Tại sao có ngoại lệ Vietinbank trong giới hạn 65% sở hữu vốn nhà nước?
(Tài chính) Trao đổi với phóng viên, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Chính phủ quy định duy trì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ ở mức không thấp hơn 65% vốn điều lệ tại các Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Nhà nước (trừ Vietinbank) không có nghĩa là sẽ nắm giữ tỷ lệ này vĩnh viễn. Sau này, tùy thuộc vào độ mở của nền kinh tế, của hệ thống ngân hàng, tỷ lệ nắm giữ có thể sẽ thấp hơn.
TS. Cấn Văn Lực: Việc duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các NHTM quốc doanh không thấp hơn 65%, trừ Vietinbank, có thể là bước thử nghiệm ban đầu của Chính phủ, các bước tiếp theo như thế nào có thể còn tùy thuộc điều kiện sau năm 2015, nhất là các cam kết hội nhập. Chẳng hạn, năm nay, Việt Nam gia nhập Hiệp định Hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), còn cuối sang năm sẽ hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thì câu chuyện mở cửa hơn nữa đối với các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả các NHTM chắc chắn phải xem xét.
Nhưng tại sao lại có ngoại lệ đối với Vietinbank, thưa ông?
Có thể hiểu theo hai nghĩa, câu chuyện đã rồi bởi có lẽ Vietinbank đã có cam kết nào đó đối với nhà đầu tư nước ngoài và đã được chấp thuận trước khi Nghị quyết của Chính phủ có hiệu lực, nhưng cũng có thể Vietinbank là hình thức thí điểm. Đối với ngân hàng này, nếu từ nay đến hết sang năm mà bán được cổ phần, giảm sở hữu của Nhà nước xuống dưới 65%, tôi cho rằng cũng là một thành công.
Vậy theo ông, việc khống chế tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước như vậy có đi ngược lại nguyên tắc thị trường?
Các giải pháp thoái vốn Nhà nước mà Nghị quyết của Chính phủ đề ra cũng đã khá thông thoáng. Đơn cử như Chính phủ cho phép được thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp, sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định. Theo tôi, đây là giải pháp rất quan trọng để khai thông thế bế tắc trong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành hiện nay, bởi nguyên nhân một phần cũng do các tập đoàn, tổng công ty "sợ" trách nhiệm trong trường hợp không bảo toàn được nguồn vốn nhà nước.
Còn việc Chính phủ phân loại doanh nghiệp nhà nước để xác định rõ hơn doanh nghiệp nào Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp nào nắm 75%, 65%, 50%... và doanh nghiệp nào không cần nắm giữ là điều bình thường. Nhiều nước cũng làm như vậy, bởi vẫn phải có những bảo hộ nhất định đối với một số lĩnh vực, một số doanh nghiệp then chốt.
Hơn thế, với Việt Nam còn có một đặc thù là trong Hiến pháp sửa đổi mới đây đã khẳng định kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, trong đó doanh nghiệp nhà nước là một cấu phần. Theo đó, Nhà nước nắm giữ một số doanh nghiệp then chốt hoặc thuộc những lĩnh vực mà tư nhân không cung ứng dịch vụ.
Đối với NHTM Nhà nước, Nhà nước vẫn muốn có được một số ngân hàng lớn thuộc sở hữu chi phối của Nhà nước là một kênh thực hiện việc điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là liên quan đến chính sách tiền tệ, chính sách “tam nông”, đặc biệt trong thời điểm nền kinh tế còn nhiều biến động. Trong thời gian vừa qua, hoạt động này cũng đã có những hiệu quả nhất định. Tất nhiên sự can thiệp này càng tuân thủ theo quy luật thị trường càng tốt, bởi sẽ làm thị trường bớt méo mó.
Theo ông, cần phải có những giải pháp nào để quy luật thị trường được vận dụng một cách tối đa trong bối cảnh hiện nay?
Thứ nhất, phải tăng tính minh bạch, công khai cũng như các thành tố quan trọng khác trong quản trị doanh nghiệp.
Thứ hai, yêu cầu các ngân hàng kể cả có vốn Nhà nước hay không có vốn Nhà nước, niêm yết hay không niêm yết, phải làm tốt hơn khâu quản trị doanh nghiệp, qua đó mới nâng cao được sức đề kháng và năng lực cạnh tranh.
Thứ ba, Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra như vậy, nhưng nếu trong quá trình hội nhập, các cam kết diễn ra mạnh mẽ, nhiều hơn, ở mức cao hơn và xét bình diện toàn cục, chắc chắn, Chính phủ cũng sẽ có những điều chỉnh sao cho phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế cũng như tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và tăng tính tự chủ hơn nữa của doanh nghiệp.
Nhưng các ngân hàng quốc doanh đã cổ phần hóa liệu có mặn mà với việc Nhà nước sở hữu từ 65% trở lên?
Xét ở một góc độ nào đó, cũng có thể có ngân hàng muốn mức độ Nhà nước nắm giữ vốn thấp hơn, để tăng hấp dẫn nhà đầu tư và tăng tính tự chủ như đã nêu trên. Tuy nhiên, trong 2 năm tới, các NHTM Nhà nước cần hoàn thiện quá trình tái cơ cấu, tăng cường quản trị doanh nghiệp và giảm phần vốn Nhà nước xuống mức 65% đã. Nếu những việc này hoàn thành đã là một thành công lớn.
Sau năm 2015, nếu muốn giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống mức hợp lý, cũng có thể đề nghị Chính phủ xem xét. Cần phải hiểu Nghị quyết của Chính phủ không phải là khóa chặt cánh cửa, vẫn có những điều kiện mở nhất định và tùy thuộc một phần vào các cam kết quốc tế sắp tới.