Tài sản 8 tỷ phú giàu nhất thế giới bằng của cải của 3,6 tỷ người
Theo một báo cáo do tổ chức Oxfam International vừa công bố, sự cách biệt giàu – nghèo trên thế giới hiện gia tăng đến mức khủng khiếp.
Tài sản của 8 doanh nhân giàu nhất thế giới đang bằng với tài sản của 3,6 tỷ người đang sống trong những nước nghèo, chiếm 50% nhân loại. Những người đó là:
(1) Bill Gates - người sáng lập Tập đoàn Microsoft (Mỹ), tài sản trị giá 75 tỷ USD;
(2) Amancio Ortega - người sáng lập Tập đoàn Inditex của Tây Ban Nha, chủ chuỗi cửa hàng thời trang Zara, tài sản trị giá 67 tỷ USD;
(3) Warren Buffett - giám đốc điều hành và cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Bershire Hathaway (Mỹ), tài sản trị giá 60,8 tỷ USD;
(4) Carlos Slim Helu - chủ nhân Tập đoàn Grupo Carso của Mexico, tài sản trị giá 50 tỷ USD;
(5) Jeff Bezos - nhà sáng lập, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Tập đoàn Amazon (Mỹ), tài sản trị giá 45,2 tỷ USD;
(6) Mark Zuckerberg - chủ tịch, giám đốc điều hành, đồng sáng lập mạng xã hội Facebook (Mỹ), tài sản trị giá 44,6 tỷ USD;
(7) Larry Ellison - sáng lập viên và giám đốc điều hành Tập đoàn Oracle (Mỹ), tài sản trị giá 43,6 tỷ USD;
(8) Michael Bloomberg - sáng lập viên, chủ nhân và giám đốc điều hành Tập đoàn Bloomberg LP (Mỹ), tài sản trị giá 40 tỷ USD.
Bản báo cáo nhấn mạnh đến ba yếu tố giúp cho những người này ngày càng vững chân trên những khối tài sản khổng lồ, đó là né thuế, hạ thấp lương người lao động và dùng sức mạnh tiền của gây ảnh hưởng lên các nhà cầm quyền.
Đề cập vấn đề này, giám đốc điều hành của Oxfam International là Winnie Byanyima đã nhận định rằng thật tồi tệ khi phần lớn tài sản nằm trong tay một thiểu số người, trong khi cứ 100 người trên trái đất này thì có 10 người đang sống mỗi ngày với không tới 2 USD!
Trên khắp thế giới, đồng lương của người lao động cứ trụ lại một chỗ, trong khi các chủ doanh nghiệp mang về nhà họ hàng triệu USD lợi nhuận. Các dịch vụ y tế và giáo dục dành cho công nhân bị cắt giảm, trong khi các tập đoàn và những người siêu giàu thường xuyên dựa dẫm vào chính quyền để né thuế.
Theo Oxfam, tiền trốn thuế của các đại doanh nghiệp hằng năm ít nhất là 100 tỷ USD, đủ để cung ứng giáo dục cho 124 triệu trẻ không được đến trường và tài trợ cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đủ để ngăn ngừa cái chết của ít nhất 6 triệu trẻ mỗi năm. Chưa kể nhiều người siêu giàu không phải từ tay của họ làm ra của cải, mà do dựa vào chủ nghĩa thân quen và mạng lưới tham nhũng dày đặc ở nhiều nước đang phát triển.
Để ngăn chặn tình trạng tiêu cực của các doanh nghiệp, từng bước thu ngắn cách biệt giàu – nghèo trong xã hội, Oxfam đề xuất một loạt biện pháp bao gồm việc tăng thuế với người có thu nhập cao để có tiền đầu tư vào các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tạo công ăn việc làm.
Để thực hiện biện pháp này, cần đảm bảo cho người lao động có tiền lương thỏa đáng, ngăn chặn nạn trốn thuế của doanh nghiệp, hỗ trợ những công ty hoạt động có lợi cho công nhân của họ thay vì chỉ chú ý đến quyền lợi cổ đông.