Tái cơ cấu nông nghiệp: Nên bắt đầu từ đâu?

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp

Giải pháp đầu tiên trong tái cơ cấu nông nghiệp là cần chuyển từ sản phẩm có giá trị thấp và tiềm năng thị trường thấp sang sản phẩm có giá trị cao và tiềm năng thị trường cao...

Tái cơ cấu nông nghiệp: Nên bắt đầu từ đâu?
Cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách quyết liệt và triệt để. Nguồn: internet
Tăng trưởng GDP nông nghiệp đã giảm từ 4,5%/năm trong giai đoạn 1995-2000 xuống còn 3,8%/năm giai đoạn 2000-2005; 3,4%/năm giai đoạn 2006-2011 và chỉ còn 2,7%/năm trong năm 2012. Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm nông nghiệp khá chậm, kết cấu ngành nông nghiệp chưa thực sự phản ánh lợi thế so sánh và chưa đáp ứng triển vọng nhu cầu trong tương lai.

Để xử lý các thách thức to lớn đó, cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách quyết liệt và triệt để theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

So với các nước láng giềng, giá nông sản tại Việt Nam đặc biệt là giá lương thực được duy trì ở mức thấp, giúp giữ chi phí lao động thấp, thu hút đầu tư nước ngoài và có những đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản tăng liên tục và Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới về các mặt hàng như: gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sản phẩm gỗ và các sản phẩm thủy sản. Trong năm 2012, xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục 27,5 tỷ USD. Nông nghiệp là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu ròng tăng đều đặn, ngay cả trong thời điểm tăng trưởng kinh tế suy giảm, góp phần quan trọng để cân bằng thâm hụt thương mại quốc gia.

Những thách thức

Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiện nay, trồng trọt chiếm trên 50%, lúa gạo có tỷ trọng lớn nhất.

Tuy hiệu quả kinh tế của cây lúa đem lại không cao nhưng vẫn phải duy trì một diện tích lớn để bảo đảm an ninh lương thực, vì vậy đã xuất hiện tình trạng nông dân không thiết tha với đất lúa, không thâm canh tăng vụ nhất là ở Đồng bằng sông Hồng.

Ngành chăn nuôi phát triển nhanh, song còn thiếu bền vững. Năng suất vật nuôi còn thấp, giá thành chăn nuôi cao, thức ăn chăn nuôi phụ thuộc nhập khẩu, mô hình chăn nuôi công nghiệp chưa phát triển, khả năng kiểm soát dịch bệnh còn yếu.

Những vấn đề của thủy sản tập trung vào nguồn cung thức ăn không ổn định, quản lý dịch bệnh kém, dư lượng kháng sinh cao, thương hiệu kém. Đóng góp của lâm nghiệp trong tăng trưởng kinh tế còn thấp so với tiềm năng.

Trong thời kỳ đầu đổi mới, sự bùng nổ tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu dựa trên thay đổi thể chế kinh tế và việc tạo động lực thị trường cho nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 1995 tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu dựa trên việc khai thác tài nguyên thiên nhiên (tăng diện tích, tăng vụ, thâm dụng nước…) cùng mức sử dụng vật tư đầu vào cao nhưng hàm lượng đổi mới công nghệ và thể chế thấp. "Chất lượng tăng trưởng" tương đối thấp được biểu hiện ở mức tổn thất sau thu hoạch cao, chất lượng sản phẩm không đồng đều, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo, khả năng tạo giá trị mới thấp.

Để xử lý các thách thức to lớn đó, cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách quyết liệt và triệt để theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Cải thiện chất lượng, tăng giá trị nông sản

Giải pháp đầu tiên trong tái cơ cấu nông nghiệp là cần chuyển từ sản phẩm có giá trị thấp và tiềm năng thị trường thấp sang sản phẩm có giá trị cao và tiềm năng thị trường cao. Quy hoạch vùng chuyên canh và giám sát thực hiện quy hoạch đối với một số cây công nghiệp xuất khẩu chủ lực như cà phê, cao su, chè, tiêu, điều. Quy hoạch đất cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Chuyển đổi đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, rau quả, rau, thủy sản và các sản phẩm giá trị cao khác.

Bảo vệ đất nông nghiệp nhưng cho phép thay đổi linh hoạt mục đích sử dụng giữa đất lúa và các cây trồng khác. Duy trì hợp lý diện tích đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, tăng diện tích đất rừng sản xuất.

Tại các vùng chuyên canh, tăng liên kết giữa các trang trại và tổ nhóm nông dân với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào và chế biến đầu ra, cũng như với hành lang tiếp thị tới thị trường. Cơ quan quản lý nhà nước cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư tư nhân vào các ngành công nghiệp dịch vụ hỗ trợ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; hỗ trợ hạ tầng để phát triển các cụm nông - công nghiệp - dịch vụ tại các vùng chuyên canh.

Nguồn vốn đầu tư công cần tập trung cho phát triển khoa học công nghệ đối với khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, chế biến tinh, chế biến sâu và chế biến phụ phẩm từ nông sản; công tác thông tin, phân tích và dự báo thị trường nông nghiệp.

Ưu tiên phát triển liên kết công-tư trong việc xây dựng hạ tầng thương mại cho buôn bán nông sản (nhà kho, phương tiện vận chuyển, đường sắt và cảng chuyên dụng cho xuất khẩu nông sản…).

Các chương trình/dự án cảnh báo, giám sát, quản lý dịch bệnh, và đảm bảo quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đồng bộ theo chuỗi giá trị cần phải được ưu tiên thay vì kích cung đơn thuần. Chúng ta cần thường xuyên tham gia các cuộc đàm phán song phương với các đối tác kinh doanh (về thú y, bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm) để đảm bảo về luật pháp và các quy định thương mại theo các nghĩa vụ quốc tế và đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.

Chuyên nghiệp hóa, mở rộng quy mô sản xuất

Kinh tế hộ nông dân phát triển theo hướng chuyên nghiệp, mở rộng qui mô sản xuất. Phát triển kinh tế hợp tác gắn với tổ chức thôn bản (mô hình “nông xã”) kết hợp kinh tế và xã hội, làm dịch vụ cho hộ nông dân.

Cải tổ hội nông dân để thực sự đại diện cho quyền lợi, bảo vệ lợi ích nông dân; xây dựng hiệp hội ngành hàng liên kết các tác nhân trong chuỗi giá trị bao gồm đại diện cả của người sản xuất, kinh doanh, chế biến,…

Mô hình quản lý nhà nước tham gia trực tiếp trong mọi hoạt động trong nông nghiệp sẽ chuyển thành hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và dịch vụ của các thành phần kinh tế khác trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Nhà nước tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường, cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và đầu tư hậu cần, cung cấp thông tin, dịch vụ giúp các bên liên quan có thể quản lý rủi ro tốt hơn. Cổ phần hóa, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và các nông lâm trường quốc doanh. Tạo cơ chế ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và quản lý tốt hơn các tài nguyên hiện có. Tăng cường hợp tác công tư và cơ chế đồng quản lý với khu vực tư nhân và các tổ chức cộng đồng để đạt được các mục tiêu xã hội tốt hơn. Mở rộng quan hệ đối tác đa phương, góp phần quan trọng hỗ trợ thực hiện các mục tiêu kinh tế, môi trường và xã hội.

Quá trình chuyển từ nông nghiệp thâm dụng tài nguyên sang nông nghiệp thâm dụng khoa học công nghệ cần được hỗ trợ từ việc phát triển hệ thống thủy lợi phát triển theo hướng đa chức năng, đa mục tiêu, tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng nước; hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt, tiết kiệm nguồn lực, giảm ô nhiễm, phát triển chuỗi cung ứng xanh trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Tăng cường đánh bắt thủy sản xa bờ, quản lý khai thác theo các tiêu chuẩn bền vững; phát triển rừng phòng hộ và đặc dụng theo hướng đa mục tiêu, đa chức năng. Tăng hiệu quả, khai thác bền vững rừng sản xuất, phát triển nông lâm kết hợp cùng với du lịch sinh thái và dịch vụ môi trường nhằm tăng thu nhập của nghề rừng.

Để tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong quy trình sản xuất nông nghiệp, cần ưu tiên tập trung hình thành các “thành phố khoa học nông nghiệp” cho các vùng trọng điểm nông nghiệp theo nguyên tắc ở đâu sản xuất nông nghiệp giá trị càng cao thì ở đó tập trung nhiều cơ quan nghiên cứu, cán bộ khoa học; gắn trường đại học với viện nghiên cứu (trường nông nghiệp với viện nông nghiệp, trường lâm nghiệp với viện lâm nghiệp, trường thủy sản với viện thủy sản…); kết hợp nghiên cứu với đào tạo và khuyến nông.

Tăng kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ và khuyến nông. Hệ thống khoa học công nghệ nông nghiệp đổi mới theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; huy động sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài vào các hoạt động khoa học công nghệ nông nghiệp; phân cấp mạnh mẽ hoạt động khuyến nông cho các tổ chức nông dân và doanh nghiệp; nâng cao vai trò của các tổ chức nông dân và doanh nghiệp trong việc xác định ưu tiên nghiên cứu; hoàn thiện hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp.