Vì đâu “cá bé mắc lưới, cá lớn tươi cười”?

Theo thongtinthuongmai.vn

(Tài chính) Tổng kết 5 năm sau khi thế giới tài chính toàn cầu chao đảo bởi cuộc khủng hoảng xuất phát từ phố Wall, người ta chợt giật mình nhận ra rằng hầu như chưa có vị "tai to mặt lớn" nào phải ngồi bóc lịch trong xà lim.

Vì đâu “cá bé mắc lưới, cá lớn tươi cười”?
Sự sụp đổ của các định chế tài chính gây ra rất nhiều tổn thất cho nền kinh tế. Nguồn: internet

Nói vậy không có nghĩa là tất cả đều nhởn nhơ thách thức pháp luật. Vẫn có án tù được tuyên cho nhiều tay môi giới thế chấp, những kẻ đã lừa dối khách hàng hoặc khuyến khích thân chủ khai man các hồ sơ vay mua nhà. Nhưng ngỡ ngàng ở chỗ, một cuộc khủng hoảng kéo cả nền kinh tế thế giới lao dốc, đẩy hàng triệu người ra đường và gieo rắc nỗi ám ảnh khổ sở tới mọi ngóc ngách của cuộc sống mà không có "đầu sỏ" nào phải trả giá. Tóm lại, chỉ có cá bé mắc lưới!

Một lý do được nhiều người nghĩ tới là các công tố viên vẫn còn e dè trước uy danh của những vị CEO dù đã hết thời nhưng vẫn được hậu thuẫn bởi đội ngũ "thày cãi" sừng sỏ. Thậm chí họ còn lo ngại rằng nếu "làm tới cùng" thì biết đâu tai bay vạ gió, thị trường tài chính đã như ngọn đèn trước gió sẽ phải hứng thêm một trận bão "nhân tạo" nữa mạnh không kém thảm họa tự nhiên. Đến ngay cả Tổng trưởng lý Eic Holder còn phải ngán ngẩm thừa nhận rằng quy mô của những ông "ngáo ộp" một thời đó quá lớn để có thể xử lý hình sự mà không gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới. 

Giới cầm quyền còn lưỡng lự như vậy thì chẳng việc gì các CEO hoành tráng ngày nào phải lo. "Đen đủi" nhất tính tới thời điểm này có lẽ chỉ là Angelo Mozilo, cựu Giám đốc điều hành của Countrywide, một trong những định chế hăng hái cho vay thế chấp nhất trong giai đoạn thị trường còn bùng nổ. Năm 2007, Bank of America đã mua lại công ty này để rồi từ đó "thu hoạch" không biết bao nhiêu là phiền toái.

Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) đã cáo buộc Mozilo các tội danh giao dịch nội gián và gian lận năm 2009. Kết quả, án tuyên Mozilo phải nộp phạt 67,5 triệu USD và bị cấm hành nghề suốt đời. Một án dân sự đơn thuần và không có yếu tố nào dính tới hai chữ "hình sự". Án vậy đã là "nặng" nhất rồi. Còn lại thì phần nhiều "vô tội" hay "thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả"... Tất thảy đều 100% dân sự.

Và rồi, nửa thập kỷ thấm thoát trôi qua, ngày hôm nay, mọi người đều có thể bắt gặp Richard Fuld (Lehman Brothers), Jimmy Cayne (Bear Steam), Stan ONeal (Merrill Lynch) hay Chuck Prince (Citigroup) thoải mái dạo bước trên phố sau khi đã từng ra tay hạ gục kinh tế thế giới. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một lần nữa có định chế hùng mạnh nào đó bất ngờ nổi hứng trải thảm mời họ về ngồi vào ghế lãnh đạo???

Nước Mỹ không hình sự hóa những quyết định kinh doanh sai lầm, kể cả khi những quyết định đó khiến doanh nghiệp điêu đứng. Sự sụp đổ của các định chế tài chính gây ra rất nhiều tổn thất cho nền kinh tế cũng không thể rút ngắn khoảng cách giữa các CEO với nhà tù, cho dù nhiều người cho rằng như vậy mới là công bằng.

Hành động thiết thực nhất mà nước Mỹ có thể làm lúc này là triển khai những công cụ cảnh báo hiệu quả để chỉ ra những rủi ro mà các định chế tài chính tại quốc gia này có thể gây ra cho nền kinh tế. Các quy định về vốn chặt chẽ hơn, giới hạn các hoạt động rủi ro ưa thích của các ngân hàng sẽ đóng vai trò nhất định trong việc tạo ra một nền kinh tế lành mạnh với hệ thống tài chính ổn định cho nhiều năm tiếp theo thay vì phải chứng kiến thêm những Richard Fuld, Jimmy Cayne… thêm bất kỳ một lần nào nữa.