Tái cơ cấu nền kinh tế: Phải có lộ trình phù hợp
(Tài chính) Trong khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng tiếp tục được các đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến trong phiên họp chiều 1/10 tại hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp.
Tại phiên thảo luận chiều ngày 1/11, đa số ý kiến các đại biểu đánh giá cao báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế; khẳng định 3 trụ cột trong tái cơ cấu nền kinh tế gồm: tái cơ cấu trong lĩnh vực đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Đây là tiền đề để khôi phục kinh tế trung và dài hạn của nước ta. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, các mục tiêu, giải pháp của Đề án tái cơ cấu nền kinh tế còn chung chung, lộ trình thực hiện khá dài, trong giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến 2030, nhưng thiếu sự lượng hóa mục tiêu, chỉ tiêu từng năm và từng giai đoạn. Do vậy thiếu cơ sở cho việc đánh giá và dễ tạo tâm lý chủ quan, ỷ lại trong quá trình thực hiện. Hơn nữa, tái cơ cấu cần thể hiện rõ trong việc thay đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo sự cạnh tranh của nền kinh tế và nâng cao năng suất lao động. Cũng có ý kiến cho rằng, việc tái cơ cấu nền kinh tế cần đi liền với việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật và trong lần giám sát tiếp theo, Quốc hội cần đi sâu vào lĩnh vực tài nguyên, cổ phần hóa doanh nghiệp, vốn và thị trường tài chính.
Thảo luận về vấn đề tái cơ cấu lĩnh vực đầu tư công, nhiều đại biểu khẳng định, 3 năm thực hiện Đề án, hiệu quả đầu tư công đã có bước cải thiện, hạn chế được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải; đã cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ của nhiều công trình chưa thực sự cần thiết. Nhưng nhìn tổng thể, tái cơ cấu đầu tư công vẫn chưa đạt được yêu cầu; vẫn còn những con đường "đắt nhất hành tinh", nhiều công trình gây lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân. Việc đầu tư xây dựng không theo quy hoạch, kế hoạch và nếu có chỉ ở tầm ngắn hạn, chưa đạt tầm trung và dài hạn. Có nhiều công trình xây dựng không phát huy được tác dụng, thậm chí bỏ hoang. Nhiều dự án vay ODA do Chính phủ bảo lãnh, do tính toán không kỹ, làm ăn lỗ không có khả năng thanh toán, đến hạn Chính phủ phải bỏ tiền ra thanh toán, từ đó làm gia tăng nợ công.
Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) đề nghị Chính phủ cần có chỉ đạo các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương tập hợp một cách đầy đủ, chính xác, trung thực vấn đề nợ xây dựng cơ bản hiện nay. Theo báo cáo của Chính phủ, số nợ các địa phương sơ bộ báo cáo lên là khoảng hơn 44 nghìn tỷ đồng, nhưng cũng trong phụ lục của báo cáo thì mới là nợ của 1 bộ và 16 địa phương, con số đã lên gần 34 nghìn tỷ. Theo đại biểu Bùi Văn Phương, nếu là cả nước và tất cả các bộ, ngành tổng hợp lại, con số thực tế tương đối lớn. Chính phủ cần tập hợp đầy đủ nợ này để có giải pháp tập trung xử lý.
Theo ý kiến nhiều đại biểu, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của quốc gia có hạn, cần ưu tiên vào những công trình có sức lan tỏa, tạo được nguồn thu lớn cho ngân sách. Phải tăng cường chống lãng phí, tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) đề nghị, phải xác định rõ hơn yêu cầu của tái cơ cấu đầu tư là đảm bảo huy động được nguồn vốn đầu tư đáp ứng được nhu cầu phát triển hàng năm; giảm tỷ lệ đầu tư của nhà nước và tăng tỷ lệ đầu tư ngoài nhà nước; nâng cao hiệu quả đầu tư nói chung và đầu tư nhà nước nói riêng. Về cơ chế, đề nghị giảm cơ chế cấp vốn và tăng cơ chế tín dụng; tăng cường tính công khai, minh bạch trong cơ chế, quản lý sử dụng vốn đầu tư; xác định thẩm quyền đi liền trách nhiệm đến cùng trong phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, nhiều đại biểu cho rằng, kết quả đạt được trong 3 năm qua đã góp phần ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với yêu cầu. Mặc dù số doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh nhưng với việc hình thành các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước với các công ty con đã làm tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước trong GDP vẫn ở mức cao, chiếm 32%. Ngành công nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, chủ yếu là gia công, lắp ráp, hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng thấp. Cơ cấu kinh tế chưa phát huy tiềm năng khu vực kinh tế tư nhân và hiệu suất năng suất lao động thấp. Nguyên nhân của tình trạng này ngoài tác động khủng hoảng kinh tế chung, còn do sự chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt của một số người đứng đầu cơ quan chức năng và doanh nghiệp nhà nước, nên việc cổ phần hóa và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước vẫn là “bình mới, rượu cũ”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần xác định rõ quan điểm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không chỉ tập trung về lượng mà vấn đề quan trọng là làm thế nào nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, phải "cởi trói" cho doanh nghiệp nhà nước, phải tăng tự chủ kinh doanh cho doanh nghiệp nhà nước và họ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân kết quả kinh doanh của mình. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần tăng tính minh bạch, công khai hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, tăng cường chức năng giám sát của Quốc hội, của cộng đồng.
Một số đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa để các bộ, ngành, địa phương phê duyệt Đề án tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung vào những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân và xã hội chưa làm; cần xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh, ngành nghề chủ đạo, ngành nghề liên quan nhằm tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó, cần tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với chủ sở hữu, từ đó tránh dựa dẫm, ỷ lại, xin cho. Nâng cao tính công khai, minh bạch của hoạt động doanh nghiệp và đổi mới quản trị những doanh nghiệp yếu kém, lời giả, lỗ thật.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị Chính phủ cần ưu tiên đầu tư những dự án công trình có sức lan tỏa mạnh, có khả năng tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách. Dẫn chiếu những công trình nghìn tỷ không phát huy công năng trong thực tế, trở thành những địa điểm cho thuê tổ chức sự kiện, gây bức xúc trong nhân dân, đại biểu đề nghị phải kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công; đồng thời rà soát, xây dựng lại các tiêu chuẩn, định mức trong lĩnh vực này. Đại biểu Nguyễn Văn Hiến đề xuất, cần đặt vấn đề tái cơ cấu đối với tổ chức, bộ máy và tái cơ cấu trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên, đảm bảo tuân thủ đúng tinh thần Hiến pháp và pháp luật. “Nên mở rộng xã hội hóa, tái cơ cấu trách nhiệm cán bộ, công chức để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng".
Liên quan đến tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, nhiều đại biểu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong quá trình tái cơ cấu; đã sáp nhập 8 ngân hàng yếu kém, kiểm soát rủi ro trong hệ thống ngân hàng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý; đồng thời giữ được an toàn hệ thống, không gây bất ổn xã hội. Tuy nhiên, hiện nợ xấu vẫn còn cao. Đến tháng 7 năm nay, tổng nợ xấu nội bảng là 162.200 tỷ đồng, chiếm 4,17% tổng dư nợ. Trong khi đó, việc giải quyết nợ xấu dường như vẫn còn trông đợi vào sự ấm lên của thị trường bất động sản, làm cho nền kinh tế tắc nghẽn về vốn, sản xuất kinh doanh khó khăn, ngân hàng thừa tiền nhưng nền kinh tế thiếu vốn.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Tuy tiến độ thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm so với mục tiêu đề ra, nhưng phải nhận thức lại rằng, tái cơ cấu kinh tế là cả một quá trình, không thể có kết quả hoàn chỉnh trong 2, 3 hay 5 năm. Quá trình đó cũng phải có bước đi, lộ trình phù hợp với trình độ phát triển, quy mô nền kinh tế. Những kết quả đạt được đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì sự tăng trưởng cho nền kinh tế của nước ta trong những năm mà điều kiện hết sức khó khăn. Do đó, không thể phủ nhận kết quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tất cả kết quả báo cáo giám sát và ý kiến đánh giá, phân tích, bổ sung, kiến nghị của đại biểu Quốc hội hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo nghiên cứu, tổng hợp và chuẩn bị dự thảo Nghị quyết và trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Theo chương trình, thứ Hai, ngày 3/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này. Quốc hội cũng sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thú y.