Tái cơ cấu doanh nghiệp: Gập ghềnh chặng nước rút

Quang Thanh

(Tài chính) Sau 2 năm thực hiện, đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã có những kết quả khả quan, tạo niềm tin sẽ hoàn thành mục tiêu từ nay đến hết năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn trong chặng “nước rút” khi tiến độ vào cuộc trong của nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp rất ì ạch…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Từ kết quả ban đầu

Nhìn lại chặng đường hơn 2 năm triển khai đề án tái cơ cấu DNNN, điều ghi nhận đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương và DN. Kết quả ban đầu dù chưa được như mong muốn nhưng là tiền đề quan trọng, tạo đà cho tái cơ cấu DNNN cán đích thành công.

Số liệu của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2013 cả nước đã tổ chức sắp xếp được 180 DN. Trong đó, cổ phần hóa (CPH) được 99 DN; tiến hành sắp xếp dưới các hình thức khác được 81 DN. Theo kế hoạch, giai đoạn 2014-2015 cả nước phải CPH 432 DN; tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2014, cả nước có 92 DNNN được sắp xếp lại, với 71 DN CPH. Cùng với đó, có 348 DN thuộc diện CPH đã thành lập Ban chỉ đạo, 247 DN đang xác định giá trị DN, 88 DN đã có quyết định công bố giá trị DN, 55 DN đã được phê duyệt phương án CPH. Trong số 55 DN được phê duyệt phương án CPH có 32 DN đã bán đầu giá cổ phần lần đầu, số còn lại bán đấu giá cổ phần trực tiếp tại DN hoặc qua công ty chứng khoán.

Mặc dù, số lượng DN được sắp xếp lại trong năm 2014 đã tăng mạnh so với các năm trước, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, tính đến đầu tháng 8/2014, có tới 84 DN hiện chưa có bất kỳ tiến triển nào, thậm chí là chưa thành lập Ban Chỉ đạo CPH.

Tính chung cả năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty mới thoái được 4.453 tỷ đồng. Dù đạt kế hoạch năm, nhưng số lượng vốn rút về vẫn thấp, vì nếu với tốc độ này, trong năm 2015 sẽ còn phải thoái vốn tới 16.367 tỷ đồng. Như vậy, hơn nửa chặng đường, tốc độ thoái vốn chỉ mới đạt 21,2% so với kế hoạch.

Đi tìm nguyên nhân mới

Nguyên nhân của sự chậm trễ này đã được mổ xẻ nhiều như tình trạng "sợ trách nhiệm, sợ mất ghế” của nhiều lãnh đạo DNNN và vấn đề "lợi ích nhóm”… là những “rào cản” lớn khiến cho tái cơ cấu DNNN diễn ra ì ạch.

Trong 9 tháng đầu năm 2014, cả nước có 92 DNNN được sắp xếp lại, với 71 DN CPH. Cùng với đó, có 348 DN thuộc diện CPH đã thành lập Ban chỉ đạo, 247 DN đang xác định giá trị DN, 88 DN đã có quyết định công bố giá trị DN, 55 DN đã được phê duyệt phương án CPH.

Tuy nhiên, việc tái cơ cấu DNNN diễn ra chậm trễ còn có các nguyên nhân đặc biệt khác như: Mục tiêu tái cơ cấu chưa được xác định rõ ràng. Hiện nay, tái cơ cấu dường như đang được đánh đồng với CPH hoặc sắp xếp lại DN. Thực tế, tái cơ cấu có phạm vi rộng hơn CPH, hay nói cách khác, CPH chỉ là một trong những biện pháp của tái cơ cấu DNNN. Tái cơ cấu DNNN không chỉ là CPH mà còn bao gồm thoái vốn, thay đổi ban quản trị và lề lối quản trị, giải thể, sáp nhập, thay đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh... Do vậy, kết quả đạt được trong CPH từ năm 2011 đến nay chưa hẳn là kết quả cuối cùng của mục tiêu tái cơ cấu.

Mặc dù, ý chí và quyết tâm chính trị của Chính phủ đã thể hiện rất mạnh mẽ trong thời gian qua, nhưng thực tế lại thiếu cơ chế “chiếc gậy và củ cà rốt” trong quá trình này. Mặt khác, trong những chỉ đạo điều hành thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, mục tiêu tái cơ cấu lại đặt song song với các mục tiêu khác không kém tham vọng như phải đẩy mạnh hoạt động kinh doanh; thoái vốn nhanh nhưng phải được thận trọng, chặt chẽ, bảo toàn vốn nhà nước, giải quyết tốt lao động dôi dư... Những yêu cầu này đặt ra song hành cùng một lúc là thách thức không dễ thực hiện, thậm chí còn là cái cớ để trì hoãn tái cơ cấu.

Chẳng hạn, với lý do đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thì các DNNN đang kinh doanh tốt sẽ không mặn mà với tái cơ cấu. Ngược lại, các DNNN đang khó khăn sẽ viện cớ tập trung cải thiện kinh doanh, nếu tái cơ cấu sẽ phá vỡ kế hoạch kinh doanh. Với những lý do phải chặt chẽ, thận trọng, bảo toàn vốn, làm tốt công tác lao động dôi dư… cũng là cái cớ để đổ lỗi cho sự chậm trễ trong tái cơ cấu của DNNN. Bản thân các cá nhân và tổ chức liên đới cũng sợ bị quy cho tội thiếu trách nhiệm này nên tự mình co vào thế thủ.

Thêm lực đẩy mới

Để tháo gỡ những “nút thắt” tiến độ tái cơ cấu DNNN, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2014/ QĐ-TTg về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN. Theo đó, từ ngày 01/11/2014 cho phép DN được thoái vốn dưới mệnh giá và giá trị sổ sách. Nếu đấu giá cổ phần không thành công, DN được điều chỉnh giảm giá để có thể thu hồi vốn tốt hơn. Đối với cổ phiếu đã niêm yết nhưng có thị giá dưới mệnh giá, thì được bán theo biên độ quy định trên sàn. Sau 3 tháng không bán hết thì được thỏa thuận giảm giá bán, nhưng tối đa không quá 10% so với giá bình quân của các giao dịch thành công 15 ngày trước đó. Cùng với đó, cho phép Ngân hàng Nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tham gia mua cổ phần; Cho phép các DNNN có kết quả hoạt động năm trước đó bị lỗ vẫn được bán cổ phần…

Những giải pháp trên là rất quan trọng, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia là chưa đủ lực để đẩy mạnh “con tàu” tái cơ cấu về đích mà cần phải có thêm cơ chế “chiếc gậy và củ cà rốt”. Thực tế cho thấy, ở những bộ, ngành, địa phương nào mà lãnh đạo trực tiếp giám sát, chỉ đạo, tăng cường tính kỷ luật thì kết quả tái cơ cấu rất tích cực, như: Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam… Điều này minh chứng cho việc gắn trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo DNNN với kết quả tái cơ cấu, đang tạo ra áp lực và động lực khá mạnh không chỉ thay đổi tư duy mà còn thúc đẩy quá trình này nhanh và hiệu quả hơn trong quãng thời gian còn lại.

Ngoài ra, để giải quyết các điểm nghẽn thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nên lập một website công khai kế hoạch thoái vốn, chi tiết lộ trình thoái vốn của từng DNNNN. Đây sẽ là cơ sở để người dân, giới đầu tư theo dõi và giám sát, cũng như chủ động lên kế hoạch tham gia mua lại các khoản vốn.

Đã đến lúc việc tái cơ cấu DNNN phải được đẩy mạnh, để khối DN này thực sự trở thành trụ cột của nền kinh tế, để đủ sức lan tỏa đến các lĩnh vực kinh tế khác, đặc biệt là khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Chậm trễ tái cơ cấu sẽ đồng nghĩa với việc nền kinh tế khó có thể phát triển.

                                                                                       Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 10 - 2014