Tăng cường hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh doanh

ThS. Nguyễn Thị Thanh Tâm - Trường Đại học Thương Mại

Doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ có những đóng góp rất lớn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, nâng cao vị thế lãnh đạo cho nữ giới, thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ trong nền kinh tế chính là động lực cho phát triển bền vững và bao trùm. Tuy nhiên, phụ nữ khởi nghiệp đang gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức. Bài viết phân tích tình hình sản xuất kinh doanh của các DN do phụ nữ làm chủ, chỉ ra kết quả và khó khăn của phụ nữ khởi nghiệp trong tiếp cận các nguồn hỗ trợ của Chính phủ để từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh doanh.

Khái quát về các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

DN do phụ nữ làm chủ có đóng góp đáng kể vào nền kinh tế, tuy nhiên họ đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Đó là những khó khăn từ môi trường kinh doanh, từ áp lực phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, từ định kiến xã hội và quan niệm sai lầm về vai trò của phụ nữ, định kiến về khả năng kinh doanh của phụ nữ và cả những phân biệt đối xử trong kinh doanh.

Theo Báo cáo “Kiên cường vượt sóng, Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch COVID–19” (2022), NXB Công Thương, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam dù có một số cải thiện trong giai đoạn 2011-2018 nhưng lại giảm trong các năm từ năm 2019 đến 2021 và chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Quy mô doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung ở mức nhỏ, siêu nhỏ và với quy mô trung bình thấp hơn so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Phát huy vai trò của phụ nữ là động lực của nền kinh tế toàn cầu và cũng là nội hàm của các chính sách kinh tế mới của các quốc gia. Vấn đề đặt ra là để phụ nữ tích cực phát triển kinh tế, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, cần thêm sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ban ngành, DN.

Bên cạnh đó, một số đặc điểm chính của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là:

- Chủ DN có trình độ học vấn cao và xuất thân đa dạng: Hiện nay, có tới gần 80% nữ chủ doanh nghiệp có trình độ đại học và thạc sỹ quản trị kinh doanh, cao hơn con số 72,9% ở năm 2020. Điều này tiếp tục minh chứng về những nỗ lực của phụ nữ và cải thiện đáng kể trong lĩnh vực giáo dục. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng và mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, thì chủ doanh nghiệp có trình độ cao hơn có thể quản trị điều hành doanh nghiệp tốt hơn.

- Quy mô sử dụng lao động nhỏ: Xét về quy mô sử dụng lao động, qua 10 năm điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) gần đây cho thấy, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chủ yếu sử dụng dưới 50 lao động. Những con số này và những số liệu về vốn kinh doanh cho thấy các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

- Quy mô vốn khiêm tốn: Qua các năm, quy mô tổng số vốn kinh doanh của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ khiêm tốn và thay đổi không đáng kể. Số doanh nghiệp có vốn kinh doanh từ 3 tỷ đồng trở xuống chiếm tỷ lệ nhiều nhất (58%), từ 3 đến 10 tỷ có 27%, từ 10 đến 20 tỷ có 6,8%, từ 200 đến 500 tỷ chỉ có 0,9% tổng số doanh nghiệp trả lời và doanh nghiệp có vốn trên 500 tỷ đồng càng ít nữa, chỉ có 0,5%.

- Chủ yếu là các DN nhỏ và siêu nhỏ: Xét theo từng loại quy mô doanh nghiệp, từ doanh nghiệp siêu nhỏ đến doanh nghiệp lớn qua các năm, quy mô của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phần lớn là nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó, số doanh nghiệp có quy mô lao động ở cấp siêu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn nhất (24%) trong các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, sau đó tới các doanh nghiệp nhỏ, có 19,2% là doanh nghiệp vừa và 18,9% là doanh nghiệp lớn.

- Chủ yếu xuất phát từ hộ kinh doanh: Chiếm đa số, 61,3% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ từng là hộ kinh doanh. Chỉ có 4,6% là doanh nghiệp được cổ phần hoá từ DNNN địa phương, 0,5% doanh nghiệp được cổ phần hoá từ DNNN trung ương. Các loại hình khác (doanh nghiệp có cổ phần/vốn góp của Nhà nước, doanh nghiệp có niêm yết trên sàn chứng khoán) chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

- Khách hàng chính là thị trường trong nước: Trong số các loại khách hàng của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm số đông nhất các cá nhân trong nước (66,2%), 62,8% là các doanh nghiệp tư nhân trong nước, 18,8% là các cơ quan nhà nước của Việt Nam, 15% là DNNN, các nhóm khách hàng có yếu tố nước ngoài (doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, khách hàng trực tiếp và gián tiếp là cá nhân, doanh nghiệp ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam) có tỷ lệ dưới 13%. Như vậy, thị trường nội địa là khách hàng chính của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Bảng 1: Số lượng Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thành lập mới và giải thể năm 2021 và năm 2022

STT

Loại hình

Năm 2021

Năm 2022

1

Thành lập mới

34.681

36.009

2

Giải thể

5.706

4.742

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở thông tin đăng ký DN có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN, tính đến hết năm 2022, toàn quốc có 263.444 DN do phụ nữ làm chủ đang hoạt động (có đại diện theo pháp luật và chủ DN tư nhân là nữ), chiếm 29,8% trong tổng số 883.000 DN đang hoạt động.

Trong năm 2021, số lượng DN thành lập mới do phụ nữ làm chủ là 34.681 DN, số giải thể là 5.706 DN. Trong năm 2022 số lượng thành lập mới là 36.009 DN, tăng 3,82% so với năm 2021, số lượng giải thể là 4.742 DN, giảm 16,89% so với năm 2021, đây là một tín hiệu đáng mừng vì năm 2022 so với năm 2021 số lượng DN thành lập mới tăng, số lượng DN giải thể giảm.

Đến hết năm 2022, 226.614 trong tổng số 263.444 (tương đương 86,02%) doanh nghiệp nữ làm chủ khai báo mức vốn đăng ký từ 0 đến 5 tỷ đồng, 6,32% ở mức từ 5 đến 10 tỷ đồng, từ 50 đến 100 tỷ đồng chỉ có 2,13% và không có doanh nghiệp nào có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng.

Trong các ngành sản xuất kinh doanh chính, lạc quan nhất là Xây dựng công trình dân dụng và Kinh doanh bất động sản, khi có tương ứng 65,1% và 64,1% DN trong ngành này có dự kiến mở rộng sản xuất, kinh doanh. Kém lạc quan nhất là ngành Thông tin và truyền thông, Hoạt động khoa học công nghệ, Dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Tỷ lệ doanh nghiệp có lãi giảm, tỷ lệ doanh nghiệp bị thua lỗ tăng thể hiện kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ảm đạm hơn trong 3 năm gần đây. Năm 2019, có 61,1% doanh nghiệp kinh doanh có lãi, 27,1% bị thua lỗ, nhưng sang 2020, tỷ lệ có lãi giảm hẳn (chỉ còn 53,2%), thêm vào đó, tỷ lệ bị thua lỗ tăng lên (32,1%). Năm 2021, con số này tương ứng là 42,7% và tỷ lệ thua lỗ tăng mạnh lên mức 39,2%. Số liệu này cho thấy rất rõ ràng 2 năm 2020-2021 cả cộng đồng DN phải chịu tác động nặng nề của COVID-19.

Kết quả hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh

Sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành, hầu hết các địa phương đều có kế hoạch triển khai thi hành Luật và có các kế hoạch, chương trình hỗ trợ DNNVV. Tuy nhiên, ở các địa phương, trong chương trình hỗ trợ DN thực hiện theo Luật Hỗ trợ DNNVV hầu hết không có hỗ trợ riêng cho DN do phụ nữ làm chủ, không có mục tiêu riêng đặt ra cho DN do phụ nữ làm chủ. Cũng theo Báo cáo tình hình 3 năm triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, trong số 58 địa phương gửi báo cáo, mới có 10 địa phương đã xây dựng và ban hành Nghị quyết, Chương trình, kế hoạch, Đề án hỗ trợ dành riêng cho DNNVV do phụ nữ làm chủ trên địa bàn.

Chủ yếu các hoạt động hỗ trợ nữ doanh nhân do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang tích cực triển khai theo Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”. Thực hiện Đề án này, Hội liên hiệp phụ nữ các tỉnh/thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch/Đề án trình UBND tỉnh/thành phố và đến cuối năm 2018, 100% các tỉnh/thành phố được UBND cấp tỉnh phê duyệt Đề án/Kế hoạch hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Đối tượng hỗ trợ của Đề án này là phụ nữ khởi nghiệp, các tổ hợp tác/hợp tác xã, DN mới thành lập do phụ nữ làm chủ.

Theo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện, Đề án nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, kết quả bước đầu đáng khích lệ, cụ thể: Hỗ trợ 63.864 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, hoàn thành 319,3% so với chỉ tiêu đặt ra; Phối hợp, hỗ trợ thành lập 4.747 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý, hoàn thành 395,6% so với chỉ tiêu đặt ra; Có 50.665 DN của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển DN, hoàn thành 50,7% so với chỉ tiêu đặt ra.

Khó khăn của phụ nữ khởi nghiệp trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước

Tiếp cận vốn, tín dụng là khó khăn lớn nhất đối với phụ nữ tham gia vào kinh doanh. Khó khăn về vốn là vấn đề “toàn cầu” của các DNNVV bất kể thuộc giới nào quản lý, tuy nhiên DN do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng lớn hơn. DN do phụ nữ làm chủ hầu hết là DN nhỏ và siêu nhỏ, rất nhiều DN khó đáp ứng được điều kiện cho vay do không có tài sản thế chấp, tiềm lực tài chính yếu, chưa chứng minh được hiệu quả kinh doanh và khả năng sinh lời… nên các ngân hàng rất thận trọng khi cho vay vốn để tránh nợ xấu.

Đánh giá của doanh nghiệp về khả năng tiếp cận một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đó là các chính sách như giảm lãi suất, giãn thời gian cho vay, vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng (VAT), gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), gia hạn nộp tiền thuê đất, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và lùi thời điểm đóng phí công đoàn. Kết quả cho thấy, một số chính sách như gia hạn đóng thuế TNDN, gia hạn đóng thuế VAT có tỷ lệ doanh nghiệp cho biết là dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động là khó tiếp cận nhất.

Trên thực tế, các chính sách đa số được thiết kế và thực thi theo hướng bình quân hóa giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô, mà ít tính đến mức độ ảnh hưởng và khả năng chống chịu. Nguồn lực còn khiêm tốn nhưng số lượng đối tượng được hỗ trợ quá nhiều, nên lợi ích từ chính sách bị dàn trải. Nhiều chính sách hỗ trợ có quy trình xét duyệt còn phức tạp, các điều kiện để được hưởng chính sách chưa rõ ràng, thời gian xử lý lâu do các thủ tục hành chính rườm rà. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kể trên đều trung tính về giới mà không dựa trên đánh giá tác động giới và lồng ghép giới. Do đó, cần có những đổi mới và tạo thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp tiếp cận và được hưởng các chính sách này để đẩy nhanh quá trình phục hồi trong bối cảnh bình thường mới.

Giải pháp nhằm tăng cường hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh doanh

Trước những biến động không ngừng của nền kinh tế và những tác động của đại dịch, để các DN nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ vượt qua được những khó khăn trước mắt, đồng thời phát triển mạnh mẽ, vững chắc và lâu dài thì một số giải pháp nhằm tăng cường hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh doanh cần được triển khai. Cụ thể:

Một là, hỗ trợ hiện thực hoá ý tưởng sáng tạo: Tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh khả thi; hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp có sự đổi mới sáng tạo; hỗ trợ tiếp cận tín dụng. Trong hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới và xúc tiến thương mại cần hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, phát triển mạng lưới các Hiệp hội/Hội/Câu lạc bộ doanh nhân nữ.

Hai là, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN nữ mới thành lập: Tập huấn, đào tạo kiến thức, đào tạo nghề, tổ chức các hoạt động điểm cấp vùng, cụm (xúc tiến thương mại, tổ chức đối thoại giữa DN nữ với chính quyền…); Tư vấn, hỗ trợ các DN nữ tiếp cận các nguồn lực về vốn, pháp lý, khoa học, công nghệ…; Tư vấn, hỗ trợ nâng cao chất lượng của các tổ chức, hiệp hội DN nữ. Kết nối các DN nữ giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại thông qua trang thông tin điện tử của Hội, Báo Phụ nữ Việt Nam, trên trang điện tử phunuvietnamonline, các báo của các bộ ngành, địa phương.

Ba là, tăng cường năng lực cho các đơn vị hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh: Nghiên cứu, xây dựng và vận hành mô hình tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ (Bussiness Hub) tại cấp trung ương, đại diện vùng miền và nhân rộng mô hình hỗ trợ phụ nữ kinh doanh tại cấp tỉnh/thành; Hỗ trợ nâng cao năng lực của cán bộ Hội chịu trách nhiệm đầu mối phụ trách hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh về kỹ năng kinh doanh, kỹ năng quản lý điều hành, kết nối các đơn vị hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; Tăng cường nguồn lực về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho các đơn vị hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; Tham gia là thành viên các tổ chức quốc tế, quốc gia về hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, đổi mới khởi nghiệp và phát triển kinh doanh.

Bốn là, nghiên cứu, đánh giá về hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh: Nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh theo đối tượng, vùng miền; Đề xuất chính sách hỗ trợ DN do nữ làm chủ (tập trung cho DN siêu nhỏ); Nghiên cứu đề xuất giải pháp tổ chức tư vấn, đối thoại chính sách về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; Xây dựng và phát hành tài liệu Cẩm nang dành cho cán bộ Hội trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, phát luật liên quan đến phát triển DN, khởi nghiệp cho phụ nữ.

Năm là, ngành Thuế tiếp tục cải cách, tập trung rà soát, đơn giản các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiện đại hoá phương thức quản lý thuế, đảm bảo tính ổn định khi sử dụng Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, cải thiện hơn nữa, đặc biệt là các thủ tục miễn giảm thuế và hoàn thuế. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, người dân, DN có xu hướng thực hiện các thủ tục hành chính thông qua phương thức trực tuyến, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Sáu là, các địa phương cần đưa ra ưu tiên cho DN do phụ nữ làm chủ trong chương trình hỗ trợ DN, các ngân hàng hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng một cách bình đẳng đối với DN do phụ nữ làm chủ đặc biệt là sau khi NHNN Việt Nam chính thức nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại; đơn giản hoá điều kiện và thủ tục cho vay, xử lý hồ sơ nhanh chóng.

Bên cạnh đó, các DN do phụ nữ làm chủ cần chủ động nghiên cứu, cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật để kịp thời nắm bắt, tiếp cận, tận dụng các cơ hội, ưu đãi chính sách Nhà nước và hạn chế tối đa các rủi ro trong quá trình khởi nghiệp; Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các DN với nhau, đặc biệt là các DN lớn trong và ngoài nước để tận dụng được tối đa nguồn vốn, nguồn nhân lực cũng như công nghệ hay thị trường.

Tóm lại, các doanh nhân nữ Việt Nam với bản lĩnh kiên cường, cùng sự đồng hành của Chính phủ, sự tiếp sức của các tổ chức tài chính, tín dụng, các tổ chức hỗ trợ DN trong nước và quốc tế sẽ có nhiều cơ hội tìm ra những giải pháp hiệu quả để cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh của DN do phụ nữ làm chủ, giúp cho phụ nữ khởi sự kinh doanh thành công và phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/06/2017 về Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”;
  2. Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) và UNESCAP (2021), Báo cáo đánh giá tác động của COVID-19 đối với các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV do nữ làm chủ (2021);
  3. Nhà xuất bản Công Thương, Báo cáo Kiên cường vượt sóng, Kết quả điều tra các DN do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch COVID-19 (2022);
  4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo cáo kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các DN do phụ nữ làm chủ (2019);
  5. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo cáo môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Góc nhìn của các DN do phụ nữ làm chủ (2021).