Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát

Nguyệt Hà

Chiều 3/7, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, chiều 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, hội nghị đã nhận định, trong 6 tháng qua, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột leo thang ở nhiều nơi; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu chậm lại; giá dầu thô, giá vàng biến động mạnh; chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, tác động, ảnh hưởng ngày càng nặng nề.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: VGP
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ tình hình kinh tế - xã hội nhìn chung tháng sau tốt hơn tháng trước. Theo đó, GDP quý II/2025 ước tăng 7,67%, đặc biệt, các địa phương đầu tàu tăng trưởng đạt kết quả tốt. Nếu tính theo 63 tỉnh, thành phố cũ thì có10 địa phương tăng trưởng 2 con số, còn tính theo 34 tỉnh, thành phố mới thì có 6 địa phương tăng trưởng 2 con số (Quảng Ngãi tăng 11,51%, Hải Phòng 11,2%, Quảng Ninh 11,03%, Ninh Bình 10,82%, Bắc Ninh 10,47% và Phú Thọ 10,09%).

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI bình quân 6 tháng tăng 3,27%. Xuất nhập khẩu tháng 6 đạt gần 76,15 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đạt trên 432 tỷ USD, tăng 16,1%, xuất siêu 7,63 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý II/2025 tăng 10,5%, 6 tháng tăng 9,8%. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 6 đạt 32,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ 4,26%. Thu hút FDI 6 tháng đạt 21,5 tỷ USD, tăng 32,5%, cao nhất 15 năm qua; vốn FDI thực hiện tăng 8,1%.

Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông. Sản xuất kinh doanh khởi sắc. Trong tháng 6/2025, có 24,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay; hộ kinh doanh thành lập mới đạt trên 124,3 nghìn hộ, tăng 118,4%. Tính chung 6 tháng có 152,7 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (127,2 nghìn doanh nghiệp).

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng cho biết, Chính phủ nhìn nhận còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, tỷ giá còn cao; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn; tăng trưởng GDP 6 tháng tuy khả quan nhưng thấp hơn kịch bản đã đề ra (7,6%), tạo sức ép lên các quý tiếp theo; một số quy định pháp luật, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; bộ máy cấp tỉnh, cấp xã mới đi vào hoạt động từ 01/7/2025 với nhiều yếu tố mới (con người, quy định, thẩm quyền, không gian phát triển, yêu cầu…); buôn lậu, gian lận xuất xứ, hàng giả, không rõ nguồn gốc và thiên tai, biến đổi khí hậu… diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo. Ảnh: VGP
Thứ trưởng Bộ Công Thương trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo. Ảnh: VGP

Trả lời câu hỏi của phóng viên về quy định chuyển trách nhiệm kê khai và nộp thuế của cá nhân kinh doanh theo Nghị định số 117/2025/NĐ-CP về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Nghị định đánh dấu một bước tiến trong công tác quản lý thuế trên nền tảng thương mại điện tử. Theo đó, trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thuế (GTGT, TNCN) sẽ do các tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử có chức năng thanh toán thực hiện thay cho hộ, cá nhân kinh doanh.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, với trách nhiêm quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Bộ Tài chính (cơ quan thuế) trong việc chuẩn hóa, chia sẻ dữ liệu sàn và ứng dụng thương mại điện tử (bao gồm mã số thuế, định danh cá nhân, tình trạng hoạt động). Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng Dự án Luật Thương mại điện tử (dự kiến trình Quốc hội tháng 10/2025) để hoàn thiện khung pháp lý, bổ sung quy định về định danh điện tử và trách nhiệm sàn đối với các mô hình thương mại điện tử mới như livestream bán hàng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân kinh doanh tuân thủ pháp luật về thuế. Việc thu thuế, nộp thuế được quy định cụ thể tại Nghị định 117/2025 NĐ/CP…

Để triển khai Nghị định 117/2025, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, đặc biệt là các cơ quan thuế sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn với các sàn, người bán trên các sàn hiểu rõ hơn và thực hiện tốt các nghĩa vụ, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. “Hiện nay việc triển khai Nghị định 117/2025 đang diễn ra nghiêm túc và đồng bộ. Bộ Công Thương và cơ quan thuế tiếp tục chủ động chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng cơ chế phối hợp; các sàn thương mại điện tử đã tích cực chuẩn bị hệ thống, tổ chức truyền thông, hướng dẫn và hỗ trợ người bán nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả nghĩa vụ khấu trừ và nộp thuế thay từ thời điểm Nghị định có hiệu lực”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.