng hóa tịch thu là hơn 300 tỷ đồng.

Vấn đề nổi lên trong công tác phòng, chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là tình trạng hàng lậu có thể được hợp thức hóa bằng hóa đơn chứng từ. Bởi Thông tư 60 liên tịch của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Công an quy định, hàng hóa nhập khẩu mua lại của các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh thì chỉ cần có hóa đơn bán hàng của bên bán; hàng hóa nhập khẩu mua lại của các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh chỉ cần có hóa đơn bán hàng của bên bán, và có thể xuất trình hóa đơn của lô hàng trong vòng 72 giờ (khoản 2, Điều 6). Trong khi, cơ quan thuế lại chưa quy định về việc ghi hóa đơn phải ghi theo tên nhãn hàng hóa được quy định tại Nghị định số 89 của Chính phủ. Vì vậy, lực lượng hải quan không có cơ sở để đối chiếu và phân loại hàng hóa.

Đối tượng buôn lậu hiện đang lợi dụng triệt để sự thiếu chặt chẽ của quy định này. Hầu hết hàng lậu sau khi lọt qua biên giới đã được một số hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn các huyện biên giới như Văn Lãng, Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn (Lạng Sơn) xuất hóa đơn để hợp thức hóa và ngang nhiên vận chuyển về các địa phương khác tiêu thụ. Điều đó đã gây nhiều khó khăn, trở ngại cho các lực lượng chức năng trong việc xử lý và tịch thu số hàng này.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, vào giờ cao điểm, giá trị lượng hàng lậu được hợp thức hóa bằng hóa đơn chứng từ có khi lên đến hàng chục tỷ đồng/ngày. Các lực lượng chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra, truy xét và xác minh ngược lại đối với người xuất hóa đơn bán hàng; kết quả, gần như 100% các lô hàng hóa xuất bán đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

Bên cạnh đó, các quy định về việc cấp và quản lý hóa đơn bán hàng cho các hộ kinh doanh còn thiếu chặt chẽ và chưa có chế tài xử lý. Các hộ kinh doanh đã tùy tiện phát hành hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng lậu. Không chỉ vậy, nhiều hộ kinh doanh còn để cho các đối tượng buôn lậu sử dụng quyển hóa đơn của mình, tự viết và phát hành hoặc xuất khống hóa đơn để thu tiền theo từng lô hàng hoặc theo tỷ lệ %. Nhiều mặt hàng lậu không chỉ được hợp thức hóa mà còn được ghi giá thấp hơn, chỉ bằng 10 - 30% so với giá thực tế trên thị trường.

Để tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu qua biên giới, lực lượng hải quan tỉnh Lạng Sơn đề nghị, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm xem xét sửa đổi khoản 2, điều 6 của Thông tư 60 theo hướng: các tổ chức, cá nhân khi mua bán, vận chuyển hàng hóa nhập khẩu ra khỏi khu vực biên giới vì mục đích kinh doanh thì người bán phải đem bản gốc hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của lô hàng và hóa đơn xuất bán. Các giấy tờ này phải được Chi cục Hải quan hoặc Đội Quản lý thị trường phụ trách địa bàn đó kiểm tra, xác nhận.