Nhiều địa phương “vào cuộc” truy quét sữa, thực phẩm chức năng giả
Trước tình trạng sữa giả, thực phẩm chức năng giả xuất hiện tại nhiều địa phương, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã khẩn trương "vào cuộc", tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng.

Thời gian qua, Bộ Công an, các cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện, điều tra các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả với quy mô lớn, trong thời gian dài, gây dư luận bức xúc trong nhân dân.
Đơn cử như vụ việc ngày 10/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt nhiều đối tượng trong đường dây sản xuất sữa giả tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột và hơn 26.000 lon sữa.
Cũng trong tháng 4/2025, Công an Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả với quy mô lớn. Bước đầu đã thu giữ 21 loại tân dược, thuốc chữa xương khớp giả; bắt giữ 14 nghi phạm về tội 'sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh. Từ năm 2021 đến khi bị bắt, các đối tượng đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền thu lời bất chính ước tính gần 200 tỷ đồng.
Trước tình trạng sữa, thực phẩm chức năng giả xuất hiện, tại nhiều địa phương, lực lượng QLTT đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng.
Tại Quảng Ninh, Sở Công Thương đã chỉ đạo lực lượng QLTT đẩy mạnh kiểm tra, rà soát toàn diện thị trường sữa và thực phẩm chức năng trên toàn địa bàn.
Qua thống kê từ Sở Công Thương Quảng Ninh, hiện tỉnh có 133 chợ, 26 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, 384 cửa hàng tiện lợi và khoảng 24.000 cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ thực phẩm.
Ngay sau khi xuất hiện thông tin về hàng giả trên thị trường, lực lượng QLTT đã nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm tra trên diện rộng các điểm kinh doanh có dấu hiệu vi phạm.
Ông Lê Trọng Niệm - Phó Đội trưởng Đội QLTT số 5 (Chi cục QLTT Quảng Ninh) cho biết, Đội đã phát hiện, xử lý 2 vụ vi phạm liên quan đến nguồn gốc xuất xứ sữa, trong đó có những thương hiệu được tiêu thụ phổ biến trên thị trường.
"Chúng tôi đã thành lập 4 tổ công tác thường trực 24/24h, kiểm tra, kiểm soát tại các điểm nóng và các cơ sở kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng", ông Niệm nhấn mạnh.
Bên cạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức ký cam kết với các cửa hàng kinh doanh, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi như buôn bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định ghi nhãn, hàng nhập lậu.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ninh chưa ghi nhận trường hợp sữa bột giả nào được phát hiện lưu hành trên địa bàn. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan thường xuyên duy trì các hoạt động giám sát tình hình thị trường.
Tại Lạng Sơn, cuối tháng 4/2025, Chi cục QLTT đã ban hành Kế hoạch tăng cường kiểm tra, hậu kiểm thực phẩm giả, kém chất lượng.
Thực hiện Kế hoạch này, các Đội QLTT đã tổ chức rà soát địa bàn, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, hậu kiểm, đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, kinh doanh online như chào bán hàng qua trang mạng xã hội zalo, facebook... đặc biệt là cơ sở kinh doanh mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra đã thực hiện ký cam kết với các cơ sở kinh doanh không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng hóa phải có đầy đủ hóa đơn chứng từ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng theo quy định của pháp luật, không quảng cáo, trưng bày hàng hóa chưa có công bố chất lượng sản phẩm, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng trên địa bàn tránh mua phải thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, hàng hóa kém chất lượng.
Mới đây nhất, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn chỉ đạo về việc tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Trong đó, UBND Thành phố yêu cầu Sở Công Thương (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố) chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất, buôn bán, kinh doanh thực phẩm chức năng, sữa, sản phẩm dinh dưỡng trên địa bàn.
Trước đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương rà soát, kiểm tra toàn diện với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.