Thị trường dầu thô thế giới năm 2012 và triển vọng 2013

Hồng Vân

(Tài chính) Năm 2013 được dự kiến là năm chấm dứt suy thoái kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, thế giới vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất ổn như gánh nặng nợ công chồng chất tại khu vực đồng Euro, tăng trưởng kinh tế chưa "rõ nét" tại một số nước… và theo OPEC dự kiến thì những yếu tố trên sẽ khiến thị trường dầu mỏ thế giới trong năm 2013 vẫn bị “suy giảm nhẹ”.

Giá giảm trong năm 2012
Giá dầu thô thế giới đã có nhiều biến động mạnh trong năm 2012, nhất là nửa đầu năm 2012. Giá dầu thô trên thị trường thế giới trong giai đoạn 3 tháng đầu năm nay chủ yếu có xu hướng tăng và giữ ở mức cao do các quốc gia cung dầu lớn nhất thế giới đang siết chặt sản lượng, việc Mỹ và EU mạnh tay tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với Iran (do quốc gia này bị cáo buộc đang đẩy mạnh nghiên cứu vũ khí hạt nhân), đã làm xuất hiện lo ngại nguồn cung dầu thô cho thị trường thế giới bị thiếu hụt, khuyến khích hoạt động đầu cơ.

Tuy nhiên, từ tháng 4 đến tháng 6/2012, giá dầu chủ yếu theo xu hướng giảm mạnh do ảnh hưởng từ việc tăng trưởng yếu kém của Mỹ, Trung Quốc (là những nước sử dụng dầu thô nhiều nhất thế giới) cũng như việc Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tiếp bước Hy Lạp để nhận gói cứu trợ từ liên minh châu Âu làm dấy lên lo ngại về đà phục hồi của kinh tế thế giới, dẫn đến nhu cầu về dầu thô sụt giảm.

Theo báo cáo hàng tháng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, giá dầu tại các nước OPEC giảm từ mức trung bình 118,18 USD/thùng trong tháng 4 xuống 108,07 USD/thùng trong tháng 5, mức suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2008; giá dầu WTI giảm từ mức trung bình 103,35 USD/thùng trong tháng 4 xuống 94,45 USD/thùng trong tháng 5 và 85,04 USD/thùng trong tháng 6; dầu thô Brent giảm từ 119,71 USD/thùng trong tháng 4 xuống 110,27 USD/thùng trong tháng 5 và 94,17 USD/thùng trong tháng 6.

Bước sang quý III/2012, giá dầu bắt đầu hồi phục và có biến động hẹp trong quý IV/2012. Giá dầu tăng giá kể từ cuối tháng 6 do nhiều nguyên nhân như việc cấm vận xuất khẩu dầu thô của Iran bắt đầu có hiệu lực từ 1/7, các hoạt động đầu cơ, hạn chế nguồn cung ở Biển Bắc, sụt giảm trong tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ, hy vọng về gói kích thích kinh tế từ các ngân hàng trung ương và yếu tố địa chính trị bất ổn ở Trung Đông.

Tất cả những yếu tố trên cùng hy vọng các quan chức Mỹ đạt được thỏa thuận về ngân sách vào những thời điểm cuối cùng của năm 2012 đã phần nào giúp giá dầu thô không bị mất giá quá mạnh trong năm 2012. Chốt phiên giao dịch ngày 31/12/2012, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 2/2013 đã lên mức 91,82 USD/thùng. Như vậy, tính toàn bộ năm giao dịch 2012, giá dầu giảm tới 7,1%.

Đây là năm đầu tiên giá dầu kỳ hạn suy giảm kể từ năm 2008, thời điểm các thị trường hàng hóa chịu tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo giới phân tích, năm 2012, thị trường năng lượng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố kinh tế không rõ ràng. Trong đó, yếu tố tác động mạnh nhất lên thị trường năng lượng thế giới vẫn chủ yếu là vấn đề cung cầu.

Trong năm, giá dầu thô giao ngay đã đạt mức đỉnh của năm 2012 là 109,39 USD/thùng vào ngày 24/2 và sau đó giảm xuống mức thấp nhất của năm là 77,72 USD/thùng vào hôm 28/6. Còn dầu Brent đạt đỉnh 128,14 USD/thùng hôm 13/3 và sau đó cũng giảm xuống mức đáy 88,69 USD/thùng vào này 25/6.

Giá dầu thế giới năm 2012


Thị trường dầu thô thế giới năm 2012 và triển vọng 2013 - Ảnh 1
Nguồn: http://www.marketwatch.com
Dự báo năm 2013
Theo báo cáo tổng quan về thị trường dầu thế giới tháng 12/2012 của OPEC, kinh tế thế giới đã trải qua một năm suy thoái nữa song đã có một vài tín hiệu chứng tỏ sự hồi phục trong nửa cuối năm.

Những yếu tố hỗ trợ chính đến từ sự cải thiện của nền kinh tế Mỹ với những bước tiến trên  các thị trường lao động và bất động sản. Kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu hồi sức… Nhờ đó, năm 2013 được dự kiến là năm chấm dứt suy thoái kinh tế toàn cầu, với tỷ lệ tăng trưởng sẽ là 3,2%, so với mức 3% trong năm 2012.

Tuy nhiên, thế giới vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất ổn như gánh nặng nợ công chồng chất tại khu vực đồng Euro, tăng trưởng kinh tế chưa "rõ nét" tại một số nước… và theo OPEC dự kiến thì những yếu tố trên sẽ khiến thị trường dầu mỏ thế giới trong năm 2013 vẫn bị “suy giảm nhẹ”.

Dự báo về nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong thời gian tới, OPEC đưa ra nhận định, về lâu dài trong vài năm tới, nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tiếp tục tăng, nhưng trong khoảng thời gian ngắn hạn trước mắt, như trong quý đầu hoặc thậm chí là 6 tháng đầu năm 2013, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng xấu, do hậu quả kéo theo từ việc nền kinh tế của các quốc gia phương Tây và Trung Quốc vẫn đang trên đà chậm phục hồi hoặc suy giảm trong năm 2012.

Cùng chung quan điểm trên, trong báo cáo tháng 12/2012, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cho rằng mức tăng giá vẫn hạn chế do tăng trưởng kinh tế chậm chạp. Theo đó, nhu cầu dầu thế giới năm 2013 dự kiến tăng 110.000 thùng lên 90,5 triệu thùng/ngày; nhu cầu của thế giới đối với dầu OPEC ở mức 29,9 triệu thùng/ngày. Trong khi đó sản lượng dầu các nước ngoài OPEC lại đang trên đà tăng mạnh nhất kể từ năm 2010. Lượng cung của các nước ngoài OPEC là 54,2 triệu thùng/ngày (tăng 70.000 thùng/ngày so với dự đoán trước; Năm 2012, sản lượng dầu Mỹ tăng 760.000 thùng/ngày, mức cao nhất 15 năm khi công cuộc khai thác dầu từ đá phiến sét bùng nổ. Sản lượng dầu Nga tăng 60.000 thùng/ngày lên kỷ lục 10,9 triệu thùng/ngày trong 3 tháng cuối năm 2012).

Như vậy, nhiều khả năng giá dầu thô thế giới trong năm 2013 sẽ tiếp tục dao động ở mức tương đương năm 2012.