Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ 

Minh Thư

Ngày 03/01/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã (HTX) do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”. Theo đó, các nguồn vốn thực hiện Đề án gồm: Vốn ngân sách trung ương; Vốn ngân sách địa phương; Vốn tín dụng; Vốn của các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình tự huy động và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mục tiêu tổng quát của Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” là phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên và người lao động trong HTX.

Đồng thời, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX. Phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bình đẳng giới.

Các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 gồm: Củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 750 HTX, 5.000 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành được các cấp Hội hỗ trợ thành lập. Tạo việc làm ổn định cho 15.000 thành viên, lao động nữ trong HTX, 40.000 lao động nữ trong tổ hợp tác; 100% nữ quản lý của HTX được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX; đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động trong HTX, hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển KTTT, HTX; Tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 200 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ (trên 50% lao động HTX là nữ); tạo việc làm mới cho 4.000 lao động nữ.

Phấn đấu đến năm 2030, củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 1.500 HTX, 10.000 tổ HT được các cấp Hội hỗ trợ thành lập. Tạo việc làm ổn định cho 30.000 thành viên, lao động nữ trong HTX, 100.000 lao động nữ trong tổ hợp tác; 100% nữ quản lý của HTX được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX; đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động trong HTX, hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển KTTT, HTX; Tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 750 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Nhà nước hỗ trợ về cơ chế, chính sách và một phần kinh phí thực hiện. Theo đó, các nguồn vốn thực hiện Đề án bao gồm: Vốn ngân sách trung ương; Vốn ngân sách địa phương; Vốn tín dụng; Vốn của các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình tự huy động và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Trong đó, vốn ngân sách trung ương được bố trí trong dự toán ngân sách chi thường xuyên hàng năm cho các cơ quan thực hiện Đề án và lồng ghép từ Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, các chương trình sửa đổi, bổ sung cho giai đoạn 2026-2030; các chương trình và dự án khác có liên quan. Vốn tín dụng bao gồm: vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn tín dụng từ Ngân hàng HTX và các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.

Bên cạnh đó, Quyết định số 01/QĐ-TTg nêu rõ, kinh phí quản lý, giám sát thực hiện Đề án được trích từ nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ chi thường xuyên và vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia được giao hàng năm.

Cơ chế tài chính thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và cơ chế tài chính các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án có liên quan.