Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Làn sóng hội nhập mang đến nhiều cơ hội to lớn cho nền kinh tế nước ta. Câu hỏi đặt ra là lực lượng nào sẽ giữ vai trò trọng yếu trong việc tiếp nhận cơ hội, vượt qua thách thức, đem lại những lợi ích kinh tế cho đất nước? Các chuyên gia kinh tế chỉ rõ rằng, đó chỉ có thể là lực lượng DNNVV trong nước. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp này hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.
Xuất phát từ nhận thức mới về vị trí, vai trò của DNNVV, Chính phủ đã và đang xây dựng hệ thống giải pháp chính sách hỗ trợ các DNNVV, nhằm giúp họ gia nhập thị trường, đứng vững, đủ khả năng cạnh tranh, tồn tại bền vững trong hội nhập, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu trong giai đoạn từ 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.
Từ đó, tạo động lực để khu vực này trở thành một trong những trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế. Trên thực tế, đây là lực lượng đông đảo nhất trong giới kinh doanh, chiếm tới 95% số lượng doanh nghiệp, chiếm tới 70% doanh số và đóng góp hơn 50% GDP của cả nước. Đặc biệt, đây là lực lượng cung cấp số lượng việc làm lớn nhất, so với các thành phần kinh tế khác.
Tuy nhiên, theo thống kê, DNNVV hiện mới chỉ chiếm khoảng 17% tổng kim ngạch xuất khẩu. Số lượng DNNVV có thể tự đầu tư ra thị trường nước ngoài chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp này với nhau còn rất lỏng lẻo, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp để đương đầu với cạnh tranh từ bên ngoài. Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, cần tích cực hỗ trợ DNNVV tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, gia tăng giá trị xuất khẩu.
Theo đó, DNNVV dần trở thành những nhà cung cấp dịch vụ, nguyên liệu thô hoặc tham gia vào chuỗi sản xuất - thương mại cùng các doanh nghiệp lớn; và lớn mạnh hơn để trở thành những nhà cung cấp dịch vụ thứ cấp vững mạnh, yểm trợ tốt cho những doanh nghiệp lớn.
Những cơ hội rất lớn đang đến với các DNNVV Việt Nam. Song, các DNNVV trong nước lại đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, hạn chế đầu tiên là năng lực quản trị doanh nghiệp theo phương thức tiên tiến; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, học hỏi để tiếp cận thông tin thị trường bằng ngoại ngữ thấp, thiếu vốn trung và dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ…
Bên cạnh đó, các chi phí về thuế, về thủ tục hải quan cao và vẫn còn phiền hà, năng suất và hiệu suất lao động chưa cao… khiến doanh nghiệp bị hạn chế về giá thành, khó cạnh tranh với các nước trong khu vực khi xuất khẩu. Báo cáo mới đây của Hiệp hội DNNVV cho thấy, chỉ có 21% DNNVV nội địa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu; trong khi ở Thái Lan tỷ lệ này trên 30% và ở Malaysia là 46%. Năng suất lao động của DNNVV Việt Nam cũng thua Singapore hàng trăm lần, thua Malaysia hàng chục lần. Và điểm yếu nhất của DNNVV của ta là kém ngoại ngữ.
Theo đánh giá của các nhà quan sát chính trị và nghiên cứu kinh tế, Việt Nam đang ở thời điểm quyết định để chuyển đổi mô hình phát triển. Và chuyển đổi có thể tạo ra xung lực mạnh mẽ nhất chính là thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về vai trò của DNNVV; thay đổi và có những chính sách đặc thù để nâng cao sức cạnh tranh của khối doanh nghiệp tư nhân và các DNNVV.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của khu vực DNNVV, thời gian qua, việc xây dựng, hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước, trong đó có DNNVV đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận.Cụ thể, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã được ban hành năm 2014. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ riêng cho khu vực doanh nghiệp này như các Nghị định số 90, số 56; triển khai thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV, vận hành Quỹ bảo lãnh DNNVV; Quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV; ban hành Kế hoạch phát triển DNNVV các giai đoạn…
Quan trọng nhất, Chính phủ vừa hoàn thành xây dựng dự án Luật Hỗ trợ phát triển DNNVV, dự kiến sẽ trình QH Khóa XIV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 2. Sức nóng cạnh tranh và hội nhập đã “phả vào gáy” cả giới doanh nghiệp lẫn bộ máy hành chính. Chính vì thế, rất cần sớm ban hành Luật này, cũng như cần thiết xây dựng Chương trình hành động quốc gia vì DNNVV, để thực sự hỗ trợ lực lượng này đương đầu được với sóng gió cạnh tranh và gặt hái thành công cho đất nước.