Tại sao các nhà đầu tư nên chú ý đến ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam?
Tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021, các thành viên chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu đã cam kết sẽ trung hòa phát thải carbon vào năm 2050.
Hiện tại, theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, Việt Nam đang kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ phục hồi ở mức 6,5% vào năm 2022.
Trong khi đó, lượng tiêu thụ điện năng vẫn đang tăng lên với tốc độ hơn 11% mỗi năm, nhanh hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia. Điều này khiến việc đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trở nên khó khăn hơn, đồng thời khiến việc phát điện và đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng trở nên cấp thiết hơn.
Ngoài ra, vì sản lượng nhiên liệu hóa thạch trong nước không thể đáp ứng kịp nhu cầu sử dụng điện, Việt Nam đã phải dựa vào thị trường nước ngoài để có đủ nguồn lực cung cấp năng lượng cho cơ sở hạ tầng. Chính sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu để vận hành hệ thống điện, cũng như những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã trở thành những tác nhân chính thúc đẩy chính phủ chuyển hướng sang năng lượng tái tạo.
Tiềm năng của Việt Nam
Việt Nam nhận thấy rằng nhu cầu chuyển đổi sang năng lượng xanh đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Và với tư các là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, quốc gia đã chứng minh cam kết của mình đối với những sáng kiến này, đặc biệt là khi nói đến điện mặt trời.
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất ở Đông Nam Á, với 16.500 MW được tạo ra vào năm 2020. Hơn nữa, Việt Nam còn nằm trong top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời nhiều nhất trên thế giới vào năm 2020.
Với tiềm năng cao trong lĩnh vực điện mặt trời và các mục tiêu năng lượng xanh đầy tham vọng vào năm 2050, Việt Nam có mọi cơ hội để trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, việc thành lập các dự án năng lượng gió còn còn hứa hẹn sẽ mang đến thành công cho đất nước Khi Việt Nam được chứng minh là sở hữu một số nguồn tài nguyên gió lớn nhất trong khu vực với tiềm năng 311 GW.
Các nhà phân tích thị trường tin rằng nếu Việt Nam duy trì tốc độ mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo như hiện nay, đất nước sẽ chứng kiến những bước nhảy bật trong bảng xếp hạng và thậm chí còn có thể vượt qua các quốc gia như Úc và Ý trong việc phát triển năng lượng tái tạo và các giải pháp sáng tạo.
Các lĩnh vực chính trong ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam
Năng lượng gió
Khí hậu và địa hình của Việt Nam khiến năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió trở thành một ngành có triển vọng đầu tư đáng kể. Nguồn tài nguyên gió rộng lớn của Việt Nam là nhờ vào hình dạng địa lý dài và hẹp của đất nước với hơn 3000 km đường bờ biển, bao gồm cả đồi và núi.
Theo Ngân hàng Thế giới, hơn 39% lãnh thổ Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6 m/s ở độ cao 65m, tương đương với công suất 512 gigawatt (GW). Việt Nam còn được xem là có tiềm năng tuyệt vời khi sở hữu 8,6% diện tích đất phù hợp cho việc xây dựng các trang trại điện gió lớn.
Bên cạnh chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng truyền dẫn cần thiết, Việt Nam vẫn sẽ cần đầu tư hàng tỷ USD để đạt được mục tiêu này trong tương lai. Vì vậy, việc hợp tác giữa các khu vực tư nhân là vô cùng cần thiết, trước những hạn chế về nguồn lực của chính phủ và những thách thức kinh tế liên quan. Và chính nhu cầu này đã tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quốc tế gia nhập và thiết lập sự hiện diện của mình trong lĩnh vực năng lượng gió hầu như chưa được khai thác của Việt Nam.
Năng lượng mặt trời
Việt Nam gần đây đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng trong lĩnh vực điện mặt trời (PV), đánh dấu bước khởi đầu của quá trình chuyển đổi nguồn năng lượng của đất nước từ than đá sang điện sạch. Công suất điện mặt trời của Việt Nam đã tăng từ 86 MW vào năm 2018 lên khoảng 16.500 MW vào năm 2020.
Nhờ đó, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia ASEAN có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời lớn nhất. Trong đó, hệ thống điện mặt trời đã cung cấp khoảng 10,6 TWh vào năm 2020, chiếm gần 4% tổng sản lượng.
Ngoài ra, năng lượng mặt trời áp mái dự kiến sẽ chiếm khoảng một nửa tổng công suất điện mặt trời của Việt Nam vào năm 2030. Với môi trường sản xuất năng lượng mặt trời đầy hứa hẹn, các nhà đầu tư quốc tế sẽ khó bỏ qua triển vọng đầu tư sinh lợi như vậy.
Các động lực thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo của Việt Nam
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Việt Nam là nước sử dụng điện lớn thứ hai Đông Nam Á. Trong đó, mức tiêu thụ năng lượng trong khu vực là một trong những mức tăng nhanh nhất thế giới, với nhu cầu tăng ổn định trung bình 6% mỗi năm, trong suốt 20 năm qua. Theo Techwire Asia, 80% nhu cầu năng lượng trong khu vực đến từ 4 quốc gia chính là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.
Ngoài ra, cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường cung cấp năng lượng, cùng nhu cầu đáng kể của công chúng trong việc cải thiện chất lượng không khí đã trở thành động lực chính cho sự phát triển của lĩnh vực này. Ngoài ra, các điều luật và chính sách hỗ trợ của chính phủ, bao gồm giá ưu đãi năng lượng tái tạo (FiT), ưu đãi thuế hấp dẫn và miễn thuê đất cũng được coi là những yếu tố cơ bản thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của năng lượng tái tạo của đất nước.
Bên cạnh đó, mong muốn của công chúng đối với việc bảo tồn môi trường được xem là yếu tố quan trọng thứ hai. Bởi lẽ, ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các khu vực đô thị đã gây ra sự phản đối của công chúng đối với các nhà máy điện than mới, và các vấn đề về nước và tài nguyên ở địa phương cũng là những nguyên nhân gây ra nhiều lo ngại hiện nay.
Tóm lại, việc xây dựng một hệ thống tốt hơn tập trung vào tính linh hoạt của bộ máy và khả lưu trữ điện kết hợp với nhiều sự tham gia của các khu vực tư nhân trong việc xây dựng hệ thống truyền tải sẽ giúp việc tích hợp năng lượng mặt trời và năng lượng gió vào lưới năng lượng hiệu quả hơn.