Tái cơ cấu nông nghiệp, cần bắt đầu từ thị trường
(Tài chính) Tại Hội nghị tham vấn đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)tổ chức mới đây, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đề án tái cơ cấu của ngành nông nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, để đạt được đích của tái cơ cấu, cần bắt đầu từ thị trường.
Còn chậm trong tư duy và thực tiễn
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, đích của tái cơ cấu ngành nông nghiệp là góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, thông qua tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Song, nhìn từ thực tiến qua hơn 1 năm thực hiện đề án quá trình thực hiện tái cơ cấu đã bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại.
“Nhận thức về tái cơ cấu ngành, cách tiếp cận trong nhiều lĩnh vực chậm thay đổi, tư duy cũ vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận cán bộ, địa phương. Hơn nữa, việc triển khai thực hiện chủ trương trên chưa đồng bộ, đồng đều ở các địa phương. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm dẫn tới kết quả thể hiện trên thực tiễn chưa nhiều”, Bộ trưởng đánh giá.
Tái cơ cấu ngành là đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, tuy nhiên, trong lĩnh vực lâm nghiệp, chăn nuôi, sự đổi mới còn chậm. Khu vực kinh tế hợp tác và hợp tác xã chưa phát triển mạnh. Bộ trưởng cho rằng, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém khiến thu nhập và đời sống nhân dân, nhất là nông dân vùng sâu, vùng xa, còn thấp.
“Chúng ta thừa hiểu rằng, việc tái cơ cấu ngành không hề đơn giản, phải có quá trình, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Việc triển khai tái cơ cấu còn chậm so với mong đợi. Lý do là lúng túng về tư tưởng, cách triển khai’ - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Đặc biệt, Bộ trưởng thừa nhận: “Nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật được xác định là giải pháp đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tuy nhiên, hoạt động này của các tổ chức nhà nước hiệu quả chưa cao. Thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; ô nhiễm môi trường gia tăng ở nhiều nơi. Trong đó, vấn đề then chốt là kết nối sản xuất với thị trường vẫn còn lỏng lẻo”.
Chính sách đi liền với thực tiễn
Bộ trưởng cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là chủ trương lớn, là quá trình triển khai dài hơi gắn với tái cơ cấu toàn nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Vì vậy, việc đưa ra lý luận để tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng trong thực tế phải được tiến hành thường xuyên.
“Tái cơ cấu bắt đầu từ thị trường. Mặt khác, vai trò khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất cũng cực kỳ quan trọng. Do đó, phải bắt đầu từ những lĩnh vực mấu chốt này. Các viện, trường và cơ quan chuyên môn cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện hiệu quả tái cơ cấu”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Ví dụ, đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, cần đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ để tạo ra những giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt nhằm nâng cao giá trị sản xuất chứ không nhất thiết phải nuôi, trồng thật nhiều, chạy đua về con số mà nên nghiên cứu theo hướng phát triển cây gì, vật nuôi gì phát huy được lợi thế nhất để mang lại lợi nhuận cao.
Đặc biệt, các ngành cần tập trung xây dựng các sản phẩm có thương hiệu bằng cách nghiên cứu xác định giống đặc dụng trên cơ sở phù hợp với điều kiện mỗi vùng địa phương. Ví dụ, đối với ngành trồng lúa, mỗi mùa vụ khi xác định được lợi thế cạnh tranh về một số sản phẩm lúa gạo, chúng ta sẽ chủ trương cho người nông dân trồng chuyên canh phát triển giống đó trên cơ sở phù hợp với điều kiện tại địa phương. Như vậy, khi đưa ra thị trường, vừa tạo được sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa tạo được tên tuổi sản phẩm và mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân. Tránh tình trạng thị trường bát nháo các sản phẩm mà đối tượng nhập khẩu không biết đến thương hiệu và mất khả năng cạnh tranh.