Tăng cường hiệu quả công tác cấp và kiểm tra C/O để chống gian lận xuất xứ hàng hoá

Bích Hà

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị các cơ quan, tổ chức cấp C/O thực hiện đầy đủ trách nhiệm về việc cấp, kiểm tra, xác minh C/O theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và các văn bản quy định hiện hành; đẩy mạnh công tác phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua việc tăng cường hiệu quả công tác cấp và kiểm tra C/O.

Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, về việc cấp C/O ưu đãi, hiện nay, các cơ quan, tổ chức cấp C/O của Bộ Công Thương đang cấp 18 loại C/O tương ứng với 18 FTA, trong đó có 10 C/O đã triển khai cấp C/O điện tử với chữ ký, con dấu điện tử của cơ quan, tổ chức cấp C/O kèm theo mã QR để xác minh tính xác thực của C/O. Bên cạnh đó có 3 C/O mẫu D, mẫu AK, VK (sang thị trường Hàn Quốc) đã thực hiện việc trao đổi dữ liệu cấp C/O điện tử.

Bên cạnh đó, 3 C/O mẫu D, mẫu AK, VK (sang thị trường Hàn Quốc) đã thực hiện việc trao đổi dữ liệu cấp C/O điện tử. Từ ngày 5/5/2025, các cơ quan cấp C/O nêu trên sẽ thực hiện cấp tất cả các loại C/O không ưu đãi, CNM, tiếp nhận đăng ký mã số REX và các loại C/O ưu đãi theo FTA.

Vì vậy, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các cơ quan, tổ chức cấp C/O thực hiện đầy đủ trách nhiệm về việc cấp, kiểm tra, xác minh C/O theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và các văn bản quy định hiện hành; đẩy mạnh công tác phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua việc tăng cường hiệu quả công tác cấp và kiểm tra C/O đặc biệt đối với doanh nghiệp có lượng hồ sơ đề nghị cấp tăng đột biến.

Chủ động rà soát, theo dõi công tác cấp C/O, kịp thời báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý khi phát hiện các vấn đề vi phạm về quy trình thực hiện cấp C/O và gian lận xuất xứ và tăng cường công tác tổ chức triển khai công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất (trước và sau khi cấp C/O) theo quy định tại Thông tư số 39/2018/TT-BCT.

Trước đó, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 1103/QĐ-BCT năm 2025 ban hành Quyết định số 1103/QĐ-BCT về việc thu hồi quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cấp Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ và tiếp nhận đăng ký mã số chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Na Uy và Thụy Sỹ đối với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Quyết định 1103/QĐ-BCT nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Công Thương thu hồi quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ (CNM) và tiếp nhận đăng ký mã số chứng nhận xuất xứ hàng hóa (mã số REX) theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Na Uy và Thụy Sỹ được Bộ trưởng Bộ Công Thương ủy quyền cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo đó, từ ngày 5/5/2025, VCCI chấm dứt việc cấp toàn bộ các loại C/O mẫu A, C/O mẫu B, C/O không ưu đãi theo quy định của nước nhập khẩu, CNM, C/O mẫu GSTP và đăng ký mã số REX.

Ngày 15/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa trong tình hình mới. Trong đó giao nhiệm vụ Cục Xuất nhập khẩu tổ chức triển khai công tác thực hiện cấp các loại C/O không ưu đãi, CNM và đăng ký mã số REX tại các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực thuộc Cục Xuất nhập khẩu sau khi thu hồi quyền cấp các loại C/O không ưu đãi, CNM và đăng ký mã số REX từ VCCI.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trước bối cảnh tình hình thương mại quốc tế biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường, công tác quản lý xuất xứ hàng hóa ngày càng đóng vai trò then chốt trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy thương mại theo hướng cân bằng, bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Việt Nam và các đối tác, đồng thời không làm phương hại đến các cam kết quốc tế về xuất xứ hàng hóa mà Việt Nam đã tham gia. Việc thực hiện tốt công tác này cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu.

 

Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) quý 1/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, khu vực kinh tế trong nước đạt 29,02 tỷ USD, tăng 15,0%, chiếm 28,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 73,82 tỷ USD, tăng 9,0%, chiếm 71,8%.