Tâm lý ngại vay cản bước bất động sản
Mức lãi suất hiện nay vẫn là rào cản đối với khách hàng mua nhà cũng như chủ đầu tư các dự án có đầu ra sản phẩm tương đối khả thi kèm theo đó là giá bất động sản (BĐS) được kỳ vọng giảm thêm nên khách hàng cá nhân vẫn chưa mặn mà với việc nhờ ngân hàng tài trợ vốn để mua nhà, cho dù nhu cầu luôn tăng.
Cho vay nhiều
Động thái giải cứu thị trường BĐS nhằm giải phóng hàng tồn kho cũng như đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu của cơ quan điều hành gần đây đã thực sự mang lại hơi thở cho thị trường. Nổi bật trong chủ trương này là gói 20.000-40.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hỗ trợ các ngân hàng thương mại (NHTM) với lãi suất thấp, kỳ hạn hợp lý để các NHTM cho người dân vay, mua nhà công bố.
NHNN cũng chỉ đạo các NHTM Nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các NHTM nhà nước) để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và cho vay đối với các doanh nghiệp (DN) xây dựng nhà ở xã hội, DN chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp…
Hưởng ứng chủ trương trên cũng như kỳ vọng đẩy được tăng trưởng dư nợ, phá băng thị trường nhà đất và giải quyết được nợ xấu, các ngân hàng thời gian qua tích cực giảm dần lãi suất để đẩy vốn ra thị trường. Tuy nhiên vấn đề không phải vốn dành bao nhiêu để cho vay BĐS mà là điều kiện vay và thời hạn ấn định lãi suất khi cả người mua nhà đều chưa hiểu rõ lãi vay mấy tháng đầu ấn định sau đó sẽ là bao nhiêu.
Theo đại diện các ngân hàng, trước khi triển khai chủ trương trên, các ngân hàng đã đưa lãi suất hiện về mức hợp lý nhằm kích tín dụng lĩnh vực này vì “room” tín dụng của các ngân hàng còn khá lớn, trong đó với tín dụng BĐS dư địa cho vay còn nhiều. Nói như ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc Eximbank, tính đến nay dư nợ tín dụng BĐS của Eximbank chỉ chiếm khoảng 4 – 5% nên dư địa cho vay ở lĩnh vực này còn rất lớn.
Tương tự, ông Phạm Linh - Phó tổng giám đốc OCB cũng cho biết, dư địa cho vay ở lĩnh vực này tại OCB còn rất lớn. Hiện dư nợ tín dụng BĐS chỉ mới chiếm khoảng 4 – 5% trong tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế đáng ngạc nhiên là suốt thời gian qua, tiến độ giải ngân của các gói vốn lãi suất ưu đãi này lại khá chậm.
Giải ngân không bao nhiêu
Theo phản ánh của nhiều người dân, mức lãi suất hiện nay vẫn cao, thời gian cho vay lại ngắn khiến áp lực trả nợ lớn. Quả thực, bản thân những người điều hành ngân hàng thừa nhận, lãi suất 8 – 12%/năm chỉ được ngân hàng áp dụng trong 3 tháng đầu tiên nên chưa thực sự hấp dẫn đối với khách hàng. Theo đó, người mua nhà vẫn còn tâm lý kỳ vọng thị trường nhà, đất và lãi suất giảm thêm trong thời gian tới mới quyết định mua nhà.
Tuy nhiên cũng cần phải hiểu rằng, trước xu hướng nợ xấu tăng nhanh và rơi nhiều vào lĩnh vực BĐS, do các ngân hàng đã mạnh tay đẩy vốn vào thị trường nhà đất trong những năm qua, khiến tín dụng BĐS đóng băng hơn hai năm nay. Các ngân hàng chỉ triển khai cho vay đối với phân khúc khách hàng cá nhân. Đặc biệt do rủi ro lớn, thời hạn cho vay dài nên lãi suất cũng phải tăng tương ứng để phòng rủi ro. Như vậy, do áp lực lãi suất cao, cộng với giá BĐS được kỳ vọng giảm thêm nên khách hàng cá nhân vẫn chưa mặn mà với việc nhờ ngân hàng tài trợ vốn để mua nhà, cho dù nhu cầu luôn tăng.
Mặc dù thừa nhận, lãi suất cho vay BĐS còn cao, song các điều kiện tín dụng trong cho vay mua nhà trả góp hiện nay cũng thông thoáng hơn so với 3 quý đầu năm 2012. Tuy nhiên tiến độ giải ngân vốn hiện nay vẫn khá chậm. Nguyên nhân vì vay vốn trong thời điểm này để mua nhà trả góp theo cá nhân chưa hẳn là giải pháp được ưu tiên, vì vậy tâm lý của nhiều người còn chờ đợi xu hướng giảm thêm của giá nhà đất.
Ngay cả các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, để giải ngân được vốn vào lĩnh vực này dù có hỗ trợ nhiều mặt nhưng hoàn toàn không dễ dàng như trước, một phần do rủi ro thị trường gia tăng buộc ngân hàng phải thận trọng hơn nên dư nợ tín dụng vào lĩnh vực này rất thấp. Mặt khác, thị trường ngày càng khó khăn khiến tâm lý của người vay (cá nhân, doanh nghiệp ) trở nên bàng quan hơn.
Ông Trần Anh Tuấn - Tổng giám đốc NamA Bank: Lãi vay 5-6% chưa cải thiện được thị trường
Gói tín dụng gần 40.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm để hỗ trợ các NHTM Nhà nước phục vụ cho vay đối với những người mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp là chính sách đúng đắn. Khả năng phân khúc tín dụng BĐS về nhà ở cho khách hàng cá nhân sẽ sôi động hơn trong năm 2013. Điều đó sẽ tác động tích cực lên thị trường nhà đất. Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng sớm hồi phục ở phân khúc căn hộ cao cấp cũng như đất nền dự án… Nói như thế vì tín dụng BĐS luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thực tế nợ xấu tăng lên trong thời gian qua chủ yếu rơi vào lĩnh vực nhà, đất.
Do đó, để có thể phát triển tín dụng ở lĩnh vực này các ngân hàng luôn thận trọng và tập trung vào cho vay mua nhà. Một vấn đề đáng chú ý là cho dù có giảm lãi suất xuống sâu hơn nữa cũng chưa giải quyết được vấn đề của thị trường. Vì thực ra, hiện nhiều chủ đầu tư đang bắt tay với ngân hàng cho vay không lãi mua nhà, hoặc lãi suất thấp chỉ 5-6% cho đến khi trả hết tiền, nhưng nhiều dự án vẫn không cải thiện thanh khoản, do vấn đề quan trọng nhất là người dân vẫn có tâm lý chờ đợi giá xuống tiếp.
Ông Phạm Hồng Hải - Phó Tổng giám đốc HSBC Việt Nam: Cho vay cá nhân rủi ro ít hơn
Nhìn chung, các ngân hàng vẫn kiểm soát nhưng không quá chặt đối với tín dụng BĐS như 2 quý đầu năm 2012, nhất là cho vay mua nhà trả góp. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn vào BĐS lúc này vẫn khó tăng, dù lãi suất đã giảm. Đối với DN, trong giai đoạn này, các chủ đầu tư có dự án hiệu quả vẫn chưa mặn mà với vốn vay, do thị trường BĐS còn đóng băng và đầu ra cũng hạn chế.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng chỉ chọn những dự án đã hoàn thành và đầu ra tốt để hỗ trợ vốn cho chủ đầu tư. Đối với phân khúc cá nhân, ngân hàng tập trung nhiều vốn hơn vì khối này hạn chế được nhiều rủi ro nợ xấu. Song, thời gian qua việc cho vay vẫn không đạt được nhiều kết quả như mong muốn.
Với gói hỗ trợ BĐS mà Chính phủ đưa ra trong quý I/2013, hy vọng hiệu ứng lan tỏa của chính sách tới các phân khúc sản phẩm khác và tới các DN BĐS khác nếu ngành Ngân hàng sớm giải quyết được nợ xấu liên quan tới BĐS như kỳ vọng. Như vậy, vấn đề quan tâm lúc này là thực hiện như thế nào và các rào cản trong quá trình thực hiện các giải pháp. Đồng thời, bản thân các DN cũng phải có những động thái tích cực, chứ không thể trông chờ hoàn toàn vào Chính phủ.