Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế phi chính thức
Khu vực kinh tế phi chính thức luôn tồn tại như một tất yếu khách quan, luôn chịu sự tác động của các quy luật kinh tế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng như hiệu lực của hệ thống pháp luật ở mức độ khác nhau, tùy thuộc vào mỗi quốc gia. Bài viết trao đổi về thực trạng kinh tế phi chính thức ở nước ta, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tiềm năng này.
Các quan điểm khác nhau về kinh tế phi chính thức
Trên thế giới, khu vực kinh tế phi chính thức tồn tại từ lâu và đã trở thành một bộ phận quan trọng cấu thành của các nền kinh tế. Trên thực tế, thuật ngữ “Khu vực kinh tế phi chính thức” đầu tiên do Hart (1973) đề xuất để mô tả một khu vực kinh tế truyền thống ở các nền kinh tế đang phát triển. Nguyên gốc của sự phân biệt giữa khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức là dựa trên sự phân biệt giữa lao động được trả lương và lao động tự tạo việc làm (lao động tự làm). Nghiên cứu của Feige (1996) cho rằng, nền kinh tế phi chính thức bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế không được tính toán vào tổng sản phẩm quốc gia và khó có thể đo lường được.
Trong khi đó, quan điểm của Tổ chức Lao động Thế giới (2002) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (2002) coi kinh tế phi chính thức là khu vực “kinh tế chưa được quan sát” với 3 thành tố sau: Nền kinh tế phi chính thức (thoát khỏi một phần hoặc hoàn toàn các quy định của Nhà nước, đặc biệt là ở các nước đang phát triển: lao động tự làm); Kinh tế ngầm (tránh các quy định của Nhà nước nhằm cố ý khai thấp doanh số; Kiểu chợ đen nhằm tránh kiểm toán thuế) và Kinh tế bất hợp pháp (buôn bán các sản phẩm và dịch vụ bất hợp pháp như ma túy, mại dâm…).
Như vậy, khu vực kinh tế phi chính thức được hiểu ở đây gồm tất cả các hộ sản xuất kinh doanh chưa có tư cách pháp nhân, chưa đăng ký kinh doanh nhưng vẫn sản xuất hàng hóa dịch vụ để bán hoặc trao đổi trên thị trường. Đồng thời, việc làm phi chính thức được hiểu là việc làm không có bảo hiểm xã hội, nghĩa là việc làm của cả khu vực kinh tế phi chính thức và có thể một phần việc làm của khu vực kinh tế chính thức.
Tựu chung, trên thế giới hiện có rất nhiều tên gọi liên quan đến nền kinh tế phi chính thức như: Khu vực kinh tế phi chính quy, kinh tế mờ, kinh tế bóng đêm, kinh tế ngầm, kinh tế không được quan sát… Dù tên gọi khác nhau nhưng các khái niệm trên đều phản ánh bản chất hoạt động kinh tế của một khu vực trái ngược với khu vực kinh tế chính thống và không thể phủ nhận nó là một bộ phận rất quan trọng trong nền kinh tế mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, quan điểm về khu vực kinh tế phi chính thức được Tổng cục Thống kê nhìn nhận là khu vực kinh tế "chưa được quan sát" gồm 5 thành tố: (1) Là hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp nhưng chủ các cơ sở kinh doanh không khai báo vì mục đích trốn thuế; (2) Các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, bị pháp luật cấm như buôn bán ma túy, bao gồm cả hoạt động hợp pháp; (3) Là khu vực kinh tế chính thức chưa được quan sát như: hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, không phân biệt sản xuất kinh doanh hay hộ cá thể hoặc không có hợp đồng lao động…; (4) Là khu vực kinh tế tự sản tự tiêu của hộ gia đình như hộ gia đình tự sản xuất, tự tích lũy để trang trải cho cuộc sống; (5) Là các hoạt động thu thập dữ liệu cơ bản bị bỏ sót.
Thực trạng kinh tế phi chính thức ở Việt Nam
Trong những năm qua, sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận sự phát triển và đóng góp đáng kể của hoạt động kinh tế phi chính thức. Khu vực kinh tế này đã tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều người dân, đặc biệt là những người có trình độ thấp, không có cơ hội tìm việc trong cơ quan nhà nước hay DN. Nói cách khác, khu vực phi chính thức đóng góp vào GDP mà khu vực kinh tế chính thức "không với tới được". Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, kinh tế phi chính thức ở một góc độ nào đó cũng tạo ra mạng lưới an toàn cho nền kinh tế bởi nó "hấp thụ" và vượt qua rất tốt những cú sốc của nền kinh tế. Điều đó giải thích vì sao khu vực này thường phát triển mạnh trong bối cảnh suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế.
Theo nghiên cứu mới đây của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Pháp cho thấy: Khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức đóng góp đáng kể cho nền kinh tế với việc tạo ra gần 1/3 GDP phi nông nghiệp, 57% việc làm phi nông nghiệp và 23% tổng GDP năm 2014. Trong khi đó, nghiên cứu của Nguyễn Thái Hòa, Đỗ Thiên Anh Tuấn (2018) cho rằng, quy mô nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam thay đổi theo từng giai đoạn, thấp nhất khoảng 15% GDP (năm 2006), cao nhất gần 27% GDP (năm 2015).
Nghiên cứu chỉ ra rằng, quy mô nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 1995-2006, nhưng từ 2007-2015 lại có xu hướng tăng lên. Hiện nay, dù chưa phải là nước có quy mô nền kinh tế phi chính thức cao nhất trong số nhóm nước trong mẫu nghiên cứu, nhưng Việt Nam lại là 1 trong 3 quốc gia có tốc tăng trưởng về quy mô nền kinh tế phi chính thức ở mức cao trong khu vực, bình quân mỗi năm tăng 1,2%, chỉ xếp sau Indonesia (3%) và Trung Quốc (2,1%). Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, kinh tế phi chính thức ở Việt Nam chiếm không tới 30% GDP như nhiều dự đoán.
Theo các chuyên gia kinh tế, khu vực kinh tế phi chính thức cũng tạo ra nhiều hệ lụy. Theo Huỳnh Thanh Điền (2019), sự tồn tại của khu vực kinh tế phi chính thức tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh (với các hoạt động kinh tế ngầm nhằm tránh nghĩa vụ thuế, tránh tuân thủ quy định pháp luật, né đóng bảo hiểm xã hội…), hạn chế sự tiến bộ và văn minh của cộng đồng doanh nghiệp (DN), gây khó khăn cho các DN thuộc khu vực chính thức.
Với cơ chế quản lý nhà nước hiện hành, trong đó, thủ tục đăng ký hoạt động kinh doanh hộ khá đơn giản, ít phải chịu sự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, thì rất khó quản lý tính tuân thủ pháp luật của hộ kinh doanh, dễ biến tướng thành các hoạt động buôn bán phi chính thức và dễ thực hiện các hành vi né thuế hơn so với DN. Không những thế, sự tồn tại các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, bị pháp luật cấm (như sản xuất, buôn bán ma túy, mại dâm, buôn người…) gây ra nhiều tệ nạn xã hội, đe dọa sự bình yên và văn minh xã hội.
Thực tế cũng cho thấy, khu vực phi chính thức không đảm bảo phúc lợi tối thiểu cho người lao động; việc làm của người lao động ở khu vực này thường thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động, thu nhập thấp, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác. Khu vực phi chính thức hoạt động không tuân thủ các quy định pháp luật, nhất là các quy định điều kiện làm việc và phúc lợi đối với người lao động, nên người lao động thường xuyên làm việc trong điều kiện không an toàn, sức khỏe bị đe dọa và không được nhận hỗ trợ từ các chương trình trợ cấp xã hội. Ngoài ra, người lao động ít cơ hội phát triển kỹ năng nghề nghiệp, bấp bênh và thường đối mặt với nguy cơ trở thành tầng lớp nghèo trong xã hội.
Theo Tổng cục Thống kê, khu vực phi chính thức có những đặc điểm dễ nhận thấy như: Lao động trong khu vực này có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thỏa thuận miệng, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác cho người lao động… Trong số 21 ngành kinh tế được cơ quan này khảo sát, 4 ngành có tỷ lệ lao động phi chính thức cao nhất là: Làm thuê trong các hộ gia đình (gần 99%), xây dựng (hơn 90%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (hơn 80%), hoạt động dịch vụ khác (trên 83%). Tỷ lệ qua đào tạo của lao động phi chính thức khá thấp, chỉ khoảng gần 15%, thấp hơn mức chung của lao động có việc làm trong toàn bộ nền kinh tế 5,7 điểm phần trăm và thấp hơn so với lao động chính thức là 17,4 điểm phần trăm.
Trên góc nhìn vĩ mô, khu vực kinh tế phi chính thức tác động mạnh tới phân bổ sai lệch các nguồn lực, mô tả sai lệch nền kinh tế, làm méo mó thị trường lao động...
Giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế phi chính thức
Mặc dù, kinh tế phi chính thức đã, đang tạo ra nhiều việc làm, hấp thụ số lượng lao động lớn dôi dư trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế nhưng không nên xem chúng là khu vực đóng góp tích cực. Sự phát triển của khu vực kinh tế phi chính thức đang đặt ra nhiều thách thức lớn đối với Việt Nam trong công tác quản lý và kiểm soát sự gia tăng của khu vực này. Trong bối cảnh đó, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế phi chính thức, cần chú trọng một số vấn đề sau:
Một là, sớm đề ra tiến trình hợp lý để chuyển đổi các hoạt động kinh tế từ phi chính thức sang khu vực chính thức. Sự chuyển đổi này đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế pháp luật điều tiết các hoạt động kinh tế, kiểm soát chặt chẽ khâu cấp phép và giám sát các hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, Nhà nước sớm có cơ chế chính sách can thiệp, kịp thời đánh giá đúng mức về vai trò của khu vực kinh tế này nhằm hợp pháp hóa để khu vực này phát triển, giảm dần việc bỏ sót nghĩa vụ đóng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội và hạn chế tối đa tiêu cực.
Hai là, thắt chặt các chính sách liên quan đến thực hiện nghĩa vụ về phúc lợi cho người lao động của DN, nhất là thực hiện nghiêm các chính sách mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ việc thực thi pháp luật về lao động, sao cho đảm bảo tất cả người lao động đều có hợp đồng chính thức, được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định pháp luật.
Ba là, tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh tế phi chính thức trong nền kinh tế số. Thương mại điện tử tạo ra các mô hình kinh doanh mới như: chợ ảo, cộng đồng ảo, dịch vụ thông tin, đấu giá trực tuyến… Các mô hình này giúp DN thực hiện kinh doanh và có thu nhập nhưng lại không được đăng ký, thống kê, báo cáo, không nộp thuế và không liên quan đến an sinh xã hội (biểu hiện của thành phần kinh tế phi chính thức). Môi trường kinh doanh trên Internet tạo nhiều kẽ hở cho các giao dịch phi pháp và một số hoạt động ngoài sự quản lý của Nhà nước, đặc biệt là đánh thuế các giao dịch thương mại điện tử.
Bốn là, thúc đẩy các chương trình đào tạo nghề, hướng đến đối tượng thường xuyên lao động trong khu vực không chính thức sẽ đủ năng lực làm việc trong khu vực chính thức.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Đăng Doanh (chủ biên), Khu vực kinh tế phi chính quy, một số kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam trong quá trình chuyển đổi kinh tế, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997;
2. Phạm Văn Dũng (chủ biên), Khu vực kinh tế phi chính thức, thực trạng và vấn đề đặt ra với công tác quản lý, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004;
3. Phương Dung (2018), Kinh tế "phi chính thức" ở Việt Nam có thể lên tới gần 30% GDP? Báo Dân trí điện tử;
4. Trần Thị Bích Nhân - Đỗ Thị Minh Hương (2019), Kinh tế phi chính thức ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Tài chính tháng /2019;
5. Huỳnh Thanh Điền (2019), Thúc đẩy chuyển đổi kinh tế phi chính thức sang chính thức;
6. Đinh Thị Luyện (2018), Kinh tế phi chính thức ở Việt Nam và một số khuyến nghị, Tạp chí Tài chính.