Tăng cơ hội phát triển kinh tế từ đàm phán các hiệp định thương mại
(Tài chính) Việt Nam đang tích cực tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, nếu biết tận dụng các cơ hội này, Việt Nam không chỉ phát triển xuất khẩu, giao lưu buôn bán thương mại hàng hóa vào các thị trường này mà còn tạo thế chủ động trong phát triển các ngành nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
Ông Vũ Tiến Lộc
Ông Vũ Tiến Lộc: Một trong những động lực rất quan trọng của TPP và Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU chính là cơ hội mở cửa thị trường nông sản của các nước này cho các hàng hóa nông sản của Việt Nam. Trước đây thì thuế cao, nhưng với việc chúng ta tham gia vào các hiệp định này thì thuế sẽ thấp xuống, là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu sang đó. Nhưng để xuất khẩu được hàng hóa nông sản của Việt Nam sang các nước này thì đương nhiên phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tổ chức lại và xây dựng các chuỗi giá trị nông sản, để bảo đảm cho hàng hóa nông sản của ta được sản xuất theo quy mô lớn, có chất lượng ổn định, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn và các tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường phương Tây. Nói chung, phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với công nghệ cao, gắn với quy mô lớn và hình thành các chuỗi giá trị nông sản từ khâu đầu đến khâu cuối để đảm bảo nâng cao giá trị gia tăng cũng như thâm nhập được vào thị trường này.
Chúng ta đang nói nhiều đến việc chủ động để tránh/giảm phụ thuộc vào các thị trường bên ngoài. Vậy, cụ thể, đối với lĩnh vực nông sản của Việt Nam theo Ông thì liệu có được những cơ hội nào từ các hiệp định thương mại cũng như cho việc tự chủ của Việt Nam?
Từ trước đến nay chúng ta nhập khẩu rất nhiều vật tư nông nghiệp từ các nước mà từ Trung Quốc rất là lớn. Khi chúng ta tham gia các hiệp định thương mại tự do, chúng ta có điều kiện để lựa chọn các nguồn cung ứng khác. Đặc biệt, chúng ta có điều kiện để thu hút đầu tư phát triển các loại vật tư, máy móc phục vụ nông nghiệp. Còn để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhập khẩu nguyên liệu đối với một số ngành như dệt may, giày dép, điện tử... các ngành công nghiệp, cơ khí thì một mặt thông qua TPP chúng ta có thể lựa chọn thị trường khác với giá cả có thể ít cạnh tranh hơn nhưng chất lượng sẽ cao hơn. Thứ hai là chúng ta cũng phải tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước. Chính phủ đã có các chủ trương, nghị định, chính sách để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và chỉ khi nào phát triển được công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh thì chúng ta mới tạo ra được giá trị gia tăng cao hơn của các ngành công nghiệp của Việt Nam.
Như vậy, để giảm sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài thì có 2 việc: Một là với TPP khi hàng rào thuế quan thấp xuống, thị trường mở ra thì chúng ta có điều kiện để lựa chọn các công nghệ thiết bị phụ tùng, nguyên vật liệu từ các thị trường khác để thay thế thị trường Trung Quốc, có thể là giá cả cao hơn nhưng chất lượng tốt hơn. Hai là sẽ có điều kiện hơn để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Thưa Ông, cụ thể là cần những gì để giúp đỡ ngành công nghiệp hỗ trợ và ai sẽ là trung tâm kết nối giữa nông nghiệp với thị trường và công nghiệp hỗ trợ?
Điều quan trọng trước hết là chính sách của Nhà nước, chính sách công nghiệp của Nhà nước, một định hướng phát triển ngành nghề, lĩnh vực. Hiện nay chúng ta đã có chiến lược công nghiệp hóa của Nhà nước. Chúng ta đề ra các lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế trong quá trình hội nhập và trong quá trình cạnh tranh. Trên cơ sở Chính phủ đã định hướng về các lĩnh vực mà chúng ta có lợi thế, các doanh nghiệp phải trên cơ sở các định hướng đó mà lựa chọn các lĩnh vực kinh doanh cụ thể của mình phù hợp với định hướng chiến lược về những ngành, lĩnh vực có lợi thế của nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng phải liên kết chặt chẽ với nhau và với các hiệp hội ngành hàng để hình thành ra các chuỗi giá trị. Và liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông nghiệp, với bà con nông dân để hình thành ra các chuỗi giá trị nông sản.
Xin cảm ơn Ông!