Tâm điểm thị trường tài chính tuần này: Fed và Iraq
(Tài chính) Nhiều khả năng QE3 sẽ được giảm thêm 10 tỷ USD và giới đầu tư đang cố gắng xác định thời điểm Fed nâng lãi suất. Bên cạnh đó, căng thẳng bạo lực tại Iraq cũng là tâm điểm tuần.
Cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ là thời điểm quan trọng đối với diễn biến trên thị trường tài chính tuần này. Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng sẽ nghe ngóng tình trạng theo thang bạo lực tại Iraq và những tác động lên thị trường dầu mỏ.
Cuộc họp chính sách của Fed sẽ diễn ra vào hai ngày thứ 3 và thứ 4 tuần này. Sẽ không bất ngờ nếu cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của Mỹ đưa ra quyết định cắt giảm thêm 10 tỷ USD trong chương trình mua tài sản hàng tháng.
Trong khi chương trình nới lỏng định lượng lần thứ 3 (QE3) sẽ kết thúc sớm, thị trường tài chính đang đặt kỳ vọng lớn vào những chỉ số kinh tế tác động đến thời điểm mà Fed sẽ lựa chọn để bắt đầu nâng lãi suất.
Trong một diễn biến khác về lãi suất, theo phát biểu của Thống đốc Mark Carney vào tối thứ 5 tuần trước, có vẻ như Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ là NHTW lớn đầu tiên tiến hành nâng lãi suất kể từ sau khủng hoảng năm 2008.
Unicredit bình luận trong một lưu ý gửi khách hàng: "Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thứ hai trong quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ. Với thời điểm kết thúc QE3 dự kiến sẽ diễn ra vào mùa hè hoặc đầu mùa thu tới, sự chú ý từ nay trở đi sẽ dành cho việc tăng lãi suất".
Đặc biệt, các nhà đầu tư đang chờ đợi các dự báo kinh tế mới do Fed công bố hàng quý (3 tháng một lần). Trong bản dự báo gần nhất hồi tháng 3, Fed đã đưa ra dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng 2,25% vào cuối năm 2016, cao hơn hẳn so với dự báo 1,75% được đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái.
Sự tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm 2014 là đáng thất vọng. Theo số liệu ước tính lần hai vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/5, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế Mỹ đã giảm 1% trong quý I/2014. Đây là quý tăng trưởng âm đầu tiên sau 3 năm của nền kinh tế số một thế giới. Lần gần nhất kinh tế Mỹ lâm vào suy giảm tăng trưởng đã diễn ra vào quý I/2011.
Thị trường đang chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed sẽ được công bố vào tối thứ 4. Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng hết sức thận trọng trước các sự kiện đang diễn ra tại Iraq.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không loại trừ khả năng không kích nhằm giúp đỡ Chính phủ Iraq trong việc ngăn chặn phiến quân Hồi giáo dòng Sunni tự xưng thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIS) - nhóm Hồi giáo vũ trang vốn được coi là một liên minh với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Tuy nhiên sau đó, ông Obama nói rằng sẽ mất vài ngày để đánh giá tình hình.
Trong khi đó, tàu sân bay George H.W. Bush đã được gửi đến vùng Vịnh và Thủ tướng Iraq Nouri al Maliki (người Shia) đảm bảo sẽ ngăn chặn sự nổi dậy tấn công của chiến binh Hồi giáo cực đoan dòng Sunni.
Phần lớn dầu mỏ xuất khẩu của Iraq đến từ phía Nam nước này - khu vực đã bị phiến quân Hồi giáo dòng Sunni đánh chiếm. Lực lượng người Kurd đã triển khai lực lượng chiếm giữ thành phố giàu dầu mỏ Kirkuk sau khi quân đội Chính phủ buông vũ khí.
Vào thứ 6 tuần trước, tình trạng bạo lực leo thang tại Iraq đã đẩy giá dầu lên cao nhất 9 tháng ngay cả khi xuất khẩu dầu mỏ của Iraq chưa bị ảnh hưởng trong thời điểm này.