Tăng cường hoạt động tuân thủ và kiểm soát của Hải quan
(Tài chính) Cơ quan Hải quan cần được trang bị các công cụ cần thiết để thực thi hiệu quả các quy định pháp luật, nhất là đối với những trường hợp không tuân thủ. Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) cùng các thành viên đã phát triển một thư viện với các công cụ, tài liệu hướng dẫn và hoạt động điều phối thực tiễn để hỗ trợ cơ quan Hải quan trong các hoạt động tuân thủ pháp luật và kiểm soát.
Gói Tuân thủ và Kiểm soát (CEP) cung cấp một tập hợp các quy định, được chia thành 4 nội dung: Đối tác; các công cụ; kiểm soát và hạ tầng - công nghệ.
Mục đích của CEP là hỗ trợ các thành viên hiện đại hóa năng lực kiểm soát và tăng khả năng dự đoán, nhận thức, sử dụng và thực hiện các công cụ này để xác định khoảng cách về thủ tục, nếu cần sẽ phát triển các công cụ mới để xóa bỏ các khoảng cách này.
Hệ thống xác định mục tiêu hàng hóa (CTS)
CTS cho phép người sử dụng thu thập trước dữ liệu điện tử của tờ khai hàng hóa từ các hãng vận tải biển để đánh giá rủi ro theo phương pháp tự động hoặc thủ công, lập hồ sơ và xác định mục tiêu. Mô hình CTS đường biển giám sát container mới đây đã được thử nghiệm tại Bahamas và Jamaica.
Chương trình an ninh
Hoạt động quản lý hải quan thường phải đối mặt với những rủi ro an ninh tập trung vào các hành vi như khủng bố, phổ biến vũ khí (và thiết bị hủy diệt), chất nổ và vũ khí hạng nhẹ cũng như các mặt hàng có mục đích sử dụng kép (cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự).
WCO đã có chương trình “Lá chắn toàn cầu” (PGS) - một sáng kiến khởi động từ năm 2010 để giám sát việc thương mại hóa 14 loại hóa chất dùng để sản xuất thiết bị nổ. Một tài liệu hướng dẫn về các tiền chất chế tạo chất nổ đã được phát hành và các hoạt động đào tạo, tăng cường năng lực đang được tiếp tục với 103 chuyên gia đến từ 12 quốc gia tham gia đào tạo. Đồng thời, 17 người khác đã tham gia chương trình đào tạo các nhà đào tạo.
PSG cũng hướng đến việc khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực hóa học và phân bón, quan tâm tới việc cộng tác và thông tin cho cơ quan Hải quan về những hành vi đáng ngờ.
Một hoạt động khác nhằm củng cố vai trò của cơ quan Hải quan trong quản lý biên giới tại các diễn đàn quốc tế là cuộc họp cấp cao của Liên hiệp quốc về kiểm soát thương mại. Trong năm 2013-2014, các thành viên sẽ phối hợp công bố một tài liệu hướng dẫn về kiểm soát thương mại và tổ chức hội thảo cho các khu vực trên thế giới về chủ đề này.
WCO cũng thu thập thông tin về các xu hướng buôn lậu các mặt hàng cấm như vũ khí, chất nổ trong báo cáo của WCO về Thương mại bất hợp pháp năm 2012, được xuất bản tháng 6/2013.
Trong giai đoạn 2012-2013, WCO tham gia 3 chiến dịch chống khủng bố do Cục Chống khủng bố của Liên hiệp quốc (UNSCR) chủ trì. WCO cũng phối hợp với Hải quan A-rập Xê-út và UNSCR tổ chức đào tạo cho các nhân viên Hải quan làm việc tại biên giới về nhận biết, phát hiện các vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Chương trình chống thất thu
Các rủi ro về thu thuế bao gồm các hoạt động gian lận thương mại như khai báo thấp trị giá, xuất xứ để được hưởng thuế ưu đãi, phân loại sai và gian lận hoàn thuế, nhất là với các mặt hàng có thuế suất cao như dầu khí, thuốc lá, rượu.
Kết quả mới nhất của WCO trong lĩnh vực này là xuất bản tài liệu Hướng dẫn chống gian lận xuất xứ và tái bản Tuyển tập các quy định của Hải quan về thực thi pháp luật và bắt giữ.
Sau khi sửa đổi tài liệu Hướng dẫn Kiểm tra sau thông quan, WCO đã nhận được nhiều đề nghị đào tạo. Do đó, WCO đang xây dựng Tài liệu đào tạo về kiểm tra sau thông quan với những hướng dẫn mới và sẽ sớm công bố cho các thành viên.
Chương trình chống ma túy
Hai chương trình tiêu biểu của WCO trong lĩnh vực này là: Chiến dịch SKYNET và WESTERLIES. SKYNET tập trung phá các đường dây buôn lậu ma túy và tiền chất trong chuyển phát nhanh. WESTERLIES nhằm vào đường dây buôn bán bất hợp pháp ma túy methaphetamine qua đường hàng không.
Đối với chương trình kiểm tra container của WCO - UNODC (CCP), đã có 19 đơn vị kiểm tra (PCUs) được thành lập và đi vào hoạt động tại 19 quốc gia. Với thành công đạt được, CCP đang mở rộng mạng lưới hoạt động sang 22 quốc gia khác.
Chương trình bảo vệ an toàn và sức khỏe
Hoạt động này liên quan các rủi ro về quyền sở hữu trí tuệ và sức khỏe, an toàn trong quản lý hải quan như: Quản lý hàng giả, hàng vi phạm bản quyền có nguy hại tới người tiêu dùng, nhất là dược phẩm, điện tử, thực phẩm, phụ tùng ô tô… WCO đã xây dựng một chiến lược hợp tác với các chủ sở hữu trí tuệ để nâng cao nhận thức về nguy hiểm của hàng giả và tăng cường khả năng xác định mục tiêu và điều tra của cơ quan Hải quan.
Giao diện Công chúng - Thành viên của WCO (IPM) là cơ sở dữ liệu trực tuyến cung cấp cho các chủ sở hữu trí tuệ thông tin về sản phẩm cần được bảo hộ. Hiện nay, các nhân viên Hải quan đã được cung cấp một ứng dụng di động để truy cập dữ liệu bằng cách kiểm tra mã vạch.
Bảo vệ môi trường
Các rủi ro về môi trường có liên quan đến cơ quan Hải quan chủ yếu gắn với các đường dây xuyên biên giới vận chuyển các chất độc hại, phá hoại tầng ozon. Một dự án quan trọng của WCO là GAPIN, bắt đầu từ năm 2010 nhằm vào việc kiểm soát các hoạt động buôn lậu các loại động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.
Ngoài ra, với tư cách là thành viên của Hiệp hội quốc tế về chống các tội phạm hoang dã (ICCWC), WCO đã đóng góp vào việc xây dựng các công cụ phân tích các tội ác đối với các loài động, thực vật hoang dã.
Bộ công cụ CEN
Ứng dụng Mạng lưới thông tin kiểm soát hải quan (CEN) được thiết kế để cơ quan Hải quan tập hợp thông tin phục vụ các điều tra tình báo. Với số lượng người sử dụng hiện nay vào khoảng 1.600 người, đại diện cho 139 thành viên và 11 Văn phòng tình báo khu vực, CEN đang được coi là công cụ phân tích dữ liệu hiệu quả của WCO và giúp cho các thành viên tích cực cung cấp dữ liệu để hỗ trợ các hoạt động kiểm soát hải quan quốc tế.
CENcomm - ứng dụng trao đổi thông tin của CEN đang dần trở nên phổ biến với các cơ quan Hải quan. Trong năm 2013, đã có 47 chương trình và dự án kiểm soát hải quan sử dụng ứng dụng CENcomm, tăng gấp 2 lần so với năm 2012.