Làn sóng phá sản trong ngành hàng không thế giới

Theo Phương Thảo/qdnd.vn

Mùa hè thông thường vẫn là mùa phát triển sôi động của ngành hàng không và du lịch thế giới, khi nhu cầu đi lại, nghỉ dưỡng tăng đột biến. Tuy nhiên, năm 2021 chứng kiến một mùa hè không kém phần ảm đạm so với năm 2020, trong bối cảnh ngành hàng không toàn cầu vẫn tiếp tục hứng chịu tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19.

Hãng Hàng không quốc gia Philippines nằm trong số những hãng hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Ảnh: Shutterstock
Hãng Hàng không quốc gia Philippines nằm trong số những hãng hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Ảnh: Shutterstock

Trước đại dịch COVID-19, thế giới chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không-một ngành có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn đối với các vấn đề an ninh, quân sự và chủ quyền quốc gia. Với khoảng 65,6 triệu việc làm được tạo ra trong ngành hàng không thế giới, khi đại dịch bùng nổ, hàng không nhanh chóng trở thành lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất. Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), năm 2020, lượng khách quốc tế và nội địa lần lượt giảm 1,38 tỷ và 1,32 tỷ hành khách, giảm 74% và 50% so với năm 2019 và làm sụt giảm doanh thu tương ứng với 250 tỷ và 120 tỷ USD. Năm 2021, khi làn sóng biến thể Delta tiếp tục càn quét nhiều nước trên thế giới, hy vọng vào sự phục hồi của ngành hàng không thế giới cũng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. ICAO nhận định, 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng ghế cung ứng của ngành hàng không giảm 42-47%, sản lượng khách vận chuyển giảm 47-57% và doanh thu ước tính giảm 156-181 tỷ USD so với năm 2019.

Đại dịch COVID-19 đã khiến ngành hàng không thế giới lâm vào khủng hoảng toàn diện khi các hãng buộc phải ngừng các chuyến bay, trong khi vẫn phải tiếp tục chi trả cho việc duy tu bảo dưỡng máy bay, bến bãi, nhân sự..., cùng các khoản vay khổng lồ khi mua mới hoặc thuê lại các máy bay chở khách từ trước đó.

Theo Bloomberg, đầu tháng 9-2021, Philippines Airlines-hãng hàng không lâu đời nhất châu Á-đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Được thành lập từ năm 1941, từng có thời kỳ phát triển rực rỡ, đến nay, Philippines Airlines của tỷ phú Lucio Tan đã trải qua nhiều nỗ lực nhằm tìm cách tái cơ cấu các khoản nợ với hy vọng có thể tiếp tục duy trì hoạt động.

Trước Philippines Airlines, đã có hơn 20 hãng hàng không trên toàn cầu tuyên bố phá sản hoặc phải dừng hoạt động vĩnh viễn, trong đó có những tên tuổi, như: Thai Airways (Thái Lan), Virgin Australia (Úc), AirAsia Japan (Nhật Bản), Norwegian Air (Na Uy), Cathay Dragon (Hong Kong)...

Đầu mùa hè năm nay, khi làn sóng COVID-19 tạm lắng, tưởng chừng như hàng không Mỹ có cơ hội phục hồi khả quan, khi lượng khách đi máy bay đạt 80% so với trước đại dịch. Song hy vọng phục hồi đã nhanh chóng bị dập tắt, khi số ca nhiễm COVID-19 mới ở Mỹ tăng nhanh kể từ tháng 8, khiến hành khách đồng loạt hủy chuyến, còn các nhà đầu tư thì hoảng sợ. Ngay lập tức, giá cổ phiếu của các hãng hàng không Mỹ sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2-2021. Nhiều hãng bay Mỹ đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng nề trong quý III.  

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với ngành hàng không Trung Quốc, trong bối cảnh nước này vẫn tiếp tục siết chặt các biện pháp chống dịch sau một thời gian dài dịch bệnh được khống chế bỗng bùng phát trở lại từ hồi tháng 6.

Tại Australia và New Zealand, nhiều khu vực ở các quốc gia này tiếp tục bị phong tỏa trong nỗ lực phòng, chống sự lây lan của biến thể Delta. Hãng hàng không Qantas Airways của Australia đã phải cắt giảm thêm 2.500 nhân sự, nâng tổng số nhân viên bị hãng này cắt giảm lên con số 9.500 người. Hoạt động bay nội địa của hãng trong tháng 7 giảm từ mức 90% so với trước đại dịch xuống còn chưa đầy 40%.

Riêng khu vực Đông Nam Á, vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng biến thể Delta, hoạt động vận tải hành khách đường không hiện gần như tê liệt, trừ rất ít chuyến bay hồi hương công dân hay vận chuyển lực lượng và thiết bị y tế phòng, chống dịch.

Trong bối cảnh đó, châu Âu đang trở thành một điểm sáng hiếm hoi trên thị trường hàng không toàn cầu, khi tỷ lệ tiêm phủ vaccine ở nhiều nước châu Âu đã đạt mức khá cao. Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cảnh báo, hiện các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chưa có sự thống nhất về các quy định kiểm soát COVID-19 với du khách quốc tế. Bất cập này không chỉ làm du khách và doanh nghiệp du lịch lúng túng mà còn khiến cho những lợi ích, sự thuận tiện và phục hồi kinh tế đều không đạt được như kỳ vọng.

Ước tính, để vượt qua được cơn khủng hoảng do tác động của đại dịch COVID-19, các hãng hàng không cần 250 tỷ USD hỗ trợ từ các chính phủ. Một số quốc gia như: Pháp, Hà Lan, Singapore... đã đưa ra các gói hỗ trợ hãng hàng không, theo đó, chính phủ sẽ bảo lãnh cho vay và trực tiếp cho vay. Song để ngành hàng không thế giới có thể phục hồi, chắc chắn cần không ít thời gian và nỗ lực, đặc biệt còn phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tiêm phủ vaccine ngừa COVID-19 cho người dân trên toàn thế giới.