Diễn đàn kinh tế thế giới 44: Nóng vấn đề tăng trưởng, môi trường

Theo baodatviet.vn

(Tài chính) Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 44 đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ với sự tham dự của 2.500 đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Diễn đàn kinh tế thế giới 44: Nóng vấn đề tăng trưởng, môi trường
Diễn đàn WEF 44 diễn ra từ ngày 22 đến 25/1, với 2.500 đại biểu. Nguồn: internet
Theo dự kiến, ngày 24/1, đại diện cho Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ tham dự với tư cách là diễn giả tại phiên họp về chủ đề Tái định hình ASEAN và các tác động đối với tăng trưởng tại Đông Á; tham dự Phiên họp hẹp (IGWEL) giữa các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới. Ngoài ra, đoàn Việt Nam còn tham dự nhiều phiên họp chính thức và bán chính thức ngay sau phiên khai mạc.

Tái định hình thế giới

Với chủ đề “Tái định hình thế giới: Những hệ quả về xã hội, chính trị và kinh doanh", diễn đàn năm nay tiếp nối chủ đề "Năng động để thích ứng" với khả năng phục hồi của năm trước đó. Tại diễn đàn này, các chuyên gia đã liệt kê ra những rủi ro có thể ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2014, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề biến đổi khí hậu. Thời tiết trở thành yếu tố lớn tác động đến sản xuất nông nghiệp, và thậm chí các lĩnh vực nhiên liệu-năng lượng, giao thông vận tải và hạ tầng đô thị. Con số thiệt hại kinh tế do hạn hán, lũ lụt, bão gây nên ước tính hàng nghìn tỷ đô la.

Theo ước tính, hàng năm suy thoái - như một biểu hiện tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, làm nền kinh tế thế giới tổn thất 1,5 % GDP hay 1,2 ngàn tỷ USD. Đến năm 2030, con số này có thể tăng gấp đôi. Đối với các nước nghèo nhất thế giới, con số thiệt hại thậm chí chiếm tới 11% GDP.

Ở các nước Trung Á, nhiệt độ trung bình tăng 1,5 độ C đe dọa năng suất vụ mùa thấp và gây thiệt hại cho nông nghiệp. Lợi nhuận của ngành có thể giảm gần một nửa, làm lung lay nền kinh tế khu vực vốn đã yếu. Các nhà bảo vệ môi trường chỉ ra dải rộng các nước lọt vào vùng rủi ro trải từ Bồ Đào Nha đến Trung Quốc, ngoài ra còn có những lãnh thổ khá rộng ở châu Phi, Mỹ Latinh...
Các chuyên gia dự WEF khuyến cáo, chính phủ các nước cần chú ý hơn đến sự phát triển cơ sở hạ tầng khu vực ven biển, xây dựng đập, kè bảo vệ các vùng bờ trước lũ lụt và xói lở. Những biện pháp như vậy sẽ không chỉ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, mà còn mang lại lợi ích bổ sung cho nền kinh tế.


Giới nghiên cứu khí hậu học kêu gọi chính quyền các nước trên thế giới bắt đầu ngay từ bây giờ chuẩn bị cho đời sống người dân trong các điều kiện môi trường mới.

Nâng dự báo tăng trưởng

Cùng thời điểm diễn ra WEF, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã công bố báo cáo nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần đầu tiên trong gần hai năm qua.

IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 3,7% vào năm 2014, cao hơn 0,1% so với con số đưa ra vào tháng 10.2013, và 3,9% năm 2015. Những tín hiệu tích cực trong quá trình hồi phục của nền kinh tế Mỹ, đặc biệt sau khi thương thảo về ngân sách được thông qua giữa Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng hồi cuối năm qua, là động lực đằng sau sự lạc quan này.

Theo báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới, các nền kinh tế tiên tiến đóng góp phần lớn vào đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh các thị trường mới nổi - vốn là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới trong giai đoạn khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu năm 2008-2011 - đang phải tái cơ cấu để đối phó với tình trạng vốn thoái lui và sức cạnh tranh giảm sút.

Trong nhóm các nền kinh tế tiên tiến, IMF dự báo trong năm 2014, Mỹ sẽ tăng trưởng 2,8%, Khu vực sử dụng đồng euro tăng 1% và Nhật Bản tăng trưởng 1,7%. Đối với các nền kinh tế mới nổi lớn nhất, IMF dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,5%, Ấn Độ tăng 5,4%, Nga tăng 2% và Brazil tăng 2,3%.

IMF dự đoán mức tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại đôi chút, ở mức 7,3% vào năm 2015. Tuy nhiên, những nền kinh tế mới nổi có vẻ sẽ nhận được nhiều thuận lợi từ tín hiệu lạc quan này, với mức tăng trưởng dự báo tăng từ 4,7% lên 5,7% năm 2014.

Tuy vậy, giới chuyên gia vẫn thận trọng với dự báo này khi cho rằng, IMF đã từng sai sót khi nhận định những dấu hiệu về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hơn 5 năm trước.