Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế

Việt Dũng

Trong thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra thuế được thực hiện đúng quy chế, quy trình đã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện 26.910 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 437.747 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra thuế là 18.813 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm 2022 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 07/7/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan thuế đã thực hiện 26.910 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 437.747 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 18.813 tỷ đồng, số tiền đã nộp NSNN (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) là 3.632 tỷ đồng.

Đạt được kết quả này là nhờ trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan Thuế đã đẩy mạnh triển khai hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Theo đó, Tổng cục Thuế tập trung chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp kết hợp với việc kiểm tra sử dụng hóa đơn nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp của doanh nghiệp, qua đó xử lý vi phạm về hóa đơn, về thuế theo qui định.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT, thực hiện đánh giá, phân loại rủi ro các hồ sơ hoàn để thực hiện thanh tra, kiểm tra 100% trong vòng một năm (kể từ thời điểm hoàn thuế) đối với các hồ sơ xác định có rủi ro cao đặc biệt với hoàn thuế xuất khẩu một số mặt hàng như: tinh bột sắn, cao su, hạt điều, dăm gỗ, nông sản…; Thực hiện rà soát, phân tích rủi ro và tiến hành thanh tra kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết và doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử trên toàn quốc. Rà soát, phân loại các trường hợp người nộp thuế rủi ro về hoàn thuế GTGT để thực hiện giám sát trọng điểm trong công tác quản lý thuế, quản lý hoàn thuế GTGT, thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT...

Ngành Thuế cũng phối hợp với Cơ quan Hải Quan để xác minh nguồn gốc hàng hóa, tờ khai nhập khẩu, các lô hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp hoàn thuế và việc vận chuyển hàng hoá liên quan đến lô hàng xuất khẩu; Phối hợp với Cơ quan Công an để thực hiện xác minh các giao dịch kinh tế phát sinh; Phối hợp với Cơ quan Ngân hàng để xác minh việc thanh toán qua ngân hàng; Phối hợp với cơ quan Công an trong việc phát hiện các hành vi gian lận hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế;…

Trong các tháng cuối năm, cơ quan Thuế tiếp tục tập trung thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch năm 2022. Trong đó, chú trọng đối với các doanh nghiệp có tăng trưởng, ít bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; Tăng cường công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế theo phương thức quản lý rủi ro...

Ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích, kiểm tra hồ sơ khai thuế nhằm phát hiện và xử lý vi phạm về thuế qua kiểm ta tại trụ sở cơ quan thuế; Chỉ đạo các đoàn Thanh tra, kiểm tra tiếp tục thực hiện phân loại rủi ro, tập trung phân tích chuyên sâu thông qua các báo cáo doanh nghiệp trên các ứng dụng của ngành Thuế và thông tin thu thập để giảm thời gian làm việc tại doanh nghiệp.

Đồng thời, tăng cường giao dịch điện tử trong thanh tra, kiểm tra thuế qua việc triển khai và đẩy mạnh trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Xây dựng phương án triển khai công tác thanh tra, kiểm tra linh hoạt, kịp thời ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đảm bảo triển khai công tác thanh tra, kiểm tra thuế hiệu quả, an toàn, phù hợp với các quy định phòng chống dịch của Chính phủ và phù hợp với diễn biến thực tế của từng địa phương.

Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Bộ Thông tin và Truyền thông; các sở Thông tin và Truyền thông để tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet...