Vàng SJC chốt một tuần tăng giá

Theo Linh Linh/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

So với chốt tuần trước, mỗi lượng vàng SJC đã tăng khoảng 350 nghìn đồng, tương đương 0,62% giá trị, đánh dấu tuần tăng giá đầu tiên trong ba tuần qua.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Khảo sát 9h45 sáng nay (26/6), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 56,5 – 57,1 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 100 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào - bán ra đang ở ngưỡng 600 nghìn đồng/lượng.

Tương tự, giá vàng Doji bán lẻ tại Hà Nội cũng tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 100 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, đang được niêm yết ở mức 56,5 – 57,05 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào bán ra tại doanh nghiệp này đang ở mức 550 nghìn đồng/lượng.

So với chốt tuần trước, mỗi lượng vàng SJC đã tăng khoảng 350 nghìn đồng, tương đương 0,62% giá trị, đánh dấu tuần tăng giá đầu tiên trong ba tuần qua.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay trên Kitco đang ở mức 1.778,1 USD/ounce, tăng 7 USD, tương đương 0,39% so với chốt phiên trước.

Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 49,6 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 6,9 triệu đồng/lượng.

Biểu đồ: Kitco    
Biểu đồ: Kitco    

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (25/6), giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 8/2021 tăng 1,1 USD/ounce tương đương gần 0,1% lên 1.777,8USD/ounce.

Theo giới phân tích, giá vàng tăng khi được hỗ trợ bởi thông tin đồng USD suy giảm trong suốt tuần qua.

“Thực sự tuần qua chứng kiến quá nhiều biến động của giá vàng do những dấu hiệu trái chiều từ quan chức của Fed liên quan đến triển vọng lạm phát”, chuyên gia phân tích tại FXTM – ông Lukman Otunuga nói với MarketWatch. 

Tuy nhiên, giá vàng vẫn có tuần tăng đầu tiên tính từ tháng 5/2021 bởi nhà đầu tư quan tâm đến chỉ số lạm phát giá tiêu dùng PCE của tháng.

Chỉ số chi phí tiêu dùng cá nhân hay còn gọi là PCE, một chỉ số mà Fed hay sử dụng, tăng 0,4% trong tháng 5/2021; trong khi đó chỉ số lõi, tức không tính giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,5%.

Nếu tính theo năm, chỉ số PCE tăng 3,9% trong năm qua và như vậy ghi nhận mức tăng mạnh nhất tính từ tháng 8/2008. 

Nếu loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số PCE lõi tăng 3,4% tính từ đầu năm đến tháng 5/2021 – mức tăng cao nhất tính từ năm 1992, theo công bố của Bộ Thương mại Mỹ.

Tuy nhiên, tiêu dùng cá nhân không thay đổi trong tháng 5/2021, thấp hơn kỳ vọng còn thu nhập người dân giảm 2%, thấp hơn so với kỳ vọng.