Malaysia chịu nhiều thiệt hại kinh tế khi chuẩn bị phong tỏa toàn quốc vì Covid-19

Theo Nhật Đăng/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Malaysia hiện đang đương đầu với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3 hiện đã đẩy hệ thống y tế của nước này đến bên bờ vực sụp đổ.

Ảnh: Nikkei
Ảnh: Nikkei

Malaysia sẽ chính thức phong tỏa toàn quốc từ ngày 1/6/2021 nhằm ngăn tình trạng lây nhiễm Covid-19 tăng cao tại nước này, theo chia sẻ của Thủ tướng Malaysia – ông Muhyiddin Yassin công bố mới đây.

Tất cả các hoạt động kinh tế và xã hội tại Malaysia sẽ bị đóng cửa trong vòng 2 tuần, nếu số ca lây nhiễm Covid-19 giảm, quy định phong tỏa sẽ có thể được nới lỏng dần dần trong các giai đoạn tiếp theo.

Malaysia hiện vốn đang trong tình trạng khẩn cấp được tuyên bố từ tháng 1/2021. Đến tháng 5/2021, quy định về kiểm soát hoạt động của người dân tiếp tục được công bố. 

Tuy nhiên, khi Thủ tướng Muhyiddin thông báo về quy định gần như phong tỏa đó, ông từng nói rõ rằng tất cả các hoạt động kinh tế vẫn được duy trì dù rằng chính phủ Malaysia cấm tụ tập, ăn uống trong các nhà hàng và đi lại giữa các bang.

Malaysia hiện đang đương đầu với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3 hiện đã đẩy hệ thống y tế của nước này đến bên bờ vực sụp đổ. Tính từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu cho đến nay, ước này đã có hơn 550.000 ca lây nhiễm Covid-19 và hiện đang còn 75.823 người đang dương tính. 2.552 người Malaysia đã thiệt mạng vì virus corona.

“Khi mà số lượng các ca lây nhiễm hàng ngày có xu thế tăng, năng lực chữa trị của các bệnh viện khắp Malaysia giảm dần”, văn phòng Thủ tướng ra tuyên bố.

Các  chuyên gia y tế dự báo số lượng các ca tử vong vì Covid-19 sẽ vẫn tăng cùng với sự lây nhiễm của virus, đặc biệt chủng của châu Phi và chủng của Ấn Độ.

Kinh tế Malaysia tăng trưởng âm 5,6% trong năm 2020 và 0,5% trong quý đầu của năm nay, Chính phủ của ông Muhyiddin hiện đang cố gắng đương đầu với tình trạng thâm hụt tà khóa ước tính lên đến 6% GDP trong năm nay. Thâm hụt này có nguyên nhân trực tiếp từ việc chính phủ phải đưa ra gói kích thích kinh tế quy mô đến 340 tỷ ringgit, tức khoảng 82 tỷ USD để làm dịu tác động từ khủng hoảng tính từ tháng 3/2020.

Chính phủ sẽ có thêm gói hỗ trợ tài chính cho những người chịu ảnh hưởng bởi đợt đóng cửa hoạt động kinh tế gần nhất.

Hiện nay, Chính phủ nhiều nước Đông Nam Á đang cố gắng tăng nguồn thu từ thuế doanh nghiệp khi mà họ đang phải đương đầu với tình trạng ngân sách thâm hụt ngân sách do tình hình đại dịch Covid-19.

Theo báo Nikkei, cụ thể, giới chức ngành Thuế nhiều nước Đông Nam Á đang đẩy nhanh các quá trình điều tra, đồng thời áp dụng quy định chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, ví như rút ngắn thời hạn nộp hồ sơ thuế.

Xu thế này chắc chắn khiến cho nhiều công ty đa quốc gia trong khu vực phải lo lắng, họ có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của các biện pháp thuế mới.

Đầu năm 2021, nhiều công ty Nhật hoạt động tại Malaysia và Thái Lan đã nhận được đề nghị từ cơ quan thuế liên quan đến hồ sơ thuế của họ trong vài năm trở lại đây.

Các văn phòng của công ty kiểm toán thuế toàn cầu Deloitte nhận được đề nghị hỗ trợ từ phía các công ty Nhật cao gấp 3 lần so với trước đại dịch Covid-19.

Theo giám đốc phụ trách các vấn đề liên quan đến chuyển giá khu vực Đông Nam Á tại Deloitte Singapore, ông Jun Igarashi, chính phủ các nước trong khu vực đang đẩy mạnh thực hiện các sáng kiến đánh thuế chống chuyển giá, các sáng kiến này tập trung vào các giao dịch giữa trụ sở các công ty Nhật và các đơn vị thành viên trong khu vực Đông Nam Á.

Ví dụ trong trường hợp nếu một công ty thành viên bán hàng cho công ty mẹ ở mức giá thấp hơn nhiều so với giá hàng bán cho một công ty ngoài, sẽ có thêm thuế bị tính nếu giới chức thuế địa phương kết luận rằng chênh lệch giá này chính là cách để chuyển lợi nhuận.

Trong năm 2020 và năm 2021, Việt Nam và Malaysia đã thay đổi nguyên tắc tính giá nhằm thu được thêm thuế từ các giao dịch này. Họ đã bắt đầu yêu cầu doanh nghiệp nộp hồ sơ chuyển giá trong giai đoạn ngắn nhất theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế  (OECD), tỷ lệ thuế doanh nghiệp trong tổng doanh thu thuế của các nước thành viên OECD trong năm tài khóa 2018 là 10%; tỷ lệ này với Nhật trên 10%. Tuy nhiên, tỷ lệ này tại Malaysia và Indonesia lần lượt gần 50% và gần 30%.

Động thái muốn thu thêm thuế liên quan đến chuyển giá tại Đông Nam Á cho thấy rằng chính phủ các nước đang cố gắng muốn thu thêm thuế từ doanh nghiệp nhằm có tiền chi tiêu thêm nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, theo chuyên gia thuế địa phương.