Báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC):

Nhu cầu đầu tư vàng trên thế giới tăng gấp đôi, Việt Nam là ngoại lệ

Hương Dịu

Báo cáo về xu hướng nhu cầu vàng quý I/2025 của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy tổng nhu cầu vàng theo quý là 1.206 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh giá vàng cao kỷ lục, vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce.

Lý giải nguyên nhân, báo cáo cho rằng, sự phục hồi của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng đã thúc đẩy tổng nhu cầu đầu tư tăng hơn gấp đôi lên 552 tấn, tăng 170% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất kể từ quý I/2022.

Sự không chắc chắn về chính sách thuế quan đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng như một tài sản tích trữ an toàn.

Hơn nữa, các ngân hàng Trung ương bước vào năm thứ 16 liên tiếp duy trì mua ròng vàng, bổ sung thêm 244 tấn vào lượng vàng dự trữ toàn cầu trong quý I/2025 trong bối cảnh bất ổn toàn cầu đang diễn ra.

Theo WGC, mặc dù mức cầu vàng này thấp hơn 21% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn cho thấy nhu cầu mạnh mẽ ứng với hoạt động mua vào ổn định ở mức trung bình theo quý trong 3 năm qua.

Theo chuyên gia của WGC, nhu cầu đối với vàng trang sức có thể còn yếu do giá vàng cao. Ảnh minh hoạ: H.Dịu.
Theo chuyên gia của WGC, nhu cầu đối với vàng trang sức có thể còn yếu do giá vàng cao. Ảnh minh hoạ: H.Dịu.

Ông Shaokai Fan - Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại WGC nhận định, trong bối cảnh gia tăng rủi ro kinh tế và địa chính trị, nhu cầu đầu tư vào vàng dự kiến ​​sẽ tăng trong các kênh đầu tư như quỹ ETF và phi tập trung (OTC), trong khi đầu tư vàng miếng và vàng xu có thể vẫn giữ được sức hấp dẫn.

Theo thống kê của WGC, tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, duy trì ở mức cao với 325 tấn trong quý I/2025.

Nhưng Việt Nam là trường hợp ngoại lệ, nhu cầu đầu tư vàng giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo của WGC cho rằng do nguồn cung các sản phẩm từ vàng bị hạn chế, đẩy chênh lệch giá vàng lên mức cao, trên cơ sở quý I/2024 có mức đầu tư vàng cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Tuy nhiên, Việt Nam ghi nhận nhu cầu vàng miếng và vàng xu tăng 46% so với quý IV/2024.

Về đầu tư vàng trang sức, theo WGC, với mức giá vàng lên cao kỷ lục trong quý I/2025 thì nhu cầu về vàng trang sức bị ảnh hưởng tiêu cực. Khối lượng giao dịch vàng trang sức giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, nhưng vẫn giữ được sự ổn định, nhất là về giá trị.

Trong quý I/2025, chi tiêu của người tiêu dùng cho vàng trang sức đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 35 tỷ USD, ngoại trừ Trung Quốc.

Dù Việt Nam ghi nhận tiêu thụ vàng trang sức tăng 5% so với quý IV/2024, nhưng nhu cầu vàng trang sức vẫn giảm 15% so với cùng kỳ năm trước do giá vàng cao.

Nhu cầu về vàng trong lĩnh vực công nghệ cũng không thay đổi, ở mức 80 tấn, so với quý I/2024. 

Tính đến phiên giao dịch sáng 5/5/2025 theo giờ Việt Nam, trên sàn Kitco, giá vàng đang ở quanh mức 3.256 USD/ounce, giảm so với mức kỷ lục gần 3.500 USD/ounce đạt được vào ngày 22/4/2025. Giá vàng thế giới đã giao dịch trên mức 3.000 USD/ounce kể từ giữa tháng 3/2025.

Với thị trường vàng trong nước, giá vàng miếng SJC đang được các doanh nghiệp lớn như SJC, PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 117,8-119,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,5 triệu đồng mỗi lượng ở cả hai chiều so với trước kỳ nghỉ lễ 30/4.

Quy đổi theo tỷ giá USD/VND, giá vàng thế giới tương đương 103 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Giá vàng SJC trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới lên tới gần 17 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn tại DOJI được niêm yết ở mức 112,5-115,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn và vàng miếng Vàng Rồng Thăng Long ở mức 116-119 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)... 

 

Bà Louise Street - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại WGC, cho biết, trong 10 tháng qua, các nhà đầu tư đã quay lại đầu tư vào các quỹ ETF vàng, tăng mạnh phân bổ đầu tư kể từ quý III/2024. Tính đến tháng 4/2025, dòng vốn chảy vào các quỹ ETF từ khu vực châu Á đã vượt qua tổng dòng vốn của cả quý I/2025.

Tuy nhiên, theo bà Louise Street, thị trường vẫn còn dư địa để tăng trưởng, khi lượng vàng nắm giữ của các quỹ này trên toàn cầu hiện thấp hơn 10% so với mức cao được ghi nhận vào năm 2020.

Bà Louise Street nhận định, trong thời gian tới, bức tranh kinh tế tổng thể vẫn khó dự đoán. Sự không chắc chắn này có thể thúc đẩy giá vàng tăng. Khi thời kỳ đầy biến động vẫn đang tiếp diễn, nhu cầu tìm đến vàng như một tài sản lưu trữ an toàn từ các tổ chức, cá nhân và khu vực chính thức có thể tăng cao trong những tháng tới.