Tại sao nhiều dự án vi phạm phòng cháy chữa cháy?
Liên tục trong năm 2018, Hà Nội công bố các đơn vị không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn thành phố. Mới nhất, ngay đầu năm 2019, Hà Nội tiếp tục công khai 74 cơ sở không đủ điều kiện này. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phớt lờ cảnh báo của cơ quan có thẩm quyền?
Tính từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội đã ba lần công bố các đơn vị không đảm bảo về PCCC&CNCH với tổng số gần 300 cơ sở vi phạm. Điều đáng chú ý là có những cơ sở vi phạm bị nhắc nhở lần thứ hai vẫn chưa khắc phục, tiềm ẩn những hiểm nguy cho cư dân sống tại các chung cư này.
Hồi tháng 5/2018, Hà Nội công bố danh sách 91 công trình cao tầng cần khắc phục các tồn tại vi phạm về PCCC, nhằm ngăn ngừa tai nạn cháy nổ, đảm bảo cuộc sống cho cư dân.
Nhiều vi phạm
Có nhiều dự án khu đô thị của các "ông lớn" bất động sản, trụ sở của ngân hàng, công ty, khách sạn như: Tổng công ty Phát triển nhà và Đô thị (HUD); khu đô thị ngoại giao đoàn của Tổng công ty xây dựng Hà Nội; Một số dự án nhà ở của Tổng công ty nhà và đô thị thuộc Bộ Quốc phòng (MHDI); Tòa nhà Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tại 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa; Bệnh viện đa khoa Thu Cúc ở phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ…
Tiếp đến hồi tháng 7/2018, Hà Nội lại tiếp tục công bố 88 công trình vi phạm về PCCC&CNCH. Trong số này có 74 chung cư cao tầng, 8 trụ sở làm việc, 3 cơ sở y tế, 2 cơ sở giáo dục và một khách sạn. Riêng HUD trong lần công bố này tiếp tục có công trình tồn tại về PCCC.
Quận Hoàng Mai có số toà chung cư vi phạm PCCC lớn nhất với 20 công trình; quận Cầu Giấy đứng thứ hai trong danh sách trên với 15 toà nhà vi phạm PCCC; Quận Đống Đa đứng thứ 3 có 10 toà nhà vi phạm.
Mới đây nhất, Hà Nội lại vừa công khai danh sách 74 cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC&CNCH trên địa bàn thành phố. Riêng quận Thanh Xuân đứng đầu danh sách các quận, huyện có cơ sở, công trình vi phạm quy định PCCC với 30 cơ sở.
Trong đợt kiểm tra này, hàng loạt chung cư mini, trường học, trung tâm thương mại... cũng bị bêu tên vi phạm về PCCC. Cơ quan chức năng đã phát hiện 4 cửa hàng xăng dầu, 7 trường mầm non, 4 chung cư mini, 4 chợ, trung tâm thương mại mất an toàn về PCCC.
Mới đây, tại Hội thảo "Công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư", do Bộ Xây dựng tổ chức, đại diện Cục Cảnh sát PCCC &CNCH, Bộ Công an cho biết tất cả chung cư khi xây dựng đều phải trải qua các bước thẩm duyệt về thiết kế PCCC. Khi được phê duyệt theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng, chủ đầu tư phải thực hiện đúng theo bản vẽ và đúng những gì được duyệt.
Quá trình xây dựng nếu chủ đầu tư làm sai, thanh tra xây dựng sẽ kiểm tra và lập biên bản tạm đình chỉ. Những bước này, cảnh sát PCCC không có thẩm quyền can thiệp. Sau khi tòa nhà khánh thành, chủ đầu tư tự nghiệm thu và lập hồ sơ báo cáo, mời các đơn vị phòng cháy đến kiểm tra, kiểm duyệt.
"Mất bò mới lo làm chuồng"
Trên thực tế, nhiều chủ đầu tư cố tình cho người dân vào ở trước khi cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra. Nhiều chủ đầu tư đã bị xử phạt vì cho cư dân vào ở, trong khi thiết bị phòng cháy chữa cháy chưa đầy đủ, không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, số tiền phạt hiện nay còn thấp, không đủ răn đe. Bên cạnh đó, nhiều chung cư mini, cơ quan chức năng không biết ai là chủ để phạt...
Thêm nữa, việc nhiều cơ sở liên tục được "nhắc tên" vi phạm PCCC&CNCH là do một mặt chủ đầu tư coi nhẹ công tác an toàn phòng chống cháy nổ, mặt khác các thiết bị PCCC thường khá đắt nên cắt bớt các thiết bị trong khi thi công, đến khi cơ quan công an kiểm tra tiến hành tranh tra mới bị phát hiện.
Bên cạnh đó, quá trình sử dụng, chủ đầu tư (hoặc ban quản trị) không thường xuyên kiểm tra nên đến khi xảy ra sự cố thì các thiết bị không hoạt động được.
Điển hình, chung cư Carina ở TP. Hồ Chí Minh xảy ra sự cố cháy khiến nhiều người thiệt mạng, một phần do các thiết bị báo cháy không hoạt động nên không có cảnh báo cho người dân.
Có những chung cư, dự án được xây dựng từ trước khi có Luật PCCC sửa đổi năm 2013 nên các thiết bị chưa tương thích.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Tổng Giám đốc MHDI, cho biết đơn cử như cửa ngăn khói từ hầm để xe lên cầu thang thoát hiểm trước Luật 2013 có thể bằng cửa cuốn, nhưng sau khi Luật sửa đổi thì cửa ngăn khói phải là cửa kính hoặc cửa chống cháy. Hơn nữa, những dự án được xây dựng từ những năm 2004 không có phí bảo trì 2% nên không thể có đủ kinh phí để thay hàng loạt cửa ngăn khói.
Đánh giá về công tác PCCC, ông Nguyễn Thành Trung – chuyên gia quản lý vận hành toà nhà CBRE Hà Nội, cho rằng duy trì hoạt động PCCC không nên đợi đến lúc "mất bò mới lo làm chuồng". Hiệu quả của hoạt động PCCC không cao do trong quá trình thực hiện có vấn đề của các đơn vị liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị vận hành, chủ đầu tư và người dân.
Theo ông Trung, mỗi nhân viên quản lý tòa nhà phải hiểu biết về hệ thống thiết kế, nội quy quy định của tòa nhà, hiểu sâu được những quy định trong công tác PCCC tại tòa nhà. Như thế sẽ ngăn ngừa được rủi ro có thể xảy ra trong tòa nhà.