Hải quan Thanh Hóa:

Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm

PV. (t/h)

Trong thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng mạnh. Đây cũng là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, cơ quan hai quan đã phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn Thanh Hóa tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.

Bố trí lực lượng, kiểm soát chặt tại các cửa khẩu biên giới

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 3 cửa khẩu đất liền gồm: Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn), Cửa khẩu Tén Tằn (Mường Lát), Cửa khẩu Khẹo (Thường Xuân), giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Do đặc thù miền núi còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí của người dân chưa cao; đồng thời, vị trí địa lý đồi núi phức tạp, có nhiều đường tiểu ngạch nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp.

Cán bộ, công chức Hải quan Thanh Hóa tuyên truyền, vận động chính sách pháp luật đến với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Cán bộ, công chức Hải quan Thanh Hóa tuyên truyền, vận động chính sách pháp luật đến với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Dự báo, trong các tháng cuối năm 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy sẽ diễn biến phức tạp hơn so với những tháng đầu năm. Người dân qua lại giao thương hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế Na Mèo trở nên tấp nập. Mỗi ngày cửa khẩu đón lượng lớn hàng hóa, phương tiện xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu.

Các đối tượng thường trà trộn hàng lậu vào cùng với hàng chính ngạch để tìm cách thông quan; trong đó có cả hàng cấm. Bên cạnh đó, các đối tượng thường lợi dụng các lối mở đường biên giới, vận chuyển trực tiếp hàng trong đêm tối, vào những lúc thời tiết khắc nghiệt...

Trước tình trạng này, Lãnh đạo Cục Hải quan Thanh Hóa đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ, chi cục hải quan cửa khẩu chủ động phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Công an và chính quyền địa phương, người dân bám sát địa bàn, tăng cường nắm bắt tình hình để kịp thời ngăn chặng, đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; duy trì thực hiện tốt quy chế phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành.

Cán bộ hải quan kiểm tra buồng lái phương tiện, đảm bảo không có hàng nhập lậu qua biên giới trước khi thông quan. Hành lý của công dân nhập cảnh được kiểm tra qua hệ thống soi thông minh và giám sát ma túy…

Trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới cũng đang được Cục Hải quan Thanh Hoá phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường thực hiện. Nhờ đó, 10 tháng năm 2024, Hải quan Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra, xử phạt 87 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu...

Kiên quyết đấu tranh, xử lý vi phạm

Ông Hoàng Minh Giám - Đội trưởng đội kiểm soát hải quan, Cục Hải quan Thanh Hoá cho biết, từ nay đến cuối năm và giáp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, dự báo thị trường sẽ còn có những diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi của các đối tượng.

Thời điểm cuối năm, nhiều đối tượng thường trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, thực hiện các hành vi gian lận thương mại. Trong bối cảnh đó, Cục Hải quan Thanh Hóa triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả đấu tranh, xử lý vi phạm.

Theo đó, đơn vị sẽ chủ động nắm chắc tình hình, thường xuyên trao đổi, thông báo kịp thời những thông tin về đối sách giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ, an ninh biên giới, cửa khẩu, những chính sách kinh tế, đối ngoại của nước láng giềng có ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội, Quốc phòng-An ninh.

10 tháng năm 2024, Hải quan Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra, xử phạt 87 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
10 tháng năm 2024, Hải quan Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra, xử phạt 87 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Các Chi cục Hải quan trực thuộc tập trung phối hợp làm tốt công tác điều tra cơ bản, xác lập các kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm; chủ động thống nhất xây dựng trọng tâm, trọng điểm các phương án, kế hoạch nghiệp vụ đánh trúng những tụ điểm, đường dây vận chuyển ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới, cửa khẩu.

Bên cạnh đó, tại các cửa khẩu, lực lượng hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng  tuần tra, kiểm soát, tập trung địa bàn trọng điểm, thời gian trọng điểm; phối hợp luyện tập các phương án, sẵn sàng cơ động lực lượng, phương tiện xử lý vụ việc xảy ra tại cửa khẩu, cảng biển; các tình huống thiên tai, dịch bệnh và tham gia cứu hộ, cứu nạn, ứng phó thiên tai bão lũ.

Để tạo thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp, Hải quan Thanh Hóa tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan; triển khai hiệu quả công tác thu thập, xử lý thông tin, quản lý rủi ro, kế hoạch kiểm soát rủi ro và các chuyên đề kiểm soát rủi ro phù hợp với tình hình thực tế; thường xuyên rà soát, phân tích, đánh giá rủi ro trên địa bàn.

Ngoài các biện pháp trên, đơn vị tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp nghiêm quy định pháp luật về biên giới, cửa khẩu, các quy định về hoạt động qua lại biên giới, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, tham gia tích cực xây dựng địa bàn biên giới, cụm dân cư an toàn, không vi phạm Hiệp định quy chế biên giới, cửa khẩu, không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép.

Với sự chuẩn bị “kịch bản” kỹ lưỡng, cùng sự quyết tâm của đội ngũ công chức, Cục Hải quan Thanh Hóa sẽ đấu tranh hiệu quả, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy, góp phần giữ vững an ninh trên địa bàn Tỉnh.

 

Cục Hải quan Thanh Hóa triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả đấu tranh, xử lý vi phạm. Theo đó, đơn vị sẽ chủ động nắm chắc tình hình, thường xuyên trao đổi, thông báo kịp thời những thông tin về đối sách giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ, an ninh biên giới, cửa khẩu, những chính sách kinh tế, đối ngoại của nước láng giềng có ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.