Tận dụng mọi cơ hội duy trì và phát triển kinh tế
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực nhiều mặt đến hoạt động sản xuất kinh doanh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Song song với phòng, chống dịch, phải tận dụng mọi cơ hội để duy trì và phát triển kinh tế, trong đó vai trò “bà đỡ” của Nhà nước lúc này là hết sức quan trọng.
Thông điệp mạnh mẽ, tạo niềm tin cho người dân
PV: Những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 kể từ khi Hà Nội phát hiện ca bệnh đầu tiên đến nay khiến nhiều người dân lo lắng. Theo dõi công tác phòng, chống dịch bệnh của nước ta thời gian qua, ông có cảm nhận như thế nào?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi chia sẻ với lo lắng của người dân. Tâm trạng này cũng là bình thường bởi dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với những kết quả phòng, chống dịch của nước ta thời gian qua, kể cả khi Hà Nội phát hiện bệnh nhân Covid-19 đầu tiên và chúng ta phải tiến hành cách ly hàng nghìn người có liên quan trên cả nước - thì phải nói rằng, chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt tình hình.
Cũng giống như bất kỳ người dân nào, tôi thường xuyên cập nhật các thông tin về dịch bệnh Covid-19 và đánh giá rất cao sự điều hành, chỉ đạo hết sức quyết liệt của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó có vai trò nòng cốt của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, chính quyền các cấp... đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ các phương án ứng phó với dịch bệnh, phòng ngừa, khoanh vùng, cách ly, chữa trị cho bệnh nhân và cách ly, theo dõi những người tiếp xúc với bệnh nhân.
Đến thời điểm này, chúng ta chưa để xảy ra tình trạng lây nhiễm và bùng phát bệnh dịch trong cộng đồng như một số quốc gia khác; đồng thời, cũng chưa có bệnh nhân nào bị thiệt mạng. Đây là thành công rất lớn của Việt Nam, không chỉ người dân ghi nhận mà cộng đồng quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới cũng phải công nhận.
Đặc biệt, trong cuộc họp ngày 9/3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp tục nhắc lại quan điểm nhất quán của Chính phủ là “chống dịch như chống giặc”; khẳng định, Việt Nam đủ năng lực, nguồn lực, kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ không bị động, bất ngờ trên mặt trận bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tôi cho rằng, đây là thông điệp rất rõ ràng, mạnh mẽ và tạo được niềm tin cho nhân dân đối với việc kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Chúng ta đã bước vào giai đoạn 2 của “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 với dự báo sẽ khó khăn hơn giai đoạn 1 bởi dịch đã lan rộng ra hơn 100 quốc gia và diễn biến hết sức phức tạp. Theo ông, trong giai đoạn này, công tác phòng, chống dịch ở nước ta cần lưu ý điều gì?
Từ thực tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, tôi cho rằng cũng có một số vấn đề cần khắc phục và tiếp tục thực hiện thật tốt trong thời gian tới.
Trước hết là, phải quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với người từ các nước đang có dịch, chứ không phải chỉ từ những vùng trọng điểm dịch của nước đó vào Việt Nam. Điều này sẽ giúp chúng ta kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu thông quan, chủ động theo dõi quá trình di chuyển, diễn biến sức khỏe của những người nhập cảnh nước ta và kịp thời phát hiện, xử lý nếu phát hiện có dấu hiệu nhiễm virus Sars - Cov - 2. Khẩn trương thực hiện việc tạm thời không cấp visa nhập cảnh Việt Nam cho người đến từ một số quốc gia mà hiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Thứ hai, một chủ trương rất đúng, đó là phải thực hiện tốt việc khai báo y tế tự nguyện; tiếp tục vận động, kêu gọi toàn dân vào cuộc, sát cánh với Chính phủ và chính quyền các địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19; tránh để xảy ra câu chuyện đáng tiếc như vừa qua, đó là một bộ phận người dân hoang mang, lo lắng trước các thông tin giả lan truyền trên mạng xã hội rồi đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm tích trữ.
Điều này vừa khó kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, vừa dẫn đến tâm lý sợ hãi trong nhân dân. Từng cấp chính quyền đã và đang làm tốt thì cần tiếp tục làm tốt và kịp thời hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ rằng, tình hình cũng như công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của chúng ta đến thời điểm này rất tốt. Qua đó, từng người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thứ ba, phải xử lý nghiêm minh những người có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, nhưng không khai báo trung thực với cơ quan chức năng để thực hiện kịp thời các biện pháp phòng vệ cho chính bản thân họ và cho xã hội.
Khẩn trương thực hiện nghiêm “gói giải cứu”
Ngày 4/3 vừa qua, Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch cũng đã được Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành. Nhìn từ các lĩnh vực mà Ủy ban Về các vấn đề xã hội theo dõi, ông thấy những biện pháp này như thế nào?
Ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid-19, Chính phủ đã xác định tập trung thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đúng là đến thời điểm này, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp, người lao động và cả nền kinh tế đang bộc lộ ngày càng rõ. Vì thế, việc cần làm ngay là thực hiện nghiêm các biện pháp nêu trong Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/3/2020.
Đây là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là các biện pháp về: cân đối, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch, thực hiện gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng; gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và không tính lãi phạt chậm nộp cho các đối tượng bị ảnh hưởng...
Có thể nói rằng, “gói giải cứu” này khác với tất cả các “gói giải cứu” mà Chính phủ đã thực hiện trước đây. Tôi đánh giá đây là những chính sách rất tốt, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng ta không đánh đổi lợi ích kinh tế lấy tính mạng, sự an toàn của người dân là rất đúng, nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không phát triển được kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Phải tận dụng mọi cơ hội để duy trì và phát triển kinh tế, trong đó vai trò “bà đỡ” của Nhà nước lúc này là hết sức quan trọng.
Một vấn đề cần lưu ý là, do tác động của dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp phải đóng cửa, hoặc tạm dừng hoạt động dẫn đến thất nghiệp hoặc thất nghiệp tạm thời. Cần rà soát, thống kê và kịp thời chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị thất nghiệp để họ có thể bảo đảm được cuộc sống hàng ngày và có thể được đào tạo, nâng cao tay nghề hoặc có thể chuyển sang ngành nghề khác, duy trì được thu nhập. Đây là vấn đề hết sức quan trọng vì nếu không, người lao động sẽ dễ bị khó khăn kép: Vừa chống đỡ với dịch bệnh Covid-19, vừa chống đỡ với việc không có thu nhập, không bảo đảm được cuộc sống của bản thân và gia đình.
Được biết, hiện Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang kết dư khoảng 70 nghìn tỷ đồng. Theo ông, ngoài chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, có thể lấy từ nguồn này để hỗ trợ doanh nghiệp đang bị đình trệ sản xuất hay không?
Đối với các doanh nghiệp hiện đang phải tạm dừng sản xuất do thiếu nguyên liệu, do không xuất khẩu được hàng hóa thì có thể tranh thủ thời gian này tổ chức đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho người lao động. Có thể dùng một phần Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc này. Với khoảng 70 nghìn tỷ đồng kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiện nay, theo tôi, có thể vận dụng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.
Xin cảm ơn ông!