Dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương nhiều nước châu Á đang hết dần

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Trong tuần này, ngân hàng trung ương nhiều nước bao gồm Indonesia, Hàn Quốc và New Zealand dự kiến sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp hiện tại.

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Tình trạng lây nhiễm Covid-19 tăng mạnh và tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 chậm chạp đang “thử thách” các ngân hàng trung ương tại châu Á về khả năng đưa ra các chính sách hỗ trợ với những nền kinh tế mà cho đến gần đây vẫn là “điểm sáng” của quá trình phục hồi kinh tế hàng đầu. 

Theo Bloomberg, ở hiện tại khi mà lãi suất vốn đã ở mức thấp, phản ứng chính sách chủ yếu vốn sẽ tập trung vào vay nợ của chính phủ, điều chỉnh vị thế hỗ trợ của ngân hàng trung ương. Trong tuần này, ngân hàng trung ương nhiều nước bao gồm Indonesia, Hàn Quốc và New Zealand dự kiến sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp hiện tại. 

“Trong quan điểm của tôi, không còn nhiều dư địa để ngân hàng trung ương các nước trong khu vực nới lỏng chính sách tiền tệ, ít nhất xét đến các công cụ chính sách truyền thống như giảm lãi suất. Tôi cho rằng chính sách tài khóa bổ sung sẽ giữ vai trò quan trọng trong hỗ trợ các nền kinh tế”, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại ngân hàng Scotia - ông Tuuli McCully nhấn mạnh.

Tại Indonesia, Bộ trưởng Tài chính nước này cũng đã đề xuất có thêm chương trình giảm thuế để thúc đẩy hoạt động kinh tế, đồng thời duy trì kế hoạch phát hành trái phiếu quy mô ròng 84 tỷ USD trong năm nay ngay cả khi mà chi phí lãi vay tăng cao. Ngân hàng Trung ương Indonesia dự kiến sẽ duy trì lãi suất không đổi trong ngày thứ Ba.

Kinh tế Hàn Quốc hiện đang được hỗ trợ bởi xuất khẩu phục hồi dù rằng các biện pháp giãn cách xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng người dân, chính phủ Hàn Quốc vì vậy buộc phải cam kết đưa ra thêm hỗ trợ tài khóa nhằm tạo việc làm. Trong buổi họp chính sách ngày thứ Năm tuần này, dự kiến NHTW Hàn Quốc cũng sẽ không thay đổi chính sách.

Kinh tế New Zealand vẫn tiếp tục hồi phục trong bối cảnh số lượng ca nhiễm mới Covid-19 giảm. Vào cuối năm ngoái, kinh tế New Zealand từng suy giảm. Ngân hàng dự trữ New Zealand nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục duy trì chính sách ở mức ổn định sau khi vào tuần trước, chính phủ New Zealand dự kiến sẽ tăng tiền phúc lợi lên mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ trong nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. 

Ấn Độ hiện đang là một trong những nước tâm dịch lớn của thế giới. Nhiều nước khác như Singapore từng kiểm soát dịch rất tốt giờ cũng đang chật vật với tình trạng lây nhiễm Covid-19 tăng cao. Nhật Bản cũng đang khó khăn khi số lượng ca lây nhiễm Covid-19 tăng; ngay cả tại Trung Quốc, số lượng các ca lây nhiễm tăng.

Khu vực này cũng đang tụt lại nếu xét đến quá trình triển khai tiêm vắc xin Covid-19. Singapore mới chỉ tiêm được vắc xin Covid-19 cho khoảng 30% dân số, sau đó đến Trung Quốc là 15% dân số, các nước khác thậm chí có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 còn thấp hơn.

Trưởng bộ phận nghiên cứu về thị trường mới nổi tại ngân hàng Deustche Bank, ông Sameer Goel, nhận xét: “Quá trình tiêm vắc xin Covid-19 tại nhiều nước châu Á diễn ra quá chậm chạp đang kéo lùi tăng trưởng kinh tế của các nước này. Chiến lược chống dịch truyền thống là theo dấu, xét nghiệm nhanh và giãn cách xã hội dường như đang không thích ứng được với việc số lượng các ca nhiễm Covid-19 tăng cao trong thời gian gần đây”.

Nhiều ngân hàng trung ương khác tại châu Á đang hỗ trợ cho chính sách tài khóa tại nước họ. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật – ông Haruhiko Kuroda trong tuần trước cho biết ông sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, trong đó có bao gồm chương trình kiểm soát đường cong lợi suất và giữ lợi suất trái phiếu chính phủ thấp để bổ sung chi tiêu tài khóa.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn tiếp tục hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp, cùng lúc đó theo dõi chặt chẽ tác động từ gói kích cầu kinh tế của nước này.