Trái đắng Brexit

Theo Ngọc Khánh/daibieunhandan.vn

Thủ tướng Anh Theresa May phải nếm trái đắng vốn được báo trước, khi Hạ viện Anh ngày 15/1 bác bỏ thỏa thuận giữa London và Brussels về việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Kết quả này đẩy xứ sở sương mù vào tình thế bất ổn chính trị, khi Anh có thể sẽ phải rời EU mà không có thỏa thuận nào, trong khi bà May đối mặt với nguy cơ bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thất bại lịch sử

Với 432 phiếu chống/202 phiếu thuận, Hạ viện Anh đã phủ quyết thỏa thuận Brexit nhằm dàn xếp quá trình Anh rút khỏi EU trong năm nay. Đây được xem là thất bại nặng nề nhất mà Chính phủ Anh phải hứng chịu trong lịch sử hiện đại, khi số phiếu không ủng hộ cao hơn số phiếu ủng hộ tới 230 phiếu. Báo Guardian của Anh cho biết, trong cuộc bỏ phiếu trên, các nghị sĩ Công đảng đối lập và 118 nghị sĩ “nổi loạn” trong đảng Bảo thủ của bà May đã bỏ phiếu phủ quyết thỏa thuận Brexit.

Trước đó, hầu hết dự báo về cuộc bỏ phiếu cũng cho thấy, thỏa thuận “ly hôn” giữa Anh và EU sẽ thất bại tại Hạ viện, trong bối cảnh số nghị sĩ trong đảng cầm quyền tuyên bố không ủng hộ thỏa thuận Brexit không ngừng tăng, vượt quá con số 100. Nhằm tránh kết cục thất bại khó tránh khỏi, Thủ tướng May đã quyết định hoãn cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện vào phút chót, với hy vọng có thêm thời gian để thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận.

Các nhà phân tích cho rằng, bài học rút ra sau sự việc trên là không thể kéo dài thời gian quyết định một vấn đề hệ trọng với hy vọng giải pháp sẽ “tự nhiên” xuất hiện hoặc điều kỳ diệu xảy ra. Có thể, Thủ tướng May đã hy vọng vào cả hai điều này khi hoãn cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, vốn được lên kế hoạch tiến hành vào tháng 12/2018.

Tuy nhiên, những nỗ lực của chính quyền bà May nhằm kêu gọi sự ủng hộ dành cho thỏa thuận Brexit đã không thể làm suy chuyển quyết định của các nhà lập pháp, khi mà điều khoản gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận, liên quan đến kế hoạch nhằm tránh dựng lên đường biên giới cứng giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland (Anh) và Cộng hòa Ireland (EU), chưa được giải quyết. Nhiều nghị sĩ Anh phản đối thỏa thuận Brexit với lý do các điều khoản về Bắc Ireland sẽ ràng buộc Anh vô thời hạn và đẩy nước này vào kịch bản Brexit nửa vời.

Chính quyền bà May cũng đã hy vọng EU có thể đưa ra được đề xuất mới nhằm giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, hy vọng đã bị dập tắt khi EU khẳng định, thỏa thuận Brexit không thể đàm phán lại. Kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện cũng cho thấy quyết tâm và khả năng của các nghị sĩ Anh trong việc vận dụng mọi biện pháp của nghị viện nhằm bảo đảm Hạ viện có quyền quyết định trong tiến trình Brexit.

Sức ép từ nhiều phía

Số 10 phố Downing cho biết, trong vòng 3 ngày sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng May sẽ phải trở lại Hạ viện để trình kế hoạch B, mặc dù khả năng các nghị sĩ chấp nhận kế hoạch này vẫn còn là ẩn số. Thủ tướng May cho hay, sẽ thảo luận với các nghị sĩ cấp cao thuộc mọi chính đảng, nhằm xác định rõ yêu cầu mà các đảng đặt ra đối với thỏa thuận Brexit để nhận được sự ủng hộ của Hạ viện. Một số nghị sĩ hối thúc bà May quay trở lại Brussels tìm kiếm thỏa thuận tốt hơn.

Trong khi đó, phe đối lập đang tăng sức ép nhằm buộc Thủ tướng May phải từ chức. Lãnh đạo Công đảng đối lập ở Anh Jeremy Corbyn đã trình lên Hạ viện kiến nghị tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính quyền của Thủ tướng May, sau khi Chính phủ thất bại trong cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit.

Trước đó, bà May từng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu chính quyền của bà vượt qua đợt bỏ phiếu bất tín nhiệm mới, bà có thể sẽ tiếp tục hoạch định thỏa thuận Brexit. Ngược lại, điều đó sẽ mở đường cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn nhằm thành lập Chính phủ mới.

Chỉ 2 tháng nữa đến thời hạn ấn định Anh ra khỏi EU, ngày 29.3, bất kể hai bên có đạt được thỏa thuận hay không. Trong bối cảnh đó, Anh đang phải đối mặt với khủng hoảng chính trị lớn nhất nửa thế kỷ qua, khi chật vật tìm cách rời liên minh mà nước này gia nhập năm 1973, trong khi nội bộ chia rẽ về kế hoạch rời EU.

Trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng 6.2016, đa số cử tri Anh đã bỏ phiếu ủng hộ việc ra khỏi liên minh cờ xanh. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người đã bắt đầu hoài nghi về tương lai của Anh sau khi rời EU. Trong khi những người ủng hộ Brexit cho rằng, các đảng nước này nên tiếp tục thương lượng để có một thỏa thuận rời EU suôn sẻ thì không ít ý kiến kêu gọi tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần hai về Brexit.

Về phía EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho hay, EU cần biết Anh muốn gì; đồng thời nhấn mạnh, thời gian không còn nhiều và Anh phải quyết định nhanh chóng. Trước đó, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã công bố một văn bản cho biết, Anh có quyền đảo ngược điều khoản 50, quy định cách mà một nước thành viên muốn rời khỏi EU. Điều này có nghĩa là, Anh có thể đơn phương ngừng Brexit, rút lại thông báo muốn chia tay với khối. Thông báo của ECJ cung cấp thêm cho Anh một lựa chọn về tương lai của nước này trong EU, trong trường hợp chính quyền bà May không thể cân bằng giữa các yêu cầu của nội bộ Anh và EU.